Khát vọng của trí thức trẻ Việt Nam về thúc đẩy kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Các nhà khoa học trẻ Việt Nam đang trao đổi tri thức khoa học về phát triển bền vững, cùng với trong nước thực hiện chiến lược phát triển nhanh và bền vững phù hợp với điều kiện của đất nước.

Phát triển kinh tế xanh được coi là xu hướng lựa chọn cho một tương lai thân thiện với môi trường. Việt Nam bắt đầu làm quen với xu hướng phát triển kinh tế xanh của thế giới từ năm 2000. Những người Việt trẻ nghĩ gì về phát triển kinh tế xanh và thể hiện mối quan tâm và trách nhiệm của mình hướng về quê nhà như thế nào?

Khát vọng của trí thức trẻ Việt Nam về thúc đẩy kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững - ảnh 1

Nhiều tài năng trẻ Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở các quốc gia trên thế giới, đau đáu với mục tiêu tìm giải pháp cụ thể, hiện đại về các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững ở nước ta.

 Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 
Phát triển kinh tế xanh để bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững 
Theo định nghĩa của Chương trình kinh tế xanh của Liên Hiệp Quốc, “kinh tế xanh” hay “kinh tế sạch” là nền kinh tế mà chính sách phát triển có định hướng thị trường sử dụng nền tảng là các nền kinh tế truyền thống với mục tiêu là sự hòa hợp giữa kinh tế và môi trường sinh thái. Chiến lược tăng trưởng cơ bản của nền “kinh tế xanh” là bảo vệ môi trường, phát triển công nghệ sản xuất sạch và năng lượng sạch, nhanh chóng đạt được mức tăng trưởng bền vững hay nói cách khác là tăng trưởng xanh.

Nhiệt độ trái đất nóng lên kéo theo nước biển dâng, bão lũ, động đất và sóng thần... Việt Nam sẽ là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu nước biển dâng. Thời gian qua, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường.

Các nghiên cứu sinh trẻ tuổi Việt Nam có môi trường học tập thuận lợi ở nước ngoài sớm nắm bắt được vấn đề và nhận thức được xu hướng phát triển công nghiệp xanh thân thiện với môi trường. Theo Nguyễn Hữu Thông, nghiên cứu sinh trường Đại học Mahidol, Thái Lan, để thúc đẩy nền kinh tế xanh cần ba nhân tố căn bản đảm bảo tiến trình phát triển bền vững: “Mình chỉ muốn nhắc đến ba yếu tố liên quan đến bền vững đó là liên quan đến môi trường, kinh tế và con người. Lúc nào ba yếu tố này phải liên quan với nhau thì mới được gọi là bền vững. Nếu như chỉ liên quan đến môi trường không, chắc chắn đó không phải là bền vững. Mình sẽ thay đổi chính bản thân mình từ thái độ và hành vi của mình để thực hành bền vững”.

Lan Nhi, sinh viên Khoa Truyền thông của trường Đại học khoa học ứng dụng Hà Lan, cho biết xu hướng phát triển bền vững đang rất phổ biến trên thế giới. Học hỏi kinh nghiệm từ quá trình chuyển đổi và xây dựng kinh tế xanh thành công của các nước tiên phong như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc…, Việt Nam sẽ chuyển đổi mô hình kinh tế xanh hiệu quả: “Tôi thấy ở Hà Lan có những chính sách về bảo vệ môi trường và một số chính sách phát triển về nguồn nhân lực rất hợp lý, được triển khai rất tốt. Tôi nghĩ Việt Nam nên học hỏi những chính sách đấy để giúp đất nước được phát triển được tốt hơn”.

Ứng dụng khoa học công nghệ là động lực phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam

Nắm bắt xu hướng và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới, những trí thức trẻ Việt Nam ở cả trong nước và nước ngoài đã tập hợp nhau lại thông qua các diễn đàn để tạo mạng lưới rộng khắp, hỗ trợ thông tin, chia sẻ các đề tài nghiên cứu khoa học có tính thực tiễn cao.

Khát vọng của trí thức trẻ Việt Nam về thúc đẩy kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững - ảnh 2Thanh niên Việt Nam từ khắp năm châu về Hà Nội dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II với chủ đề "Trí thức trẻ Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước”. 

Tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II tổ chức tại Hà Nội, nhiều bạn trẻ thảo luận sôi nổi xoay quanh chủ đề “Bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu”. Anh Nguyễn Thái Dương học tại Trường Đại học phòng vệ Nhật Bản, đặt ra câu hỏi: “Biến đổi khí hậu sẽ có những ảnh hưởng gì tới đời sống của con người? Và những người trẻ ở mọi nơi trên thế giới sẽ mang những giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ gì về Việt Nam nhằm tăng khả năng ứng phó của Việt Nam đối với biến đổi khí hậu?”. Với bản thân mình, anh Thái Dương tập trung nghiên cứu đề tài "Thiết bị bay thương mại tốc độ siêu thanh thân thiện với môi trường" với mục tiêu phát triển các sản phẩm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường: “Tôi nghiên cứu chế tạo thiết bị bay với tốc độ siêu âm không ảnh hưởng đến môi trường. Vì đó là chế tạo cấu tạo của cánh máy bay, hai cánh đối nghịch nhau làm giảm sóng nhiễu gây ra khi bay với tốc độ siêu âm. Nên nó sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người”.

Khát vọng của trí thức trẻ Việt Nam về thúc đẩy kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững - ảnh 3Ban Tổ chức tặng hoa cho những thanh niên có bài thuyết trình xuất sắc của các tổ thảo luận tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu. 

Anh Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cho biết nhiều bài nghiên cứu về chủ đề kinh tế xanh và phát triển bền vững có chất lượng và có tính thực tiễn của các du học sinh Việt Nam đã được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành của thế giới và được trình bày tại các diễn đàn trí thức trẻ trong nước, các cuộc thi sinh viên sáng tạo do Trung ương Đoàn tổ chức: “Tổ chức Đoàn, tổ chức hội đang phát huy vai trò kết nối để hỗ trợ đề tài của các du học sinh gắn với trong nước. Chúng tôi ý thức rất rõ đây là nhiệm vụ của mình. Nếu có những đề tài dự án của các bạn có hiệu quả, gắn với điều kiện trong nước thì trong năm nay và những năm tiếp theo, Trung ương đoàn và Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam rất sẵn sàng tiếp nhận và kết hợp cùng với các bạn để hiện thực hóa. Chúng tôi rất mong là sinh viên Việt Nam sẽ là điểm sáng từ những kiến thức mình đã học hoặc những ý tưởng của mình có thể đóng góp cho trong nước”.

Loại bỏ “kinh tế nâu” tức “ô nhiễm trước, xử lý sau” để phát triển kinh tế xanh hay còn gọi là phát triển bền vững là con đường tất yếu của không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước trên thế giới. Những nhà khoa học trẻ Việt Nam đã và đang tiếp thu, trao đổi tri thức khoa học về phát triển bền vững từ đó có trách nhiệm cùng với trong nước thực hiện chiến lược phát triển nhanh và bền vững phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu