Khau cút là biểu tượng được đặt trên nóc nhà, phía đầu hồi cửa chính của ngôi nhà sàn người Thái đen ở Mường Lò (Yên Bái) nói riêng và người Thái đen Tây Bắc nói chung. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, sự tích Khau cút gắn liền với cuộc thiên di của người Thái ở thế kỷ XI. Theo đó, người Thái đen quy ước đi đến đâu, khi dựng nhà sinh sống đều làm biểu tượng Khau cút để làm dấu hiệu nhận ra nhau và luôn nhớ về cội nguồn dân tộc.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo ông Lò Tuyên Dung, người nghiên cứu và hiểu biết sâu sắc về văn hóa dân tộc Thái ở xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, biểu tượng Khau cút của người Thái đen có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, gắn với sự tích về cuộc thiên di của tổ tiên người Thái. Trong giờ phút chia tay bịn rịn đúng vào đêm trăng khuyết đã hẹn ước với nhau, khi đến vùng đất mới dựng nhà cửa phải có biểu tượng trăng khuyết trên mái, để dù đi bất cứ đâu vẫn nhận ra nhau, nhớ về nguồn cội, tổ tiên người Thái.
Biểu tượng Khau cút sơ khai nhất đơn giản chỉ là hai thanh tre vắt chéo vào nhau (gọi là Khau cút mải) có ý nghĩa giúp con người chắn được gió bão, thiên tai…
Biểu tượng Khau Cút trên mái nhà người Thái. - Ảnh Đinh Tuấn |
Từ biểu tượng sơ khai ban đầu, Khau cút đã được phát triển thành các biểu tượng Khau cút cầu kỳ hơn như: Khau cút hình sừng trâu (tức là Khau cút khàu quai) là biểu tượng của nền văn minh lúa nước; Khau cút hình Trăng khuyết (tức là Khau cút bườn bín)…
Hiếm gặp nhất là Khau cút vàng (tức Khau cút căm) thường làm bằng gỗ quý, có nhiều tầng hình chùm hoa; được chạm chổ cầu kỳ và đặc biệt là có thêm biểu tượng 2 thanh gươm tượng trưng cho chức tước, quyền lực.
Phổ biến nhất là Khau cút chùm hoa (tức Khau cút pụa). Trên hai thanh gỗ vắt chéo có các chùm hoa (hoa sen; lá rau rớn; lá rau bợ……). Đây là các loại thực vật gắn liền với cuộc sống sinh hoạt và văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, biểu tượng cho sự thuần khiết, tinh tế; sức sống mãnh liệt vươn lên dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.
Về biểu tượng Khau cút lá rau bợ, một trong những Khau cút thường thấy nhất, ông Lò Tuyên Dung, giải thích: "Khau cút rau bợ là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt. Cây rau bợ ở cạn cũng sống được, ở dưới nước thì nổi lên theo nước, tức là sức sống rất mãnh liệt, thích ứng được với mọi hoàn cảnh thời tiết, thế nên là người Thái đã chọn."
Nhìn vào Khau cút trên nóc nhà người Thái, có thể nhận biết được gia đình đó thuộc tầng lớp nào. Ví như tầng lớp dân thường dùng Khau cút mải, Khau cút bườn bín, Khau cút khàu quai. Tầng lớp trung lưu có Khau cút pụa, Khau cút bõ bua, họa tiết trang trí hoa văn càng nhiều và đẹp, chứng tỏ gia đình đó càng ấm no, sung túc. Khau Cút căm là các gia đình có thế lực, giàu có trong bản, làng ngoài...
Khau cút có nhiều hình dáng khác nhau nhưng đều là biểu tượng người Thái dễ nhận ra anh em họ hàng. |
Khau cút dù có khác nhau về hình dáng nhưng đều là biểu tượng để người Thái nhận ra anh em, họ hàng. Ông Lò Văn Biến, người được coi là “Nhà Thái học” ở phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, cho biết: "Nhìn vào nóc nhà thấy Khau cút là nhận ra người Thái đen của mình đây, cùng họ với mình đây, dù có họ Lường cũng là người Thái đen của mình, họ Hà cũng vậy... Thấy nhà ai có Khau cút thì nhà đó là người Thái đen của mình. Khau cút từ Nghĩa Lộ cho đến Điện Biên, Sơn La, Lai Châu... nói chung người Thái đen là giống nhau hết."
Khau cút của người Thái được làm từ những loại gỗ quý như: lim, sến, táu… rất bền, chắc, đẹp; có thời gian sử dụng lâu dài, không bị mối, mọt. Người làm Khau cút phải là những người am hiểu về nguồn gốc, văn hóa dân tộc mình, có năng khiếu về tạo hình và nghề mộc thì làm Khau cút mới chuẩn, đẹp và ý nghĩa.
Khau cút mang ý nghĩa tâm linh đặc biệt là vậy, nhưng hiện nay không phải ai cũng hiểu hết được ý nghĩa sâu sắc của nó, nên đến các bản làng giờ đây không nhiều ngôi nhà sàn có biểu tượng này. Khau cút hiện nay chủ yếu có ở nhà của những già làng, trưởng bản, người am hiểu văn hóa Thái. Việc tuyên truyền và bảo tồn Khau cút vì thế luôn là nỗi niềm trăn trở của những người tâm huyết nghiên cứu văn hóa Thái như nghệ nhân Lò Văn Biến và Lò Tuyên Dung:
" Những người già, những người biết thì nên làm Khau cút ở nhà của mình để cho mọi người thấy để người ta học tập.
-Hình tượng Khau cút là nét văn hóa rất là đặc sắc, mỗi người nên ý thức được vấn đề này, nên giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình cho đời sau."
Khau cút trong kiến trúc nhà sàn là một trong những nét văn hóa độc đáo của người Thái đen, mang theo những quan niệm sâu sắc của người Thái đen về cuộc sống, về nguồn cội của mình. Vấn đề bảo tồn Khau cút vì vậy đang được đặt ra cấp thiết ở Mường Lò, nơi được coi là đất tổ của người Thái đen ở Tây Bắc Việt Nam.