Cuối tháng 4 đầu tháng 5 âm lịch, bà con người Tày, Nùng, ở Cao Bằng lại náo nức tổ chức “Lễ cầu Mùa” mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người trong bản có cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Đây là phong tục mang đậm nét văn hóa truyền thống, kết hợp hài hòa giữa đời sống tâm linh và tinh thần đoàn kết dân tộc.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Tại xóm Tri Phương, xã Ngọc Động, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, bà Ma Thị Hảo, trưởng xóm, tất bật cùng người dân trong xóm chuẩn bị cho "Lễ cầu Mùa". Theo phong tục, cứ đến ngày “Lễ cầu Mùa”, bà con dân bản lại chuẩn bị các lễ vật để dâng cúng các vị thần linh và thổ công thành hoàng những sản phẩm đặc trưng, những món ăn đậm đà hương vị quê hương.
Bà Hảo cho biết để tổ chức buổi lễ, bà con trong xóm sẽ họp bàn, phân công công việc cụ thể, như: chọn ngày làm lễ, chuẩn bị lễ vật, tiến hành lễ cầu mùa. Thông thường, lễ cầu mùa được bà con nơi đây tổ chức vào ngày “Dậu” của cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 âm lịch, với ý nghĩa tượng trưng cho sự chăm chỉ và luôn no đủ:
Lễ cầu mùa không chỉ là buổi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng mà còn là dịp để bà con cùng ngồi với nhau trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tăng thêm tình đoàn kết cộng đồng. Ảnh: VOV |
Từ lâu, xóm Tri Phương đã có truyền thống tổ chức Lễ cầu Mùa để cầu cho bà con làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu. Bà con mỗi hộ trong xóm đóng góp đi mua đồ lễ, thức ăn. Ngày lễ, mỗi hộ gia đình cử 1 người, cả xóm thì có bốn mươi hộ đóng góp đầy đủ hết.
Vào ngày tổ chức nghi thức cầu mùa, nghi lễ được thực hiện vào buổi chiều tại miếu thổ công của xóm. Lễ cúng thổ công do Trưởng bản thực hiện, mâm lễ gồm có: thủ lợn, thịt, xôi và rượu. Sau khi dâng hương và đặt lễ vật lên ban thờ, chủ tế sẽ làm lễ xin thần linh phù hộ mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, thóc lúa trĩu hạt, nặng bông...
Việc thực hiện “Lễ cầu Mùa” phải thật trang trọng, đúng phong tục được truyền lại từ bao đời nay. Đặc biệt, nghi lễ được thực hiện để Thành Hoàng tiếp nhận thông qua 3 lần xin âm dương của chủ lễ. Lần 1 mời Thành Hoàng về hưởng lễ vật do con cháu dâng lên; Lần 2 Thành Hoàng đồng ý phù hộ cho dân làng được 1 năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi; Lần 3 thể hiện sau khi Thành Hoàng chấp thuận và đã về trời.
Trưởng bản làm lễ cúng tại miếu thổ công của xóm, xin thần linh phù hộ mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, thóc lúa trĩu hạt, nặng bông. Ảnh: VOV. VN |
Chị Phan Thị Ánh, xóm Tri Phương, xã Ngọc Động, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, cho biết: "Chúng tôi ở đây mỗi năm chỉ cấy một vụ lúa thôi, còn vụ sau lại trồng ngô nên cả năm no đủ hay không đều phụ thuộc vào mùa vụ này. Vì vậy, năm nào cũng phải làm Lễ cầu Mùa, trưởng xóm phải cúng khấn đầy đủ mới được. Cúng thổ công xong, mọi người trong làng sẽ ngồi nói chuyện với nhau, cùng nhau ăn uống vui vẻ, hỏi han nhau làm ăn thế nào, vụ này trồng giống lúa gì cho năng suất, bàn kế hoạch đi cấy."
“Lễ cầu Mùa” là nghi thức truyền thống không thể thiếu trong đời sống sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng. Đây không chỉ là buổi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng mà còn là dịp để người dân cùng ăn uống, trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, thể hiện sự đoàn kết, nhất trí, gắn kết cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm của người dân trong bản làng.
Nét truyền thống mà người dân xóm Tri Phương vẫn giữ được cho đến ngày nay chính là khi đến dự liên hoan, ai cũng tự mang theo bát, đũa và cùng nhau dọn dẹp khi buổi lễ kết thúc. Anh Nông Tiến Dược ở xã Ngọc Động, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, chia sẻ: Bà con trong xóm ai cũng háo hức chờ đến ngày này vì đây là dịp để gặp gỡ, học hỏi nhau làm thế nào để sản xuất vụ mùa hiệu quả, thu được nhiều thóc, đặc biệt là cùng nhau gìn giữ văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình nữa.
Sau các nghi thức cúng lễ thành kính, kỳ lân vào múa hội trong tiếng nhạc rộn ràng cùng những câu lượn, câu si, câu then hòa ngây ngất, mời gọi khắp nẻo đường. Những màn múa vui hoặc trình diễn các bài võ cổ truyền dân tộc, tôn lên tinh thần thượng võ.
“Lễ cầu Mùa” ở Cao Bằng trở thành tín ngưỡng dân gian, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và con người, thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên của đồng bào Tày, Nùng. Lễ cầu Mùa là nét đẹp văn hóa làm tăng tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, đồng thời góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ nhớ về truyền thống tốt đẹp của ông cha để lại.