Là một trong số 54 dân tộc Việt Nam, dân tộc Cơ Tu có nhiều nghi lễ, phong tục đặc sắc, độc đáo, trong đó có lễ “tạ ơn cha mẹ vợ”. Lễ “tạ ơn cha mẹ vợ” có ý nghĩa to lớn về giáo dục cách ứng xử, xây dựng chuẩn mực đạo đức trong mỗi gia đình, làng bản và cộng đồng, thể hiện tấm lòng hiếu thảo của chàng rể đối với gia đình vợ.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Người Cơ Tu gọi lễ báo hiếu là pa’đăh. Pa’đăh có nghĩa là một bữa tiệc tri ân của con rể đối với cha mẹ và người thân bên vợ. Đây được xem như “lễ cưới lần 2”, thường diễn ra sau vài năm vợ chồng ra ở riêng và cũng không ai ép buộc. Khi cuộc sống của vợ chồng trẻ đã ổn định, các chàng rể Cơ Tu bắt đầu lên kế hoạch báo hiếu cha mẹ vợ, báo đáp ơn nghĩa sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ đối với người mà mình lấy làm vợ. Bởi khi về nhà trai, cô dâu có ít thời gian để báo hiếu cha mẹ đẻ, thay vào đó, là dành tình cảm, chăm lo nhiều hơn cho gia đình chồng.
Lễ tạ ơn cha mẹ vợ của dân tộc Cơ Tu làm khá long trọng. Tùy vào điều kiện kinh tế mà người con rể quyết định quy mô tổ chức hay mua sắm các lễ vật, vật phẩm để tạ ơn cha mẹ vợ.
Đoàn nhà gái tham dự ngày lễ báo hiếu của chàng rể Cơ Tu.
Ảnh: Đăng Nguyên |
Già làng Bríu Pố, người dân tộc Cơ Tu sống ở xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Người con trai đã lấy vợ khi đã có 1 đứa con rồi thì có lễ tạ ơn cha mẹ vợ mình đã sinh cho mình 1 cô gái ngoan hiền, giỏi giang mà mình đã lấy làm vợ. Tạ ơn bằng cách biếu con trâu bên nhà gái và tổ chức đánh trống, đánh chiêng suốt đêm. Bên nhà gái cũng chuẩn đồ ăn, thức uống cùng nhà trai liên hoan đánh chiêng trống 3 ngày liên tục. Trong lễ tạ ơn, người ta không quên cúng thần linh, mong thần linh phù hộ cho hai bên gia đình nhà gái, nhà trai gặp nhiều điều may mắn, dân làng có vụ mùa bội thu, có sức khỏe, không ai bị ốm đau."
Già làng Bríu Pố sống ở xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Ngọc Anh |
Thông thường, ngày đầu tiên là phần lễ trong gia đình có sự tham gia của những người thân. Ngày hôm sau, lễ mới mở rộng, mời bà con, họ hàng, làng xóm xa gần đến cùng chung vui. Và nếu có điều kiện thì tổ chức múa tung tung, da dá truyền thống của dân tộc Cơ Tu.
Trong lễ pa’đăh, nếu lễ vật là lợn, thành phần mời chỉ trong phạm vi người thân, tộc họ của nhà gái và diễn ra trong một ngày đêm. Riêng lễ có trâu hoặc bò thì cha mẹ cô dâu thường mời cả dân làng đến dự và cuộc vui kéo dài trong vài ngày liền.
Chị Bhling Thị Trơu, dân tộc Cơ Tu, tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Bên chồng tạ ơn cha mẹ vợ con trâu, bò, lợn, gà, vịt, chiêng, ché, hạt cườm, mã não… Hoặc vật gì quý bên chồng có thì họ đem tạ ơn cái đó. Họ tạ ơn vì lấy được vợ, bù đắp công sức cha mẹ vợ nuôi con gái, chăm sóc con gái. Mục đích tạ ơn cha mẹ vợ là xây dựng gia đình hạnh phúc."
Nét độc đáo trong lễ pă’đăh là ngoài bữa tiệc, còn có không gian mời thịt của nhà trai dành cho nhà gái, thể hiện tình cảm, sự tôn trọng của nhà trai dành cho nhà gái. Những miếng thịt ngon nhất được chú rể lựa chọn sẵn, cùng chén rượu đầy nhờ người thân đến mời từng thành viên gia đình cô dâu. Khi chén rượu được uống cạn, miếng thịt được ăn hết, người Cơ Tu tin rằng tình cảm đôi bên đã thực sự hòa hợp và gắn bó. Ông Abing Lâm, người dân tộc Cơ Tu sống ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Họ mời bạn bè gần xa, ai quen biết mời, mời cả làng đến lễ. 300 đến 400 người làm trâu, bò, lợn ăn mừng. Có đông người giúp gia đình làm cỗ. Người Cơ Tu tạ ơn cha mẹ vợ nhiều lễ vật, như: cồng, chiêng, bát, trâu, bò, gà, vịt, rượu, vàng, tiền..."
Vì quan niệm “sống có nhà, chết cũng có nhà” nên người Cơ Tu không kiêng kị việc cho và nhận quan tài, nhà mồ. Do đó, poi t'rang (quan tài) là một trong những lễ vật quý giá nhất trong lễ tạ ơn mà chàng rể luôn muốn thực hiện để tạ ơn cha mẹ vợ đã sinh ra người con gái để được cưới về làm vợ. Nhưng người Cơ Tu cũng không bắt buộc con rể phải tặng quan tài, nhà mồ cho nhà vợ vì hoàn cảnh kinh tế mỗi người mỗi khác.
Lễ tạ ơn cha mẹ vợ của dân tộc Cơ Tu là một phong tục lâu đời, thấm đẫm tính nhân văn. Phong tục này để cha mẹ vui sống tuổi già, hạnh phúc bên con cháu cũng như hãnh diện với bà con buôn làng. Đây cũng là dịp để hai gia đình nội ngoại có dịp gặp nhau, thắt chặt thêm tình cảm gắn bó giữa hai gia đình.