Lưu giữ nghề thêu thổ cẩm của phụ nữ Dao Tiền ở tỉnh Cao Bằng

Thu Hằng- Chẻo Thu
Chia sẻ
(VOV5) - Các sản phẩm thêu thổ cẩm của bà con nơi đây với những hoa văn đẹp, tinh tế, mang nhiều ý nghĩa khác nhau, thể hiện đời sống văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Dao.

Từ bao đời nay, phụ nữ dân tộc Dao Tiền ở xóm nà Chắn, xã Hoa Thám huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, luôn gìn giữ và phát triển nghề thêu thổ cẩm và in hoa văn bằng sáp ong truyền thống. Theo phong tục từ xưa, các cô gái dân tộc Dao trước khi lấy chồng phải biết thêu thùa, may vá để tự tay dệt váy cưới cho mình. Các sản phẩm thêu thổ cẩm của bà con nơi đây với những hoa văn đẹp, tinh tế, mang nhiều ý nghĩa khác nhau, thể hiện đời sống văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Dao.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Dệt thổ cẩm không chỉ là một nghề tạo thu nhập mà còn là nơi gửi gắm tâm tình của người Dao Tiền. Thông qua màu sắc, họa tiết trên nền vải, phụ nữ Dao Tiền đã dệt nên những mảnh vải thổ cẩm để may quần áo, khăn và các vật dụng trong gia đình, như: chăn, địu, tấm trải gối, trải giường… rất đẹp mắt, tinh tế và ẩn chứa nhiều nét văn hóa truyền thống. Chẳng hạn các hình ngôi sao nhiều cánh tượng trưng cho sức mạnh của thiên nhiên, vũ trụ. Hoa văn hình tổ tiên như hình con chó đơn, hình chó đôi để nhắc nhở con cháu hãy luôn nhớ và kính trọng tổ tiên của mình. Hoa văn hình hoa tám cánh hay còn gọi là hoa mào gà xuất hiện rên khăn đội đầu và vạt áo của phụ nữ Dao Tiền để cầu mong sự may mắn. Ngoài ra, còn có các loại hoa văn cỏ cây, hoa lá, con vật… gắn với cuộc sống thường ngày của người Dao. Do đó, nghề dệt thổ cẩm được coi là “hồn cốt” tạo nên bản sắc đặc trưng của người Dao Tiền.

Lưu giữ nghề thêu thổ cẩm của phụ nữ Dao Tiền ở tỉnh Cao Bằng - ảnh 1Bộ trang phục của phụ nữ Dao Tiền  

Nguyên liệu chính để làm ra sản phẩm thêu thổ cẩm là sợi cây đay, cây lanh có sẵn tại địa phương. Quy trình dệt thổ cẩm hoàn toàn thủ công, bằng chính đôi tay khéo léo và tỉ mỉ của người phụ nữ. Để có sản phẩm thêu thổ cẩm phải trải qua các công đoạn chính, gồm: Trồng đay, tuốt lanh, se sợi, dệt vải, nhuộm vải rồi thêu. Sản phẩm thêu thổ cẩm và in hoa văn bằng sáp ong được dùng chủ yếu để may quần áo, khăn và các vật dụng trong gia đình như chăn, địu, tấm trải gối, trải giường...

Chị Bàn Thị Xuân, thành viên nhóm thêu, cho biết: "Để làm được sản phẩm tốt thì phải cẩn thận lựa chọn vải thổ cẩm sau đó đem về nhuộm tràm rồi mới thêu các hình hoa văn. Những bộ quần áo truyền thống và nhiều sản phẩm lưu niệm như khăn túi… phải tỉ mẩn, kiên nhẫn  thêu thùa. Do hoàn toàn làm thủ công nên các sản phẩm của nhóm phải luôn đạt chất lượng như vậy người tiêu dùng mới ưa thích và đảm bảo uy tín lâu dài."

