Số hóa hồ sơ, giải quyết thủ tục không phụ thuộc địa giới hành chính

Thu Thảo
Chia sẻ
(VOV5) - Hiện, tất cả các địa phương trên cả nước đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính”.

Số hóa hồ sơ, giải quyết thủ tục không phụ thuộc địa giới hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, dần hình thành công dân số... Đó là những hiệu quả thiết thực từ việc thực hiện mô hình một cửa liên thông, một cửa điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính. Hiện, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; tỷ lệ giải quyết trước hạn và đúng hạn từ  95%  trở lên.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 

Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, được Chính phủ phê duyệt tháng 3/2021. Đổi mới giải quyết thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, ước tính đã tiết kiệm khoảng trên 10.600 tỷ đồng/năm (khoảng 410 triệu USD).

Cách đây 1 tháng, bà Phạm Thị Lệ, ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính huyện làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo quy định, sau 1 tháng  mới có sổ đỏ. Nhưng sau 20 ngày, bà đã nhận được tin nhắn hồ sơ đã có kết quả. Bà Phạm Thị Lệ cho biết: "Họ đến đo đất rồi cho cái giấy hẹn lên. Qua ô số 2, rồi số 5, người ta cho mình lấy luôn bộ hồ sơ. Mấy cô làm, hướng dẫn mình nhanh lắm, qua ô cửa số 5 nộp tiền rồi đưa qua ô cửa số 2".

Số hóa hồ sơ, giải quyết thủ tục không phụ thuộc địa giới hành chính - ảnh 1Người dân làm việc tại Trung tâm hành chính công tỉnh An Giang - Ảnh: moc.gov.vn

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, chỉ cần lấy số thứ tự theo từng lĩnh vực được chia sẵn, sau đó nộp hồ sơ một cửa liên thông, nhận được giấy hẹn và đến ngày, hệ thống tự động nhắn tin cho người dân đến nhận kết quả. Tại đây, còn trang bị hệ thống đánh giá, chấm điểm cán bộ để người dân có thể nhận xét thái độ của công chức, viên chức. Hoặc, người dân cũng có thể tự nộp hồ sơ điện tử bằng hệ thống đã được trang bị sẵn.

Ông Đỗ Minh Trí, Phó chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, cho biết: "Công chức làm việc ở bộ phận một cửa có ý thức trách nhiệm cao với người dân. Trên tinh thần phục vụ người dân tốt nhất, từ đó nhiệm vụ thực hiện một cửa liên thông ở xã, huyện không có gì phiền hà. Hiện nay, huyện, xã giải quyết 5 tại chỗ, minh bạch, công khai những nội dung người dân khi đến làm thủ tục hành chính. Nếu người dân phản ánh cán bộ nào phiền hà thì bấm phê phán ở một cửa tại chỗ, chúng tôi sẽ kịp thời điều chỉnh".

Còn tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Đắk Lắk, nơi tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của 20 sở ngành, trong đó 2 cơ quan ngành dọc Trung ương là Công an tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh, tất cả hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, trả kết quả tại Trung tâm đều được thực hiện qua hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh và phần mềm chuyên ngành.

Số hóa hồ sơ, giải quyết thủ tục không phụ thuộc địa giới hành chính - ảnh 2Người dân Đắk Lắk  làm thủ tục hành chính tại bộ phận 1 cửa - Ảnh: VOV

Anh Lương Trung Thành, người dân ở huyện Ea Hleo, cho biết: "Chỉ mất khoảng 5 phút với các bước đơn giản, anh đã hoàn thành mọi thủ tục cần thiết để xin cấp đổi mới giấy phép lái xe và chờ nhận kết quả qua đường bưu điện. Ngày xưa, mỗi lần làm thủ tục giấy tờ phải đi vòng vòng nhiều công đoạn nhưng giờ, chỉ lên thời gian ngắn đã xong. Thấy nhanh gọn, thuận tiện cho người dân đi lại".

Để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, hiện nay, các cơ quan, đơn vị có thủ tục hành chính tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Đắk Lắk đang đẩy mạnh triển khai việc giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức “không chờ” đối với các thủ tục có thời gian giải quyết ngắn ngày, đơn giản, việc giải quyết thủ tục không liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị. Người dân được nhận kết quả ngay, không cần giấy hẹn nhận kết quả, không phải đi lại nhiều lần. 

Đánh giá về hiệu quả mô hình một cửa liên thông, một cửa điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thành Can, Nguyên phó trưởng khoa tổ chức hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia, cho rằng: "Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính làm giảm thời gian thực hiện giao dịch về hành chính. Ngoài gọn, giảm thời gian thì tiết kiệm do chúng ta giảm số lượng bộ phận một cửa, giảm chi phí  tái sử dụng giấy tờ tài liệu, giảm thời gian chờ đợi và tiết kiệm các chi phí khác. Điều trọng nhất là mang lại sự hài lòng và niềm tin của nhân dân".

Hiện, tất cả các địa phương trên cả nước đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính”, với mục tiêu đến năm 2025, số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại tất cả bộ phận “một cửa” các sở, ban, ngành, và các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, đã góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu