Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu là nghề truyền thống, mang nét đặc trưng, đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Xưa kia, người Cơ Tu phát hiện ra cây bông vải (kpay) nguyên thủy mọc trong rừng, mang về trồng trên rẫy, nhân giống rộng rãi. Từ đó, nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu mới manh nha phát triển.
Nghe âm thanh tại đây:
Dân tộc Cơ Tu là một trong số ít các dân tộc thiểu số sinh sống ở dãy núi Trường Sơn và khu vực Tây Nguyên còn lưu giữ được nghề trồng bông, dệt thổ cẩm. Người Cơ Tu có nhiều giống bông bản địa, đó là kpay plâng, kpay lao, kpay plưng mà ngày nay người ta gọi là giống bông cỏ hay bông thượng. Mỗi cô gái Cơ Tu đến tuổi lấy chồng đều phải biết dệt vải. Đây được xem là thước đo giá trị tinh thần, là tiêu chuẩn để đánh giá tài năng và đức hạnh của người phụ nữ Cơ Tu.
Nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Cơ Tu được làm hoàn toàn thủ công và khép kín, từ các nguyên liệu bông, gai, đay, xe sợi, nhuộm, dệt vải, tạo hoa văn, tra cườm, thêu… cho đến công đoạn may thành sản phẩm.
Phụ nữ Cơ Tu dệt thổ cẩm. Ảnh: Ngọc Anh |
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Võ Văn Hòe cho biết: "Người Cơ Tu có nhiều nghề truyền thống, như: dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc…Trong đó, nghề dệt thổ cẩm rất đặc sắc, quan trọng với người Cơ Tu. Sự khác biệt dễ nhận thấy đó là trang phục người Cơ Tu không sặc sỡ như các trang phục dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc. Ở Tây Bắc, thì những trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số rất sặc sỡ, những chiếc mũ của đồng bào ngoài đó rất nhiều hạt cườm, được trang trí rất kỹ lưỡng. Nhưng người Cơ Tu họ có nét riêng của họ. Màu sắc chủ đạo của người Cơ Tu là màu đen và màu đỏ, xen lẫn vào đó là màu xanh, màu trắng và màu vàng. Những màu đó theo người Cơ Tu chia sẻ đó là màu của núi rừng. Ví dụ màu đen là màu của đất, màu đỏ của trời, màu xanh là màu của rừng núi, màu trắng là màu để điểm xuyết vào tất cả các màu tạo nên những hoa văn như thế".
Khung dệt của người Cơ Tu được làm hết sức thô sơ, chỉ từ những thanh tre, nứa… Khung dệt cổ xưa nhất còn tồn tại cho đến ngày nay với tên gọi khung dệt inđônêsiên. Đó là loại khung giữ bằng chân, dệt bằng tay, các bộ phận tách rời nhau, chỉ khi dệt, giăng sợi vào thì mới trở thành khung dệt. Tuy kết cấu khá đơn giản, thô sơ và khả năng dệt hoa văn bị hạn chế, nhưng khung dệt này lại có thể dệt được những loại vải mang đậm nét văn hóa của người Cơ Tu. Người Cơ Tu cũng sáng tạo ra nhiều công cụ khác nhau để chế biến sợi. Đó là khung quấn sợi thô (dùng trong khâu trước khi nhuộm); công cụ tách hạt (êết); dụng cụ bật bông (tơrơmế); máy se sợi (chia); que quấn bông (plau); công cụ tạo búp sợi (tra ca), khung dệt… Có thể phân biệt các sản phẩm thổ cẩm Cơ Tu qua những tấm aduông (tấm dồ), áo (adooh), áo choàng (adây), áo chữ X (chrơ gul, chrơ peng), khố (h’giăl hay g’hul), váy (hđooh), khăn trùm đầu, tấm địu con (aduông kon), túi thổ cẩm (chơ dhung), yếm (xờ nát) hay túp lều bằng tấm htút (g’nâu bh’muối)....
Phụ nữ Cơ Tu dệt thổ cẩm. Ảnh: Ngọc Anh |
Nói tới nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu phải kể đến đến kỹ thuật dệt hoa văn hạt cườm, hoa văn chỉ màu, hoa văn gợn sóng và kỹ thuật khâu đáp độc đáo. Họ dệt cườm thẳng vào trong sợi chỉ, vào trong sản phẩm chứ không phải dán hoặc đính. Việc sử dụng hạt cườm, chèn cườm, kết cườm hay tạo hoa văn bằng cườm là một thao tác đặc biệt, rất tỉ mỉ và công phu, làm nên giá trị đặc biệt của thổ cẩm, trang phục Cơ tu.
Chị A Bing Thị Ngọc, người dân xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Chỉ cuốn cườm sâu để dệt. Mình thích hoa văn như nào thì mình dệt kiểu đó. Màu thì nhiều tùy theo người thích, thích kiểu nào dùng kiểu đó. Nói chung, nếu dệt thổ cẩm thì nên chọn màu đen vì màu đen là màu chính. Các màu khác ví dụ màu vàng, màu đỏ, màu xanh mình làm thêm thì mình trang trí cho đẹp, cho có cảnh sinh động, có hoa văn. Ví dụ mình thấy lá trên rừng có lá đẹp thì mình dệt theo. Những họa tiết mà chúng tôi thêu lên áo được lấy ý tưởng từ những thứ xung quanh, ví dụ như cây lá trên rừng, chim chóc, nhà sàn, nhà Gươl.. rồi chúng tôi dệt lên áo."
Hiện nay, các làng dệt thổ cẩm Cơ Tu đang được khôi phục và phát triển tại tỉnh Quảng Nam. Cụ thể ở thôn Zara, xã Tàbhing và thôn Côngdồn, xã Zhuôi (huyện Nam Giang); thôn Bhơhôông, xã Sôngkôn (huyện Đông Giang), thôn Achinr, xã Atiêng (huyện Tây Giang), thôn Pơr’ning, xã Lăng, huyện Tây Giang.
Anh Bh’ling Phát, Trưởng thôn Pơr’ning, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Điều rất mừng là vẫn còn lưu giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Dệt thổ cẩm hiện nay có sự chuyển giao thế hệ giữa thế hệ già và thế hệ trẻ. Hiện, nhiều người trẻ biết dệt. Dân làng dệt thổ cẩm chủ yếu phục vụ cho nhu cầu hằng ngày, may mặc, hoặc trao đổi hàng hóa. Cái khó là thiếu chỗ tiêu thụ, sản phẩm dệt chủ yếu phục vụ ăn mặc và trao đổi tặng quà, biếu tặng. Theo phong tục người Cơ Tu, người phụ nữ lấy chồng phải có tấm tút (giống cái áo mà nam giới mặc khi múa tung tung da dá) để trao tặng cho bên nhà chồng."
Những sản phẩm thổ cẩm của người đồng bào dân tộc Cơ Tu đặc sắc, độc đáo, mang tính nghệ thuật cao. Tháng 8/2014, nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu tỉnh Quảng Nam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.