Nghề dệt thổ cẩm gắn liền với cuộc sống của đồng bào Dao Tiền ở Cao Bằng. Đây là nghề không chỉ đơn thuần dệt ra những mảnh vải đẹp, trang phục truyền thống sử dụng trong cuộc sống và sinh hoạt mà còn chứa đựng văn hóa của người Dao Tiền. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, có giai đoạn nghề dệt thổ cẩm đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Để khôi phục, gìn giữ nghề, chính quyền và người dân tại xã Hoa Thám (Nguyên Bình) có nhiều nỗ lực phát huy hiệu quả nghề dệt, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Chủ tịch UBND xã Hoa Thám Hoàng Tòn Sao cho biết: Xã đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể, nòng cốt là Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, vận động bà con trong các xóm khôi phục nghề dệt truyền thống. Để bà con có vốn sản xuất, xã chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền huyện và huy động các nguồn lực để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân vay vốn mua nguyên liệu đầu tư, khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Năm 2017, UBND xã quyết định thành lập Xưởng thêu thổ cẩm xóm Nà Chắn, giới thiệu các sản phẩm đến người tiêu dùng.

"Xã đã kết nối một số trung tâm đưa chị em đi quảng bá giơí thiệu sản phẩm ở nhiều nơi. Bên cạnh đó UBND xã cũng đã giúp đỡ, xây dựng kế hoạch hoạt động cho nhóm và định hướng các sản phẩm bán ở đâu. Và dự án CFP Phát triển nông hội tỉnh Cao Bằng đã mở các lớp tập huấn dạy nghề, hỗ trợ kinh phí cho nhóm thêu thổ cẩm Nà Chắn phát triển. Qua quá trình thực hiện, sản phẩm làm ra có nhiều nơi tiếp nhận, nguồn thu nhập cho bà con được cải thiện tốt hơn." Chị Hoàng Tòn Sao.

Lưu giữ nghề thêu thổ cẩm của phụ nữ Dao Tiền ở tỉnh Cao Bằng - ảnh 2Nhóm thêu thổ cẩm xóm Nà Chắn  

Cùng với đó, năm 2012, Trung tâm Phát triển cộng đồng Cao Bằng (DECEN) phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Đại An (Thành phố) thành lập Tổ sản xuất thêu thổ cẩm dân tộc Dao ở xóm Nà Chắn - Thang Coỏng, xã Hoa Thám gồm 17 thành viên. Tổ được hỗ trợ 20 triệu đồng mua vải, đay, chỉ thêu...; hỗ trợ 50% kinh phí mua máy khâu, máy vắt sổ, bàn là; được tập huấn cách thêu, cách xây dựng kế hoạch...

Từ những tấm vải thổ cẩm truyền thống chủ yếu dùng để phục vụ  sinh hoạt, sản phẩm của chị em phụ nữ ở đây trở thành hàng hóa được quảng bá rộng rãi tới các vùng, miền và du khách nước ngoài. Hằng năm, vào trung tuần tháng 11, Tổ sản xuất thêu thổ cẩm cử 1, 2 thành viên cùng Trung tâm Phát triển cộng đồng Cao Bằng mang sản phẩm đi quảng bá tại Hội chợ Thương mại, triển lãm tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội...

Lưu giữ nghề thêu thổ cẩm của phụ nữ Dao Tiền ở tỉnh Cao Bằng - ảnh 3 Sản phẩm thêu thổ cẩm. Ảnh VietnamJourney

Chị Triệu Thị Nhím, chủ nhiệm nhóm thêu Nà Chắn, cho biết: "Lập nhóm thêu thổ cẩm Nà Chắn để gìn giữ nghề truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc và tạo thu nhập cho chị em. Sản phẩm làm ra được khách du lịch rất ưu thích. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ để nhóm duy trì hoạt động lâu dài"

Với tiềm năng phát triển du lịch ở Cao Bằng, nghề thêu thổ cẩm và in hoa văn bằng sáp ong của dân tộc Dao Tiền huyện Nguyên Bình, có cơ hội phát triển, xây dựng thương hiệu, tìm thị trường rộng lớn hơn cho sản phẩm, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu