Độc đáo khèn bè Mường Lò của dân tộc Thái

Đinh Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) - Nhìn chiếc khèn bè tương đối đơn sơ, nhưng khi các nghệ nhân cất lên nhịp điệu thì vô cùng mê đắm lòng người.

Đối với người Thái ở Mường Lò, tỉnh Yên Bái, khèn bè là nhạc cụ kết nối tình yêu, là linh hồn trong dân ca, dân vũ và là biểu tượng văn hóa tinh thần đặc sắc. Tiếng khèn cũng chính là tiếng lòng, là tâm tư, tình cảm của đồng bào nơi đây.

Độc đáo khèn bè Mường Lò của dân tộc Thái  - ảnh 1

Thổi khèn bè trong đêm Hạn Khuống

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Truyền thuyết của dân tộc Thái kể: Xưa có chàng trai họ Lò nghèo, nhân hậu và có tài thổi sáo, thậm chí lấy lá cây đưa lên miệng thổi cũng ra một thứ âm thanh kỳ lạ làm xao xuyến lòng người. Vì tài đó, con gái một Tạo bản giàu có trong vùng đã yêu chàng tha thiết. Hay tin con gái mình đã bén hơi chàng trai họ Lò, gia đình cô gái giận lắm, nhốt con gái trong buồng, đợi ngày lành tháng tốt sẽ gả cho một người giàu có ở làng bên. Chàng trai biết tin buồn bã bỏ bản ra đi. Lang thang hết ngày này qua ngày khác, cuối cùng chàng gặp con suối và dừng lại thả tâm hồn theo dòng nước. Bên dòng suối vắng, chàng nảy ra ý định làm cây sáo thổi để giải buồn. Thấy có nhiều cây nứa tép bên bờ suối, chàng chọn lấy từng dóng nứa to, nhỏ khác nhau bó lại làm thành cây sáo bè. Lạ thay cây sáo bè có tiếng to, nhỏ, cao, thấp khác nhau theo các ngón tay bấm của chàng. Từ đó, cây khèn của chàng trai nghèo họ Lò được bạn bè bắt chước làm theo. Và kể từ đó chiếc khén bè gắn bó với những nỗi vui buồn của đồng bào dân tộc Thái.

Độc đáo khèn bè Mường Lò của dân tộc Thái  - ảnh 2

Công nhận kỷ lục Chiếc khèn bè lớn nhất Việt Nam

Khèn bè được cấu tạo với 14 ống nứa, nhưng phải là nứa tép bánh tẻ, nhỏ, mỏng, ít mấu và xếp từ thấp đến cao. Khèn được chia làm 2 bè, mỗi bè 7 ống. Bầu khèn làm bằng gỗ, một đầu khoét thủng để thổi, một đầu bịt kín bằng sáp ong đá. Một trong các kỹ thuật chế tác khó nhất là xử lý các lam đồng, từ độ dày, độ dài tới độ bóng bề mặt. Với 5 cung và 1 quãng 8, khèn bè có thể diễn tả được hầu hết các điệu dân ca, nhạc hiện đại và làm nền cho các điệu dân vũ. Bởi vậy, khèn bè luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống nghệ thuật của người Thái và cả trong các tiết mục sân khấu.

Chiếc khèn bè của người Thái như một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, là sự kết tinh những giá trị vật chất của tự nhiên và tình yêu quê hương, yêu dân tộc của người nghệ nhân. Nó là sản phẩm minh chứng cho sự phát triển trong lĩnh vực âm nhạc, là biểu tượng văn hóa tinh thần độc đáo, riêng biệt của đồng bào dân tộc Thái ở Mường Lò. Ông Lò Văn Chính ở phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Đối với dân tộc Thái ở Mường Lò Nghĩa Lộ thì phải có cây khèn này, đây là nhạc cụ không thể thiếu được trong đời sống văn hóa âm nhạc của người Thái.

Độc đáo khèn bè Mường Lò của dân tộc Thái  - ảnh 3

Chiếc khèn được công nhận kỷ lục không phải mô hình mà là chiếc khèn thật được các nghệ nhân trực tiếp thổi làm nền cho các điệu xòe

Nhìn chiếc khèn bè tương đối đơn sơ, nhưng khi các nghệ nhân cất lên nhịp điệu thì vô cùng mê đắm lòng người, lúc da diết, sâu lắng như tình yêu cháy bỏng mà người con trai gửi tới người con gái, lúc lại ngân nga trong sáng như tiếng suối reo, tiếng gió hát... Điều đặc biệt là ở khèn bè Thái có những âm thanh sóng đôi mà các nghệ nhân gọi là "pò mè" - tức là bố mẹ. Đó cũng là triết lý âm - dương, sự sinh sôi phát triển của cuộc sống được thể hiện vô cùng tinh tế.

Nghệ nhân Lò Văn Biến, bản Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ: "Tiếng khèn Bè dùng vào trong múa, xòe, vào tất cả các dịp vui như lên nhà mới, đám cưới, tất cả những niềm vui thì đều dùng khèn bè. Đây cũng là nhạc cụ chủ thể cho tất cả các điệu xòe của dân tộc Thái. Từ người già đến thanh niên ai cũng thích tiếng khèn".

Để tôn vinh cây khèn bè, vừa qua thị xã Nghĩa Lộ đã dựng cây khèn bè cao 2m, chiều ngang 5m để trưng bày, giới thiệu tại Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò năm 2017. Điều đặc biệt là chiếc khèn không phải là mô hình tượng trưng, mà là một chiếc khèn có công năng thật sự, được 5 nghệ nhân trình diễn cùng lúc; hòa âm, nâng bước nhịp xòe của hàng nghìn nghệ nhân.

Bà Hoàng Thị Hồng Hạnh, phó chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Năm nay chúng tôi tập trung giới thiệu về cây khèn bè của người Thái Mường Lò, một nhạc cụ rất quan trọng trong đời sống ân nhạc của người Thái. Lâu nay thì cũng chưa được giới thiệu, phát huy đúng mức, đúng tầm của nó. Đây là điểm mà Nghĩa Lộ hết sức chú trọng"….

Với việc chiếc khèn bè của thị xã Nghĩa Lộ vừa được công nhận Kỷ lục Guinnes Việt Nam đã tiếp thêm niềm tin, sự tự hào để đồng bào Thái Mường Lò tiếp tục giữ gìn, phát huy những nét văn hóa đặc sắc, riêng có của mình, trong đó có những nhạc cụ truyền thống vô cùng độc đáo.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu