Xây dựng đô thị thông minh ở thành phố Hồ Chí Minh

Minh Hạnh
Chia sẻ
(VOV5) - Thành phố Hồ Chí Minh đã vươn lên vị trí số 2 toàn quốc (trước đó thành phố xếp hạng 3).

Theo kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi số năm 2022, do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố mới đây, thành phố Hồ Chí Minh đã vươn lên vị trí số 2 toàn quốc (trước đó thành phố xếp hạng 3). Có được kết quả này là nhờ thời gian qua, thành phố tập trung xây dựng đô thị thông minh gắn liền với chuyển đổ số và gia tăng tương tác giữa chính quyền với người dân, phù hợp với lộ trình xây dựng đô thị thông minh của Thành phố.

Nghe âm thanh tại đây:

Phường Đa Kao, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, có khoảng 25.000 dân sinh sống với 96 tổ dân phố và 8 khu phố. Từ khi số hóa và thực hiện quản lý đô thị thông minh đến nay, trụ sở UBND phường không còn cảnh người dân xếp hàng dài chờ làm thủ tục, chờ phản ánh các vi phạm trật tự đô thị…Số người trực tiếp đến trụ sở UBND phường giảm một nửa.

Hiện đã có 50 thủ tục hành chính được phường Đa Kao thực hiện trực tuyến cấp độ 3/4 và 4/4. Chủ tịch UBND phường cũng như các cán bộ phường đều trực tiếp tham gia trong nhóm zalo của các khu phố. Nhờ vậy, mọi chủ trương, chính sách đều được triển khai đến người dân nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả. Ngược lại, người dân khi có nhu cầu phản ánh mọi vấn đề cuộc sống cũng ngay lập tức được chuyển đến chính quyền phường. Ông Đỗ Hữu Cường, Chủ tịch UBND phường Đa Kao, quận 1, cho biết: Tất cả các thủ tục, hồ sơ giấy tờ, các hoạt động tuyên truyền hiện đều được phường đẩy mạnh thực hiện trên các nền tảng số, như: website, nhóm zalo, các trang mạng xã hội cộng đồng ứng dụng chuyển đổi số…, để các hoạt động được rộng khắp. Tương tác qua lại giữa chính quyền và người dân trên môi trường số nhanh, người dân tiếp cận gọn và trực quan hơn.

Xây dựng đô thị thông minh ở thành phố Hồ Chí Minh  - ảnh 1Trụ sở UBND phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM thường xuyên vắng vẻ vì hầu hết các thủ tục hành chính đã được thực hiện trực tuyến. Ảnh: VOV

Ông Nguyễn Hải Hùng, 74 tuổi, làm Tổ trường Tổ dân phố 49, khu phố 4, phường Đa Kao từ năm 1980 đến nay. Khác với trước đây, hiện mỗi khi có văn bản của phường yêu cầu triển khai xuống dân, ông chỉ mất không quá 30 phút để tìm hiểu, cụ thể hóa vấn đề và chuyển lên nhóm chung của tổ. Từ đó, các hộ gia đình trên địa bàn nắm bắt được thông tin và thực hiện. Còn với các tin báo về an ninh trật tự, vi phạm trật tự đô thị…thì khi dân báo với tổ trưởng, lập tức cán bộ phường, công an phường cũng nắm được luôn và giải quyết nhanh, kịp thời, chính xác:Tôi thấy cách làm như thế này rất nhanh, nhanh gấp nhiều lần so với trước đây chưa có công nghệ. Người dân vui mừng và hài lòng. Làm như thế này là hưởng lợi từ hai phía, bà con được hưởng những tiện ích, can thiệp kịp thời của chính quyền, đồng thời chính quyền quản lý địa bàn thì nắm được vấn đề nhanh chóng, kịp thời giải quyết vấn đề nhanh cho bà con.

Tương tự như vậy, ở các địa phương khác của thành phố Hồ Chí Minh, việc sử dụng dữ liệu dùng chung để giải quyết các yêu cầu của người dân, thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4; việc ứng dụng công nghệ, hình thành các nhóm zalo đến tận tổ dân phố để điều hành công việc, tương tác với người dân…đang được thực hiện rất hiệu quả.

Để xây dựng đô thị thông minh, thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chiến lược quản trị dữ liệu đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay, thành phố là địa phương đi đầu trong cải cách thể chế và hoạt động triển khai Chính quyền số.

Thành phố đã triển khai thiết lập quy trình xử lý các thủ tục hành chính, văn bản của tất cả cơ quan nhà nước trên môi trường số, đưa vào vận hành trên 1.500 dịch vụ công trực tuyến, đạt tỷ lệ gần 98% trên tổng số thủ tục hành chính. Đặc biệt, Thành phố tiếp tục hoàn thiện và vận hành nhóm 5 nền tảng phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành. 5 hệ thống này cùng với hệ thống giám sát việc xử lý thủ tục hành chính sẽ cung cấp bộ công cụ cơ bản cho lãnh đạo thành phố, các cấp chính quyền thành phố chỉ đạo, điều hành, các cơ quan dân cử giám sát bằng hệ thống công nghệ và dữ liệu khách quan. Đây cũng là những công cụ quan trọng để điều hành đô thị thông minh theo Đề án của thành phố.

Riêng trong năm nay, thành phố Hồ Chí Minh xác định chủ đề về xây dựng đô thị thông minh và chuyển đồi số là dữ liệu số. Trong đó, Thành phố đề ra mục tiêu trọng tâm là: Người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; Doanh nghiệp được khai thác dữ liệu, dữ liệu mở do cơ quan nhà nước cung cấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh; Cơ quan nhà nước sử dụng dữ liệu từ các hệ thống thông tin theo thời gian thực để hỗ trợ ra quyết định, giảm thiểu hoạt động báo cáo thủ công giữa các cấp.

Xây dựng đô thị thông minh ở thành phố Hồ Chí Minh  - ảnh 2Công an TP.HCM hỗ trợ người dân kích hoạt Tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Ảnh: VOV

Thành phố cũng đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện các mục tiêu đó. Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Khi Thành phố đưa ra kế hoạch phát triển đô thị thông minh thì Thành phố hướng đến một đô thị cung cấp dịch vụ cho người dân một cách tốt nhất. Theo đó, lấy người dân làm trọng tâm trong thay đổi mô hình cung cấp các dịch vụ hành chính công. Trong giai đoạn hiện nay, Thành phố tăng cường các kênh tương tác giữa người dân với chính quyền, chính quyền và người dân để làm sao gần nhau hơn, để người dân tương tác được hiệu quả hơn, giám sát hiệu quả hơn hoạt động của chính quyền.

Với những chính sách quyết liệt trong xây dựng đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số, thành phố Hồ Chí Minh đã và đang vươn lên trong bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số toàn quốc.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu