Những người lưu giữ, bảo tồn các nhạc cụ dân tộc thiểu số

Hồng Bắc
Chia sẻ
(VOV5) - Nhiều nghệ nhân vẫn kiên trì theo đuổi, cố gắng truyền dạy âm nhạc cổ truyền và cách chế tác nhạc cụ dân tộc cho lớp trẻ.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Hiện nay, các nhạc cụ dân tộc thiểu số ở Việt Nam đang ngày càng bị mai một, lãng quên, trong khi những người biết chế tác và sử dụng các nhạc cụ này thì còn lại rất ít, phần lớn đều đã cao tuổi. Với lòng đam mê, muốn lưu giữ nét văn hóa của dân tộc mình, nhiều nghệ nhân vẫn kiên trì theo đuổi, cố gắng truyền dạy âm nhạc cổ truyền và cách chế tác nhạc cụ dân tộc cho lớp trẻ.

Những người lưu giữ, bảo tồn các nhạc cụ dân tộc thiểu số - ảnh 1 Nghệ nhân Lương Xuân Nghiệp chế tác nhạc cụ dân tộc Thái. ( Hồng Bắc/VOV)

Nghệ nhân Ama H’Loan ở buôn Ako Dhong, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, tự tay chế tác và chơi thuần thục các loại nhạc cụ của dân tộc Ê Đê. Ông nhận thấy nhiều lễ hội, phong tục tập quán của dân tộc mình dần dà bị quên lãng, nhiều loại nhạc cụ như chiêng, kèn, sáo nay chỉ còn lại trong kí ức. Lo sợ văn hóa dân tộc bị mai một, ngoài việc khôi phục lại những nhạc cụ mình đã biết làm từ hồi còn trẻ, nghệ nhân Ama H’Loan còn lặn lội đi khắp nơi tìm gặp những người cao tuổi biết về các loại nhạc cụ để tìm hiểu, ghi chép và làm những nhạc cụ khác.

Từ những vật liệu như tre, nứa, sừng trâu, quả bầu khô, sáp ong, những vật tưởng chừng như vô tri, vô giác dưới bàn tay khéo léo, sự đam mê, cần mẫn của ông, những nhạc cụ dân tộc Ê Đê như đinh năm, đinh puốt, Tak-ta… được khôi phục, được biểu diễn trong những lễ hội của buôn làng và cả ở các chương trình nghệ thuật lớn trong cả nước.

Những người lưu giữ, bảo tồn các nhạc cụ dân tộc thiểu số - ảnh 2Nghệ nhân Ama H'Loan biểu diễn nhạc cụ dân tộc. ( Hồng Bắc/VOV) 

Nghệ nhân Ama H’Loan cho biết: “Đi nhiều nơi và tôi để ý là ở những nơi đó những nhạc cụ của dân tộc như kèn đinh puốt, đinh năm… hầu như là không còn thấy, tức là đã quá mai một. Cho nên đến năm 1999 khi tôi được nghỉ hưu, một vài tháng ở nhà tôi trăn trở, thứ nhất là do mình cũng đam mê các nhạc cụ này và nên làm khôi phục lại. Khi tôi mày mò làm lại và khi thổi từng loại nhạc cụ sẵn có tôi đã làm ở nhà lên, bà con nghe thích quá, nhất là những người già 80, 90 tuổi mới nói với tôi là ông đã đánh thức lại cái thời của ông bà mình ngày xưa.”

Chung một niềm đam mê với văn hóa dân tộc như nghệ nhân Ama H’Loan, nghệ nhân Lương Xuân Nghiệp, ở bản Cẳng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, sau nhiều năm trăn trở đã thành lập Câu lạc bộ nghệ thuật dân ca dân tộc Thái, thu hút tới 40 thành viên tham gia. Ông Lương Xuân Nghiệp dành nhiều thời gian cho việc tìm kiếm, sưu tầm, làm và lưu giữ cẩn thận những nhạc cụ như: Khèn bè, pí (sáo), x lò (nhị), đàn tính…

Thông qua các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ, ông truyền niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ: “Lớp trẻ bây giờ rất thích các loại nhạc hiện đại và họ lãng quên những gì thuộc về dân gian của mình. Vì vậy, thành lập câu lạc bộ ra để tập hợp, tập luyện, truyền dạy. Bây giờ cũng thấy được tác dụng tương đối đáng kể, những loại nhạc cụ này được bảo tồn, phát huy, lớp trẻ nhiều em cũng đã tập và biết sơ sơ, làm theo người lớn. Có gần 20 trẻ em tham gia, nhà tôi thì cháu nội, cháu ngoại đều theo học.”

Câu lạc bộ nghệ thuật dân ca dân tộc Thái làng Cẳng của ông Lương Xuân Nghiệp cùng với các Câu lạc bộ của xã Môn Sơn thường xuyên tham gia giao lưu các chương trình văn hóa văn nghệ trong và ngoài tỉnh, góp phần đưa các làn điệu dân ca, tiếng nhạc dân tộc Thái đến gần hơn với đồng bào cả nước.

Dù đã nỗ lực để khôi phục, lưu giữ các giá trị văn hóa dân tộc không bị mất đi, nghệ nhân Ama H’Loan và Lương Xuân Nghiệp vẫn trăn trở làm sao để việc bảo tồn, truyền dạy và phát huy giá trị các loại nhạc cụ không bị đứt đoạn. Đặc biệt là tìm được thế hệ kế cận có đủ tâm huyết để nối tiếp các nghệ nhân đi trước.

Nghệ nhân Ama H’Loan chia sẻ: “Bây giờ mai một hết rồi, còn vài ba người họ biết một số các nhạc cụ thôi. Tôi đang lo bây giờ mình đã 79 tuổi rồi, những người còn lại như mình không còn bao nhiêu nữa, cho nên tôi rất băn khoăn chuyện này cũng không dễ gì có thể tìm được những người có thể làm và sử dụng thành thạo những loại nhạc cụ này. Tôi cũng đã đề xuất với các ngành chức năng, Nhà nước nghiên cứu về vấn đề này.”

Động viên, khuyến khích các nghệ nhân dân gian, đặc biệt là các nghệ nhân dân tộc thiểu số lưu giữ các nhạc cụ dân tộc, các giá trị văn hóa của dân tộc mình là việc làm cần thiết. Cùng với sự đam mê, nhiệt huyết của chính các nghệ nhân như Ama H’Loan và Lương Xuân Nghiệp thì ngành văn hóa cũng đã có những chính sách cụ thể, hiệu quả để việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc ngày càng lan tỏa.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu