Việt Nam có 54 dân tộc cùng chung sống. Mỗi dân tộc lại có một nền văn hóa với các phong tục tập quán riêng biệt. Không chỉ đặc sắc về ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực, lối sống, sinh hoạt mà những phong tục độc đáo để chào đón Tết Nguyên Đán của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam mang nhiều ý nghĩa, góp phần làm phong phú thêm nét đẹp văn hóa dân tộc, được lưu truyền qua nhiều thế hệ mà vẫn giữ nguyên được bản sắc.
Khu vực miền núi phía Bắc là nơi sinh sống lâu đời của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Mường, Tày, Thái, Dao … Phong tục đón Tết của mỗi dân tộc có những nét độc đáo riêng trong bức tranh đa dạng về phong tục đón Tết của các dân tộc thiểu số.
Người La Hủ trong trang phục truyền thống, Ảnh VOV.VN |
Đồng bào La Hủ, một dân tộc đặc biệt khó khăn duy nhất chỉ sống ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, với dân số hơn 10 nghìn người. Tết cổ truyền của đồng bào La Hủ tập trung vào nửa cuối tháng 12 âm lịch, nhưng không ăn một ngày mà trong tháng chọn ngày đẹp để ăn tết ứng với tuổi của từng gia chủ.
Ông Phàn Phu Lô ở bản Tân Biên, cho biết: "Tết cổ truyền của dân tộc La Hủ theo truyền thuyết từ ngày xưa để lại là trong tháng người ta tổ chức cả tháng, tuần này là bản này, tuần sau là bản kia để người ta đến thăm hỏi nhau và chúc sức khỏe nhau. Tết cổ truyền thì mỗi lần đến thăm nhau thì có quà cho nhau.
Trước tết, người La Hủ cũng tổ chức gói bánh chưng. Bánh chưng được gói giống với bánh tét của người Kinh. Khi bánh chín, chủ nhà phát cho các cháu nhỏ cầm đi chơi tết. Theo quan niệm của đồng bào, trẻ em cầm bánh chưng đi chơi đầu năm thể hiện sự no đủ và sung túc.
Hay như Dân tộc Giáy có nhiều lễ tết nhất trong năm, nhưng Tết Nguyên Đán được người Giáy gọi là “Xiêng láo”, nghĩa là tết to, là tết quan trọng nhất của năm, là ngày gia đình sum họp, vui vầy bên mâm cơm đầm ấm và cũng là dịp được nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm lao động vất vả. Nét độc đáo là ngày tết, bà con người Giáy làm rất nhiều món ăn đặc trưng như: Bánh gù, bánh gai, xôi tím, khẩu nhục…
Một đôi trai gái trong làng lên nhận dùi trống, cúi lạy thần trống và đánh trống, dân làng nối theo nhau đi vòng quanh trống hoà nhịp trống mừng năm mới, với điệu múa cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, cả làng khoẻ mạnh…Báo Dân tộc. |
Bà Lục Thị Nhính ở xã Thôn Tả Phời 1, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai, cho biết: Bánh chưng của đồng bào Giáy có hai đầu thon, phần giữa bánh phình to, nên bánh còn có tên gọi là bánh gù. Bánh có phần gù càng cao, càng cân đối thì càng đẹp: "Ngày tết làm bánh gù, bánh chưng này là lễ vật không thể thiếu. Bánh gù này năm làm 2 lần, trước tết và cuối tháng riêng hết tết cũng làm. Tháng giêng thì buộc 3 cái bánh gù lại với nhay để cúng tổ tiên."
Những dân tộc ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng có phong tục riêng để đón Tết cổ truyền. Người Giẻ Triêng (sống chủ yếu ở Quảng Nam và Kon Tum), đón Tết cổ truyền với tên gọi là Cha Chả, nghĩa là ăn than. Gọi là ăn than bởi theo quan niệm của người Giẻ Triêng thì trong ngày Tết, ai dính nhiều tro đốt từ than nhất sẽ may mắn, thu hoạch mùa màng tươi tốt. Để có thể dính tro than, trước Tết 3 ngày, các chàng trai cao to sẽ được cử lên rừng đốt củi thành những đống than lớn và mang về làng. Ngoài ra, người làng cũng nấu xôi, vuốt lên cây giẻ khô rồi đốt lên thành tro. Hai loại tro này sẽ được hất tung lên cao và ai dính được nhiều tro nhất sẽ là người may mắn nhất.
Phụ nữ Hrê hát múa trong ngày Tết cổ truyền. |
Dân tộc Hrê cư trú tập trung ở các huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long của tỉnh Quảng Ngãi. Theo phong tục, Tết của đồng bào Hrê kéo dài vài tháng liền. Bởi vậy mỗi gia đình phải lo nấu thật nhiều bánh tét, ủ thật nhiều rượu và chuẩn bị vài con trâu để đãi sau khu cúng lễ xong sẽ buôn làng. Đối với họ, con trâu là cánh tay đắc lực, giúp kéo cày, bừa, giải quyết lúc gia đình khó khăn... Vì thế, lễ cúng trâu đặc biệt quan trọng.
Thời gian đón Tết truyền thống của các dân tộc cũng khác nhau. Đặc biệt là với đồng bào dân tộc Khơ Me. Tết Chol Chnam Thmay cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer không có thời gian nhất định, mỗi năm mỗi ngày giờ khác nhau. Thường được tổ chức 3 ngày 3 đêm có thể bắt đầu từ 13/4 hoặc 14/4. Những ngày này bà con tề tựu về chùa để làm lễ, dâng cơm cho sư, tụng kinh, cầu mong sang năm mới mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn.
Sư Kim Tuệ, chùa Khơ Me, Sóc Trăng cho biết: "Tết là để phật tử đến chùa để đắp núi cát. Việc đắp núi cát tượng trưng cho việc xây bảo tháp. Trước bảo tháp những phật tử cầu cho tích lũy được nhiều phúc báu, tạo phúc cho con cháu trong dịp năm cũ bước sang năm mới."
Ngày nay, khi xã hội càng phát triển, các hình thức và tục lễ tết tại đồng bào dân tộc, nhất là những hủ tục đã được đẩy lùi, thay vào đó là những hoạt động mang tính cộng đồng xã hội hiện đại hóa cùng sự phát triển của đất nước, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống riêng có của mỗi một dân tộc.
Một góc bản làng của đồng bào Giáy ở xã Tát Ngà. Ảnh Báo dân tộc. |
Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng, cho biết: "Tết bây giờ của người dân tộc vẫn duy trì được nét truyền thống nhưng cũng có nét biến đổi. Trước kia Tết của đồng bào dân tộc có những tục kiêng khem rất kỹ lưỡng. Trước kia ngày Tết người ta kiêng vào nhà cả ngày, nhưng bây giờ có những dân tộc chỉ kiêng vào nhà vào buổi sáng, giờ họ cởi mở hơn đón khách vào nhà từ buổi trưa. Rồi sáng mùng 1 mà phụ nữ vào nhà họ cũng rất kiêng.
Nhưng đến bây giờ hóa giải bằng cách là ông chủ nhà ra xông nhà sau đó bất cứ ai vào cũng được, tức là họ đã hóa giải những tục lệ để làm sao cho tết đầm ấm. Nhưng có cái chung, Tết là sum họp Tết là đầm ấm, tết là tình nghĩa xóm làng thì đồng bào dân tộc Việt Nam vẫn giữ được nét truyền thống đó".
Những năm gần đây, đời sống của đồng bào các Dân tộc thiểu số đã và đang được cải thiện, việc gắn kết cộng đồng, tìm hiểu cội nguồn, bản sắc văn hóa dân tộc đang trở thành nhu cầu không thể thiếu. Người dân ở cơ sở vẫn có nguyện vọng được ăn tết truyền thống của dân tộc mình. Lễ Tết ra đời và tồn tại cùng với lịch sử phát triển của các cộng đồng các dân tộc, góp phần tạo nên sự phong phú và đa dạng trong đời sống xã hội.