Thực thi các FTA thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu

Nguyên Long
Chia sẻ
(VOV5) - Tăng cường các giải pháp đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu là một trong những mục tiêu nhằm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay. 

Trong bối cảnh tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng và đòi hỏi trên toàn cầu, Việt Nam đang phát triển các chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn khắt khe của thị trường, đặc biệt là các yêu cầu từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA).

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 

Kể từ đầu năm nay, khi xuất khẩu hàng hoá vào các thị trường có ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), các doanh nghiệp Việt Nam không còn được áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) mà phải áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan theo các cam kết của Hiệp định EVFTA. Năm nay, bước sang năm thứ 5 Việt Nam thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với các yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn “xanh” đối với sản phẩm, hàng hoá, khi xuất khẩu vào các thị trường thành viên của hiệp định này.

Thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) chính là thực thi các cam kết, trọng tâm là việc xóa bỏ và cắt giảm thuế quan nhập khẩu hàng hoá theo “lộ trình”. Theo đó, khi đàm phán ký kết một FTA nào đó, các nhà đàm phán đều dựa trên trình độ, năng lực của quốc gia mình để đảm bảo doanh nghiệp và nền kinh tế có thể đáp ứng theo “lộ trình”.

Thực thi các FTA thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu - ảnh 1Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho rằng: Việt Nam khi tham gia các Hiệp định FTA vừa có thêm cơ hội mở rộng thị trường và cũng là cơ hội khẳng định tuân thủ sự cạnh tranh minh bạch với các nền kinh tế khác: "Cuộc cạnh tranh để chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu thì thực chất đây cũng là một cuộc cạnh tranh không ngừng để có thể tự đổi mới mình. Từ đó, nâng cao chất lượng cũng như đáp ứng được tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng."

Là một ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành da giày xác định việc tuân thủ, đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA đem lại cả thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp và người lao động Việt Nam.

Thực thi các FTA thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu - ảnh 2Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam. Ảnh: Tạp chí Công Thương

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, cho rằng: "Các yêu cầu, đặc biệt là các yêu cầu về sản xuất xanh đối với những chuỗi cung ứng là một thách thức đặt ra, vì vậy, đối với doanh nghiệp của ngành da giầy phải cập nhật các thông tin thường xuyên. Ví dụ, tại Thị trường Châu Âu, đạo luật liên quan đến vấn đề tuân thủ tiêu chuẩn hàng hóa, an toàn khi sản xuất xuất khẩu, luôn cập nhật hằng năm. Sắp tới, thị trường Đức cũng đưa ra một đạo luật mới về tăng cường tham vấn trong chuỗi cung ứng đối với bên thứ ba.

Đây cũng là một trong những điều kiện các doanh nghiệp phải đáp ứng tuân thủ vì nếu không đáp ứng thì sẽ thất bại khi xuất khẩu vào thị trường này. Tất cả những yêu cầu đó đang là một thách thức nhưng cũng là cơ hội để giúp nâng cao chuỗi cung ứng của ngành da giày cũng như giúp cho các doanh nghiệp, đặc biệt là người lao động Việt Nam đảm bảo được quyền lợi, cũng như các doanh nghiệp đảm bảo chất lượng của nguồn nhân lực ngày một tốt hơn."

Từ thực tế hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm hữu cơ (thực phẩm được sản xuất và chế biến không dùng hóa chất như phân bón hóa học, chất bảo quản, thuốc trừ sâu, hormon tăng trưởng, kháng sinh hay những sinh vật biến đổi gen…), ông Phạm Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam, cho rằng tiềm năng xuất khẩu của các sản phẩm hữu cơ rất lớn. Vì vậy, ngoài việc đổi mới trong cách tiếp cận thị trường, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu: "Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam  đều đã có chứng nhận hữu cơ, xuất khẩu theo tiêu chuẩn EU và Mỹ. Tuy nhiên, sản lượng sản xuất được của ngành hữu cơ thì chưa lớn và hiện nay phần lớn các sản phẩm vẫn đang phải xuất ở dạng nguyên liệu thô. Phần lớn các doanh nghiệp cũng đã phát triển các sản phẩm cao cấp, có đóng gói, có thương hiệu, nhưng thực tế thì chưa tiếp cận được sâu vào thị trường người tiêu dùng. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của ngành hữu cơ vẫn còn rất lớn và là cơ hội cho Việt Nam. Hội rất mong muốn Bộ Công thương hỗ trợ để xây dựng chiến lược xúc tiến thương mại và tiếp cận nhiều hơn với thị trường Bắc Mỹ."

Chiến lược xuất, nhập khẩu Việt Nam đến năm 2030 đặt mục tiêu xuất khẩu phát triển bền vững, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6-7%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030… Riêng trong năm 2023, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu khoảng 6% so với năm 2022.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu