Đèo Sa Mù là một địa danh heo hút ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Với độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, quanh năm sương mù bao phủ, vùng đất này giờ đây đã khoác lên mình những sắc màu tươi mới của cỏ cây, hoa lá… Tất cả là nhờ Dự án ứng dụng công nghệ cao được những con người tâm huyết triển khai từ năm 2016.
Vườn lan công nghệ cao trên đỉnh Sa Mù
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
"Năm 2016 khi chúng tôi đến thì đây là một vùng hoang vu. Chúng tôi đã xác định rằng đây là một thách thức rất lớn. Do đó, Sở Khoa học công nghệ của tỉnh Quảng Trị - đặc biệt là Giám đốc Sở Trần Ngọc Lân đã dồn lực cho dự án này và dồn lực cho chúng tôi thực hiện dự án tại đây. Công tác khoa học luôn phải đi đầu, và chính vì đi đầu nên hệ số rủi ro rất cao. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo chặt chẽ của Sở KH-CN, chúng tôi đã nghiên cứu từng li từng tý, học tập rất nhiều. Với sự chuẩn bị kỹ càng, cộng với những may mắn, cơ bản những điều chúng tôi nghiên cứu đã thành công và đạt kết quả tốt, nghĩa là việc xác định hướng đi la đúng đắn".
Giám đốc Đào Ngọc Hoàng bên vườn lan khoe sắc
|
Đó là những chia sẻ của ông Đào Ngọc Hoàng, Giám đốc Trạm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ Bắc Hướng Hóa (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị). Với nguồn vốn ban đầu của dự án là từ Chương trình nông thôn miền núi của Bộ Khoa học và Công nghệ, cộng với vốn của Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Quảng Trị và vốn đối ứng của trung tâm, các cán bộ nghiên cứu đã đo đạc, khảo sát các thông số tại nhiều điểm khác nhau trên đèo Sa Mù về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng… Những số liệu thu được cho thấy khu vực đèo Sa Mù phù hợp nhiều loại cây ôn đới, thích hợp một số giống cây nhập từ nước ngoài, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Và vậy là mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được xây dựng.
Anh Phạm Trường Học trong khu vườn dâu
|
Anh Phạm Trường Học là người đã gắn bó với khu nghiên cứu thực nghiệm ở đỉnh đèo Sa Mù từ những ngày đầu. Tốt nghiệp khoa Nông học trường Trung cấp Quảng Trị, anh Học rất tự tin và hào hứng được áp dụng kiến thức đã học khi áp dụng những công nghệ mới nhất và tiếp nhận các quy trình công nghệ được chuyển giao, bởi theo anh: "Công nghệ cao rất hay, dù chi phí có cao hơn một chút nhưng khi áp dụng thì các quy trình sẽ nghiêm ngặt hơn, cũng như chất lượng sản phẩm đầu ra cao hơn, ổn định hơn. Bên cạnh đó, mình có thể điều khiển được quy trình sinh trưởng của cây trồng".
Dâu được trồng tại Trạm
|
Khu nhà xưởng phục vụ sản xuất của Trạm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ Bắc Hướng Hóa giờ đây gồm hệ thống nhà kính với đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Đặc biệt, những nguyên liệu sẵn có từ thiên nhiên như hệ thống nước tự chảy lấy từ trên núi, pin sử dụng năng lượng mặt trời… sẽ góp phần bảo vệ môi trường và hạ giá thành sản phẩm. Trên đỉnh đèo Sa Mù, sắc thắm của các loại hoa rực rỡ giữa núi rừng lộng gió của dãy Trường Sơn. Ban đầu là đồng tiền lùn, hồng môn, rồi đến hoa ly, hoa tulip, cà chua siêu ngọt, dâu tây, và năm vừa rồi Trạm đã trồng thành công hoa lan hồ điệp theo công nghệ Đài Loan, Trung Quốc, chất lượng hoa rất tốt.
Kỹ sư trẻ Lê Ngọc Trí chăm sóc địa lan
|
Anh Lê Ngọc Trí, cán bộ phụ trách kỹ thuật của Trạm chia sẻ: "Hoa lan được mệnh danh là giống hoa khó trồng, khó chăm sóc. Ở đây chúng tôi đã ứng dụng công nghệ 4.0, nghĩa là tất cả các công đoạn như điều tiết ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm đều là tự động hoàn toàn, dựa trên điện thoại và máy tính. Khi mới đến đây, tôi cũng thấy bỡ ngỡ, nhưng sau khi được hướng dẫn thì tôi đã hòa nhập vào công việc và cảm thấy muốn gắn bó hơn với công việc ở đây".
Bên cạnh các loại hoa, anh em cán bộ của Trạm đã nghiên cứu và đưa các loại dược liệu quý hiếm và một số loại dược liệu có tại bản địa vào sách đỏ để bảo tồn và phát triển như: lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa, cùng nhiều loại dược liệu khác để phục tráng, phục hồi lại và nhân rộng các nguồn dược liệu phù hợp với khí hậu vùng Bắc Hướng Hóa.
Cà chua siêu ngọt kết trái trên đỉnh Sa Mù
|
Giám đốc Trạm Đào Ngọc Hoàng cho biết, Trạm đã mời một số hộ dân từ thị trấn Khe Sanh lên thăm và tổ chức lớp tập huấn theo kiểu cầm tay chỉ việc, với mong muốn nhân rộng để giúp người dân cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời tạo điểm nhấn phục vụ phát triển du lịch.
"Chúng tôi là những người làm khoa học nên chúng tôi rất thận trọng trong việc khuyến cáo người dân làm theo. Kết quả bước đầu theo tôi là rất khả quan, nhưng đây là do những người làm khoa học thực hiện, còn những người khác không có chuyên môn thì cũng rất khó để nói trước. Chúng tôi đã phải toàn tâm toàn ý, làm từ sáng đến 1 giờ sáng về nhà là chuyện bình thường. Nghĩa là phải có sự đam mê, đồng sức đồng lòng thì mới làm được. Với việc áp dụng công nghệ, thì chỉ cần bỏ qua một thời điểm nào đó thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của cây trồng" - ông Hoàng nói.
Nông nghiệp công nghệ cao đã làm hoa nở trên vùng đất hoang. Những thành công bước đầu đã trở thành niềm tin, là hy vọng để những nhà khoa học quyết tâm xây dựng “tiểu Đà Lạt” trên đỉnh Sa Mù.