Trí thức trẻ hiến kế và thực hiện dự án vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Các trí thức trẻ cho rằng để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đòi hỏi Việt Nam thực hiện các nhóm giải pháp: chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ, phát triển các nguồn năng lượng sạch.

Kinh tế xanh chính là chiến lược kinh tế để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Bền vững về tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được coi là tâm điểm của kinh tế xanh. Các hoạt động trong nền kinh tế xanh hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng xã hội đồng thời thân thiện với môi trường. Những trí thức trẻ Việt Nam ở trong và ngoài nước đang miệt mài nghiên cứu, hiến kế và thực hiện các dự án vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Trí thức trẻ hiến kế và thực hiện dự án vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước - ảnh 1Bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, chụp ảnh kỷ niệm với các thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài có nhiều đóng góp trong nghiên cứu khoa học.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

 

Đào tạo nhân lực để nắm bắt công nghệ mới nhất

Nhận thấy một thực tế, Việt Nam là một trong 10 quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, Khưu Thùy Dương đã nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Vương quốc Anh về đề tài xây dựng cộng đồng xanh, bảo vệ môi trường biển. Cô muốn xây dựng cộng đồng xanh ở khắp các vùng ven biển của Việt Nam, bắt đầu từ việc đánh bắt bền vững, không dùng lưới hủy hoại san hô, thuốc nổ hay hóa chất xyanua; có thể đánh bắt cá theo mùa và theo khu vực; cùng đó là mô hình sinh kế thay thế nghề đánh bắt cá cho người dân ven biển như: hình thức homestay; dẫn khánh đi du lịch bằng thuyền thúng xem san hô…

Theo anh Nguyễn Duy Tâm, nghiên cứu sinh Đại học Nanyang, Singapore, bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu có hai xu hướng chính, gồm: Tiết kiệm năng lượng và tìm năng lượng mới, trong đó có năng lượng tái tạo. Đưa ra các giải pháp để khai thác và sử dụng có hiệu quả năng lượng tái tạo, TS. Nguyễn Duy Tâm cho biết cần phải kết hợp các nguồn năng lượng với nhau, kết hợp công nghệ, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: “Năng lượng vận hành một nhà máy đòi hỏi đội ngũ kỹ sư, đội ngũ nhân lực chất lượng rất cao. Chúng ta muốn trao đổi thực sự chúng ta phải rất nghiêm túc về chuyện đào tạo nhân lực. Chúng ta phải nắm bắt được những công nghệ mới nhất”.

Trí thức trẻ hiến kế và thực hiện dự án vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước - ảnh 2TS. Nguyễn Thu Hương cùng chồng và con trai chụp ảnh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thành phố Hà Nội.

Giành giải Nhất cho nhà phát minh trẻ với nghiên cứu “Hệ thống tự động và phân loại các khuyết tật đường giao thông” tại Festival khoa học toàn Nga, TS. Nguyễn Thu Hương, Đại học Kỹ thuật nghiên cứu quốc gia Irkutsk, cho biết trí tuệ nhân tạo đang tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Việt Nam cần phát triển trí tuệ nhân tạo để khẳng định chỗ đứng trong bản đồ công nghệ thế giới: “Đề tài của tôi trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo là xây dựng một mô hình hóa, toán học áp dụng để dự đoán về khuyết tật mặt đường giao thông. Thứ nhất, hệ thống đó tính toán xem mặt đường giao thông này cần phải xử lý như thế nào để tránh tai nạn giao thông. Thứ hai là xây dựng hệ thống hỗ trợ, ra quyết định xem đoạn đường này có nên đi hay không, hay chọn một con đường khác an toàn hơn để đi. Điều này giải quyết vấn đề an toàn cho người tham gia giao thông và cho các nhà quản lý về giao thông tiết kiệm thời gian, kinh phí quản lý hệ thống giao thông Việt Nam ngày càng an toàn hơn và phục vụ cho người dân tốt hơn”.

Chuyển giao công nghệ - Đòn bẩy để phát triển kinh tế

Đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ môi trường, đầu tư phát triển một số ngành kinh tế xanh mũi nhọn như: nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp tái chế, năng lượng sinh học... cũng là những hướng đi tốt và phù hợp. Đồng Quin, học thạc sĩ ngành công nghệ lọc hóa dầu khí và nhiên liệu tại Nga, đã thực hiện nhiều đề tài liên quan đến việc đảm bảo an ninh năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam: “Tình hình thiếu điện ở Việt Nam là rất trầm trọng. Với việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do như: TPP và các cơ chế thoáng mở trong khối doanh nghiệp tư nhân, sự cổ phần hóa cơ bản đạt được bước tiến của doanh nghiệp Nhà nước. Khi đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam phát triển. Cùng với sự phát triển kinh tế vượt bậc như vậy, nhu cầu năng lượng nói chung và điện nói riêng rất quan trọng. Cho nên việc đưa ra những chính sách, chiến lược để phát triển ngành điện dầu khí rất là quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế bền vững”.

Các trí thức trẻ cho rằng để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện tổng hòa các nhóm giải pháp như tuyên truyền, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy đổi mới công nghệ, phát triển các nguồn năng lượng sạch…

Chị Nguyễn Thị Thu Vân, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nhận xét những trí thức trẻ người Việt ở nước ngoài vận dụng tốt kỹ năng và kiến thức được đào tạo ở nước ngoài, chuyển về cống hiến cho quê hương. Thời gian qua, phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” do Trung ương Đoàn phát động đã khơi gợi để thanh niên ngoài nước thực hiện các mục đích sống cao đẹp, từ đó góp sức mình, đóng góp nhiều hơn cho đất nước: “Khi công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, sự quan tâm của các bạn trẻ ở nước ngoài về những vấn đề chung của đất nước rất lớn và có nhiều sáng kiến hay tham gia vào sự phát triển kinh tế và được chia sẻ. Từ những sáng kiến đó đã được nhân rộng trong thanh niên toàn quốc có thể ứng dụng”.

Trí thức trẻ hiến kế và thực hiện dự án vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước - ảnh 3Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong cho biết thanh niên Việt Nam có khát vọng được cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc vì sự phát triển của đất nước.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong nhận định: “Một khi cộng đồng trí thức trẻ Việt Nam trên toàn cầu hợp tác, chia sẻ, cùng góp trí tuệ và cùng chung vai hành động, mục tiêu đó sẽ sớm thành hiện thực”. Có kiến thức chuyên môn cũng như năng lực tư duy sáng tạo, khả năng hội nhập cao, những trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài đã và đang nỗ lực cống hiến để đưa ra các sáng kiến, giải pháp, đóng góp cho Đảng, Nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế xanh, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu