Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Trong năm nay, Bộ TT&TT triển khai chiến dịch tổng thể, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang kinh doanh ở nước ngoài, hoặc đi ra nước ngoài.

Công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế động lực của cả nước, đóng vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phủ số. Sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam, không chỉ thể hiện ở việc các sản phẩm, giải pháp công nghệ số MAKE IN VIET NAM đảm nhận trọng trách chuyển đổi số quốc gia, mà còn thể hiện thông qua việc khai phá thị trường nước ngoài.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 

Khẳng định vị thế cánh chim đầu đàn dẫn dắt ngành công nghệ thông tin Việt Nam trên con đường toàn cầu hoá, từ những ngày đầu tiên đến Ấn Độ cách đây hơn hai thập kỷ, hiện nay, công ty cổ phần FPT đã có mặt tại 29 quốc gia. Doanh số ở thị trường nước ngoài đạt 1 tỷ USD, tăng gấp 25.000 lần, với quy mô nhân lực là 27.000 người, tăng 900 lần. Ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud, công ty con của công ty cổ phần FPT, cho biết hiện nay, trong Tập đoàn FPT có hơn 200 sản phẩm là MAKE IN FPT cũng chính là MAKE IN VIET NAM. Những sản phẩm này được cung cấp ở nhiều địa bàn trên thế giới.                        

Ông Lê Hồng Việt cho biết: "Trước đây, khi nói đến các sản phẩm công nghệ thông tin thì chúng ta nói đến các sản phẩm của nước ngoài là chính nhưng hiện nay, rất nhiều khách hàng của chúng tôi bắt đầu nghĩ đến các sản phẩm của Việt Nam và các sản phẩm đó giúp cạnh tranh ở thị trường nước ngoài. Đó là sự ghi nhận của khách hàng. Thứ nữa là sự ghi nhận của thương hiệu. Chúng tôi nhận thấy thương hiệu MAKE IN VIET NAM trong ngành công nghệ ngày càng có sức ảnh hưởng lớn đến xã hội, doanh  nghiệp". 

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới - ảnh 1Ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc FPT Smart Cloud - Ảnh: FPT

Tiếp sau FPT là Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel. Bắt đầu đi ra thị trường quốc tế từ năm 2006, đến nay, Viettel đã chinh phục được 10 thị trường với doanh thu đạt gần 3 tỷ USD. Để đi đến thành công này, đại diện Viettel cho rằng doanh nghiệp luôn phải tìm hiểu, nghiên cứu để hiểu sâu sắc về văn hóa, con người, hệ thống chính trị của các nước bản địa. Cùng với đó, phải có giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, mang những thứ tốt nhất mình có ra nước ngoài cũng như phải tạo sự khác biệt để cạnh tranh và luôn thượng tôn pháp luật.

Theo bước chân của FPT và Viettel, hiện nay, những công ty công nghệ có quy mô nhỏ hơn của Việt Nam đang nỗ lực góp phần ghi dấu những sản phẩm MAKE IN VIET NAM trên bản đồ công nghệ thế giới. Công ty cổ phần MISA là một trong số đó. Hiện, MISA đã có mặt ở 20 quốc gia và doanh số đạt 1 triệu USD. Công ty đang tập trung nhiều nhân lực để nghiên cứu và phát triển thêm nhiều sản phẩm khác nhằm cung cấp cho thị trường.

Ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty MISA, cho biết: "Chúng tôi đã bắt đầu mang một phần nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS tham gia thị trường nước ngoài. Hiện nay, chúng tôi đã phân phối tới khoảng 3 - 4 nghìn khách hàng ở Châu Âu và khu vực Đông Nam Á, doanh số 1 - 2 triệu USD lũy kế vì mới tham gia một vài năm. MISA cũng mạnh dạn cùng các doanh nghiệp của Việt Nam tiên phong mang sản phẩm ra nước ngoài, hướng tới mục tiêu đạt khoảng 50 triệu USD trong 5 năm tới. Đây là thách thức không nhỏ". 

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới - ảnh 2Ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc thường trực công ty CP MISA - Ảnh: fsb.edu.vn

Trong khi đó, ông Trần Quang Cường, CEO NextVision, công ty được thành lập năm 2010, chia sẻ: ước mơ của NextVision là đưa sản phẩm công nghệ trí tuệ người Việt ra thị trường toàn cầu. Và NextVision đã có mặt ở thị trường Nhật trong 3 lĩnh vực chính là phần mềm (SaaS), IoT (Internet vạn vật), AI (Trí tuệ nhân tạo). Mới đây, hồi tháng 6, tại triển lãm công nghệ hàng đầu Châu Á Asia Tech X Singapore (trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Công nghệ châu Á năm 2023) ở Sentosa, Singapore, NextVision đã ký kết thỏa thuận hợp tác kinh doanh với Astrocast (Công ty công nghệ tại Thụy Sỹ chuyên phát triển các vệ tinh nhỏ cung cấp các thiết bị truy cập Internet). Việc hợp tác tập trung vào các nội dung, như: mở rộng nền tảng internet vạn vật (Internet of Things - IoT) hiện có của NextVision kết nối với hệ thống vệ tinh hiện tại của Astrocast; NextVision được hỗ trợ kinh nghiệm từ Astrocast đưa sản phẩm công nghệ ra toàn cầu...

Theo ông Trần Quang Cường: "Dấu ấn của chúng tôi là sau 1 thời gian, chúng tôi có được ký với Astrocast. Sản phẩm của chúng tôi vừa rồi triển khai được ở 5 quốc gia. Về tăng trưởng, so với cùng kỳ năm ngoái, chúng tôi tăng trưởng 100%".

Dưới góc độ cơ quan quản lý, theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin (Bộ TT&TT), thị trường công nghệ thế giới đang có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Năm ngoái, thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam có dung lượng xấp xỉ 2 tỷ USD, tương đương với khối lượng công việc của khoảng 200.000 kỹ sư. Tuy nhiên, Việt Nam lại đang có hơn 40.000 doanh nghiệp và 550.000 kỹ sư. Đặc biệt, lợi thế lớn nhất của doanh nghiệp Việt khi đi ra toàn cầu, đó là nhân lực chất lượng cao. Chính vì vậy, thị trường trong nước đã quá nhỏ hẹp so với quy mô nhân lực ở thời điểm hiện tại. Và bài học của các thương hiệu lớn về công nghệ thông tin Việt đã thành công như Viettel, hay FPT cũng đã chứng minh có nhiều cách để doanh nghiệp tiến ra nước ngoài.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa nhận định: "Doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động phát triển ở thị trường nước ngoài từ lâu, như những năm 2000 là FPT, sau đó là Vietel. Tại sao chúng ta không thể làm như Ấn Độ, tại sao chúng ta không thể làm như Philippines, họ đều xây dựng được thương hiệu quốc gia cho 1 số ngành hàng (Ấn Độ là ngành IT, Philippines là ngành dịch vụ). Thì đó là định hướng lâu dài của ngành công nghệ thông tin Việt. Thứ nhất là xây dựng thương hiệu quốc gia. Thứ hai là chúng ta cùng đồng hành theo từng lĩnh vực chuyên biệt để tạo hiệu ứng tốt hơn".

Thế giới hiện vẫn còn khoảng 49% dân số, trong tổng số 8 tỷ người chưa được kết nối Internet. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam mở rộng thị trường, mang tri thức và công nghệ của mình góp phần giải các bài toán chuyển đổi số ở các nước, đẩy nhanh tiến trình xây dựng thế giới số.

Trong năm nay, Bộ TT&TT triển khai chiến dịch tổng thể, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang kinh doanh ở nước ngoài, hoặc đi ra nước ngoài. Bộ cùng với các cơ quan liên quan sẽ mở đường, các doanh nghiệp đã đi ra nước ngoài thành công sẽ hỗ trợ, đưa các doanh nghiệp khác cùng đi.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu