Bảo tồn và phát triển văn hóa Thái ở lòng chảo Mường Tấc, Sơn La

Hoàng Thái
Chia sẻ
(VOV5) - Các cụ ông, cụ bà ở Quang Huy đang là những người truyền lửa, giúp khơi gợi tình yêu bản làng, yêu văn hóa dân gian dân tộc cho các con, các cháu.

Mường Tấc là tên gọi khác để chỉ trung tâm huyện lỵ Phù Yên của tỉnh Sơn La. Văn hóa Mường Tấc được hình thành từ sự giao thoa hai tộc người Thái và Mường. Nổi bật nhất trong văn hóa Mường Tấc là những làn điệu dân ca, điệu múa dân tộc Thái, những chủ nhân thực sự và lâu đời nhất ở xứ Mường Tấc, xã Quang Huy là trung tâm của vùng văn hóa đó. Đối mặt với sự phát triển kinh tế, xã hội, đồng bào Thái ở Mường Tấc đang nỗ lực gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ở thung lũng Phù Hoa (tên gọi khác của thung lũng Mường Tấc, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La), nơi quây quần các bản làng người Thái quanh cánh đồng Mường Tấc huyền thoại, đêm đêm vẫn rộn ràng tiếng nhạc tập múa của các câu lạc bộ văn nghệ Người cao tuổi. Không cầu kỳ son phấn, không còn những yểu điệu thướt tha của tuổi trẻ nhưng tinh thần hăng say thì luôn có thừa nơi những thành viên cao tuổi ở CLB văn nghệ Người Cao tuổi xã Quang Huy, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, những người đã ở cái tuổi nên ông, nên bà.
Bảo tồn và phát triển văn hóa Thái ở lòng chảo Mường Tấc, Sơn La - ảnh 1Câu lạc bộ xòe Thái của hội người cao tuổi ở thung lũng Mường Tấc. Ảnh Hoàng Thái

Ông Bạc Cầm Tồn, phụ trách đội văn nghệ Người cao tuổi, thuộc Câu lạc bộ Người cao tuổi xã Quang Huy, cho biết: "Đội văn nghệ của xã Quang Huy được thành lập từ năm 2014 với hơn 60 anh chị em tham gia. Đội văn nghệ của Quang Huy giúp cho phong trào văn nghệ của các cơ sở cũng đều học tập. Bây giờ một số cơ sở đều học tập đội văn nghệ Quang Huy. Mục đích là phục vụ sống vui, sống khỏe, sống có ích và duy trì cái truyền thống của Quang Huy cho mai sau."

Không những thể hiện tình yêu cháy bỏng với văn hóa dân tộc, các ông, các bà còn truyền dạy cho lớp trẻ những điệu múa, tiếng khắp, lời đang của cha ông, đó không chỉ là lời hát mà còn là lời dăn dạy con cháu biết sống theo lẽ phải, biết hăng say lao động để xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Ông Hoàng Xuân Hòa, Chủ tịch Hội Người Cao tuổi xã Quang Huy, cho biết: "Về văn hóa văn nghệ, các ông các bà rất phấn khởi được tham gia. Về múa, đa số các ông các bà múa các điệu cổ cũng như là cái trang phục của dân tộc, không có sự lai hóa về cái trang phục như là mặc áo cóm này, mặc váy này và hát tiếng Thái, Câu lạc bộ khắp Thái chúng tôi thường xuyên giao lưu học hỏi với nhau, để các ông các bà vui khỏe, giữ bản sắc của dân tộc mình, cho con cháu không được bỏ phong tục tập quán."

Hoạt động sôi nổi của Câu lạc bộ Người cao tuổi cũng là động lực để thanh niên dân bản tích cực góp sức vào các phong trào chung của xã.

Anh Nguyễn Linh Hoàng, dân tộc Thái, Bí thư Đoàn xã Quang Huy, cho biết: "Mỗi lần các ông các bà tổ chức em cũng hay được tham dự cảm thấy rất vui. Ví dụ như hát, múa Thái, chơi các trò chơi dân gian nữa. Rất hay. Cho các con cháu biết được cái văn hóa truyền thống dân tộc. Ngoài những hoạt động văn hóa văn nghệ, vai trò của các ông các bà đối với đoàn viên thanh niên là rất cao vì là trong gia đình hay là ngoài xã hội các ông các bà luôn là những cây cao bóng cả để tuyên truyền thực hiện chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Dạy cho con cháu về những cái truyền thống văn hóa của dân tộc mình; biết kính trên, nhường dưới."

Nhằm khuyến khích phong trào Người cao tuổi, UBND xã Quang Huy đã vận động nhân dân đóng góp kinh phí duy trì hoạt động các câu lạc bộ. Bên cạnh đó, xã tạo điều kiện cho câu lạc bộ sử dụng Nhà văn hóa xã làm địa điểm luyện tập, nghỉ ngơi.

Ông Cầm Văn An, Chủ tịch UBND xã Quang Huy, cho biết: "Đối với người cao tuổi của xã để đảm bảo và duy trì, không mai một đi bản sắc văn hóa văn nghệ của xã Quang Huy, người cao tuổi xã Quang Huy đã thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ. Các cụ sống vui sống khoẻ và thường xuyên giáo dục con cháu kết nối văn hóa ngày xưa và ngày nay. Đối với Đảng và Chính quyền xã luôn luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho các cụ hoạt động."

Các cụ ông, cụ bà ở Quang Huy đang là những người truyền lửa, giúp khơi gợi tình yêu bản làng, yêu văn hóa dân gian dân tộc cho các con, các cháu. Những bước chân nhịp nhàng theo điệu nhạc, những lời ca tiếng hát từ các ông, các bà sẽ là nguồn cảm hứng bất tận để nhắc nhớ thế hệ trẻ tự hào về một nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu