Việt Nam hướng đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% năm 2023

Chia sẻ
(VOV5) - Kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng cao, cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu là một điểm nhấn “ấn tượng” trong năm 2022.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 của Việt Nam ước đạt 732 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam vượt mốc 700 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Đây là tiền đề để Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm 2023.

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732 tỷ USD, tăng 10% so với 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 371,5 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Trong số các mặt hàng xuất khẩu có 39 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD; 9 mặt hàng ghi nhận kim ngạch trên 10 tỷ USD. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, với hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các ngành công nghiệp chủ lực, như: điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ... tăng trưởng ở mức cao, là yếu tố chính đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp; tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, nâng thứ hạng về năng lực cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam.

Việt Nam hướng đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% năm 2023 - ảnh 1Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam. Ảnh: daibieunhandan.vn

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, cho biết: "Năm 2022, ngành da giày đạt khoảng 27 tỷ USD xuất khẩu và tăng trưởng hơn 30%. Đây cũng là một trong những thành tích vượt kế hoạch đặt ra của toàn ngành da giày và là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam."

Trong năm 2022, xuất khẩu nông nghiệp đạt trên 53,2 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Ngành nông nghiệp tiếp tục có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; 7 sản phẩm và nhóm sản phẩm có kim ngạch trên trên 3 tỷ USD, gồm: gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; cà phê; gạo; cao su; rau quả; hạt điều. Có được kết quả này là nhờ sự phối hợp của các bộ, ngành trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, ngành hàng; tháo gỡ các rào cản thương mại…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng: "Đối với ngành nông nghiệp, đến thời điểm này, đóng góp tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành năm 2022 là khoảng trên 3%, kim ngạch xuất khẩu gần 54 tỷ đô la, như vậy giá trị thặng dư khoảng 10 tỷ USD. Đây là một thành công rất lớn và trong này có sự hỗ trợ đắc lực của các tham tán thương mại các nước trong việc tháo gỡ khó khăn tại các thị trường."

Kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng cao, cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu là một điểm nhấn “ấn tượng” trong năm 2022 trước rất nhiều biến động bất thường của tình hình kinh tế thế giới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng cùng với tăng trưởng thương mại quốc tế, thương mại nội địa cũng đạt mức tăng trưởng cao; tổng sản phẩm nội địa (GDP) đạt trên 8%, trong năm 2022, giúp ổn định nền kinh tế, là nền tảng vững chắc để xuất khẩu tăng trưởng: "Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD… Thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 21% (vượt gấp 2,7 lần mục tiêu kế hoạch của ngành), đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu cho người dân, góp phần kiểm soát lạm phát trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa phục hồi mạnh sau đại dịch và thị trường thế giới có biến động lớn, nhiều quốc gia phải đối mặt với lạm phát tăng cao."

Năm 2023, ngành Công Thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2022 và Việt Nam tiếp tục duy trì cán cân thương mại có xuất siêu.

Việt Nam hướng đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% năm 2023 - ảnh 2Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: báo Nhân dân

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Dự báo trong năm 2023, tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn do thị trường bị thu hẹp, đơn hàng, cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu.

"Tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Chủ động rà soát, tham mưu cho cấp có thẩm quyền đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới, đồng thời tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, góp phần hỗ trợ các địa phương, các Hiệp hội doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để mở rộng, đa dạng hóa thị trường chuỗi cung ứng và các mặt hàng xuất khẩu; Chú trọng hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp chuyển mạnh sản xuất và xuất khẩu sang chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa và thúc đẩy xuất khẩu bền vững." - Ông Diên khẳng định.

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng, ngành Công thương, ngoài việc tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu