Đoàn công tác do Quốc vụ khanh phụ trách lĩnh vực Khí hậu, Năng lương và Hạ tầng Đan Mạch Morten Baek vừa có chuyến thăm Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác về năng lượng giữa hai chính phủ Việt Nam và Đan Mạch. Sự kiện nổi bật của chuyến thăm là lễ công bố Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019. Hợp tác giữa Cục Năng lượng Đan Mạch với Bộ Công Thương Việt Nam nhằm cung cấp thông tin hữu ích phục vụ cho việc Việt Nam quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia hướng tới phát triển năng lượng bền vững và đảm bảo an ninh năng lượng. Bên lề sự kiện, PV Đài TNVN phỏng vấn Quốc vụ khanh Morten Baek.
Nghe âm tham phỏng vấn tại đây:
Quốc vụ khanh Quốc vụ khanh phụ trách lĩnh vực Khí hậu, Năng lương và Hạ tầng Đan Mạch Morten Baek Morten Baek (người ngồi giữa). Ảnh HL |
PV: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam cũng như những hợp tác hiện nay giữa Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực này.?
Ông Morten Baek: Đây là chuyến thăm đầu tiên của tôi đến Việt Nam. Tôi đã có 24 giờ tuyệt vời ở Hà Nội. Tôi rất ấn tượng với đất nước các bạn cũng như ấn tượng về sự hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Đan Mạch, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Chúng tôi đánh giá cao những cam kết và nỗ lực của Việt Nam về chuyển đổi Năng lượng Xanh. Một kết quả quan trọng trong hợp tác đó là bản Báo cáo triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019.
Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019 là sự hợp tác giữa Cục Năng lượng Đan Mạch và Bộ Công thương Việt Nam. |
Đây là môt dấu mốc của hợp tác đặc biệt giữa Cục Năng lượng của Đan Mạch với Bộ Công thương Việt Nam trong việc mô hình hóa hệ thống năng lượng, đề xuất các giải pháp cho những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt đống thời đóng góp cho xây dựng Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia 8. Báo cáo cũng cho thấy Việt Nam có nguồn năng lượng đa dạng dồi dào có thể khai thác cho sản xuất điện điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối và thủy điện. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Đan Mạch quan tâm lĩnh vực này bởi Việt Nam được xem là một thị trường rất tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo.
PV: Thưa ông, Đan Mạch là quốc gia hàng đầu thế giới sản xuất hiệu quả điện từ năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm về lộ trình chuyển đổi sang năng lượng sạch hoàn toàn mà Đan Mạch đang thực hiện?
Ông Morten Baek: Đan Mạch có lịch sử phát triển một nền kinh tế Xanh cách đây từ hơn 3 thập kỷ. Lượng điện trong nước của chúng tôi chủ yếu được sản xuất từ năng lượng tái tạo. Trong đó năng lượng gió đóng góp lớn nhất, tiếp sau là năng lượng sinh khối. Các nguồn năng lượng tái tạo khác như năng lượng mặt trời đóng góp phần còn lại. Chính phủ Đan Mạch vừa đặt ra những chỉ tiêu mới liên quan đến phát triển năng lượng Xanh. Đó là đến năm 2020, chúng tôi sẽ sử dụng 75% năng lượng tái tạo, đến năm 2025 là 100% và năm 2030 phấn đấu giảm về 0% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Thực ra khi chia sẻ các con số này với các đối tác Việt Nam chúng tôi muốn cho thấy rằng sẽ là rất tốt cho Việt Nam. Bởi đề ra mục tiêu cụ thể sẽ làm cho thị trường Việt Nam có độ tin tưởng cao hơn, thu hút được nhiều đầu tư hơn. Trong lộ trình chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, chúng tôi đánh giá cao những cam kết bằng con số mục tiêu mà Việt Nam đề ra.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tiếp Quốc Vụ khanh Đan Mạch Morten Baek. Ảnh: TTXVN |
PV: Theo ông, Việt Nam cần ưu tiên làm gì trong lộ trình quy hoạch phát triển Năng lượng quốc gia cũng như tiến tới xây dựng Quy hoạch phát triển điện 8?
Ông Morten Baek: Trong tương lai,Việt Nam sẽ phát triển theo hướng kinh tế Xanh vì chính phủ Việt Nam đang có chiến lược đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch. Điều quan trọng Việt Nam cần ưu tiên là xây dựng một hệ thống truyền tải điện tốt, Đặc biệt giải quyết được bài toán của nhà máy điện than hiện có mà Việt Nam vẫn đang tiếp tục xây dựng. Khuyến nghị dành cho chính phủ Việt Nam như những gì chúng tôi đã nêu trong Báo cáo triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019 vừa được công bố. Đó là Việt Nam nên đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Có thể chi phí đầu tư ban đầu rất cao nhưng cơ hội tạo ra sau này có giá trị hơn nhiều so với chi phi bỏ ra.
Theo lộ trình, Việt Nam sẽ phát triển 800MW điện gió vào năm 2020, chiếm 0,8% tổng nhu cầu điện- Ảnh minh họa/EVN. hanoi |
Tôi tin rằng, đây chính là hướng đi cũng như lựa chọn đúng Việt Nam cần theo đuổi. Một điều quan trọng song hành với phát triển năng lượng xanh chính những biện pháp tiết kiệm năng lượng. Một khuôn khổ pháp lý minh bạch và ổn định cũng là vô cùng cần thiết. Tôi có thể khẳng định Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển điện gió cả ngoài khơi và trong bờ. Với lợi thế đường bờ biển dài, Việt Nam rất tiềm năng để trở thành trung tâm năng lượng gió của khu vực.
PV: Vâng xin trân trọng cảm ơn Ông.