Kết nối du lịch giữa đồng bằng sông Cửu Long với các địa phương

Hồng Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cần ưu tiên xây dựng cơ chế đồng hành tham gia của các ngành tại mỗi địa phương.

Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ là cửa ngõ quan trọng kết nối Tây Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với các địa phương trong cả nước và quốc tế. Vì thế, các chuyến bay trực tiếp từ các địa phương đến sân bay Cần Thơ là nhu cầu cấp thiết để phát triển du lịch vùng.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 

Tổng lượt khách đến với ĐBSCL năm ngoái ước đạt gần 45 triệu lượt, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế hơn 1,8 triệu lượt, doanh thu đạt gần 46 ngàn tỷ đồng (1,8 tỷ USD), tăng 42,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, theo bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Công ty lữ hành Vietravel chi nhánh Cần Thơ, hiện vẫn có những điểm nghẽn khiến du lịch của vùng chưa thể cất cánh tương xứng tiềm năng, trong đó có vấn đề kết nối đường không. Hiện tại, công suất vận tải hành khách ở Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ thấp hơn khá nhiều so với thời điểm trước đại dịch Covid-19, nhất là các đường bay nội địa.

Kết nối du lịch giữa đồng bằng sông Cửu Long với các địa phương - ảnh 1Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ - Ảnh: dangcongsan.vn

Bà Minh Thy cho biết: “Hiện nay chúng ta chỉ có 4 đường bay kết nối đi từ Cần Thơ, trong khi trước đó chúng ta có tới 11 đường bay, như vậy “điểm nghẽn” của giao thông hàng không đã ảnh hưởng khá nhiều đến việc kết nối tour, tuyến cũng như kết nối khách từ các vùng miền khác đến ĐBSCL. Với thực trạng đó, trong thời gian tới nếu ĐBSCL muốn xây dựng được thương hiệu du lịch của mình thì cần phải có những giải pháp kết nối trở lại các đường bay đi và đến từ Cần Thơ, thông qua việc phối hợp với các hãng hàng không, kêu gọi những hãng hàng không tham gia vào đường bay từ sân bay Cần Thơ đến với các vùng, miền trên cả nước".

Không chỉ có Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ chưa khai thác đúng tiềm năng, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc cũng giảm một số đường bay nội địa. Trong khi đó, riêng Cảng hàng không Cà Mau, các chuyến bay luôn đông khách nhưng do đường băng cất và hạ cánh còn hạn chế nên các tàu bay phải giảm tải công suất hoạt động. Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, thừa nhận việc đường hàng không chưa phát triển đúng nhu cầu giao thông của du khách đã ảnh hưởng lớn đến việc đưa du khách đến với ĐBSCL. Bên cạnh đó, việc kết nối bằng đường bộ và đường thủy cũng chưa thật sự thuận lợi. Vì thế, theo ông Trần Việt Phường, nếu muốn du lịch ĐBSCL “cất cánh” thì bắt buộc phải kết nối cơ sở hạ tầng.

Ông Phường nhấn mạnh: “Vừa qua thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh, thành phố ở ĐBSCL có ký kết quy chế liên kết du lịch nhưng tôi cho rằng nếu thành lập được Ban điều phối thì sẽ có tác dụng và hiệu quả hơn. Về đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển cơ sở vật chất cho du lịch, tôi nghĩ rằng phải đa dạng hóa, phải huy động nhiều nguồn để phát triển trong thời gian tới”.

Kết nối du lịch giữa đồng bằng sông Cửu Long với các địa phương - ảnh 2Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL - Ảnh: baodautu.vn

Việc hoàn thiện các tuyến đường cao tốc, mở thêm chuyến bay kết nối thẳng liên vùng, liên quốc gia đến các địa phương vùng ĐBSCL được xem là một trong những giải pháp trọng tâm đưa ngành du lịch vùng phát triển. Do vậy, đầu năm nay, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm phối hợp cùng Bộ Giao thông Vận tải triển khai các giải pháp mở rộng các đường bay quốc tế và các vùng trọng điểm du lịch trong nước đến khu vực này, đồng thời tiếp tục chính sách giảm thuế, giảm 50% phí cấp phép kinh doanh, đẩy mạnh phát triển nhân lực du lịch ĐBSCL. Trước mắt, nhiều địa phương ĐBSCL cũng đã chủ động tìm hướng đi mới cho lịch, trong đó chú trọng đến việc phát huy các thế mạnh đặc thù của từng địa phương, tránh việc đưa ra thị trường các sản phẩm du lịch giẫm chân nhau.

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Cần Thơ, cho biết với vai trò thành phố trung tâm vùng ĐBSCL, Cần Thơ đã ký kết, hợp tác về du lịch với hơn 20 tỉnh/thành phố trên cả nước và đang mở rộng liên kết, hợp tác với các tỉnh/thành khác để quảng bá, xúc tiến, phát triển du lịch. Sự mở rộng hợp tác này góp phần hình thành các tuyến du lịch liên vùng, với những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn khách du lịch. Thành phố Cần Thơ đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng; xây dựng, triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn.

Nhận định về chiến lược du lịch của ĐBSCL, bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đánh giá các giải pháp mà ngành du lịch ĐBSCL đề ra đều phù hợp nhưng để nhanh chóng phục hồi và phát triển du lịch bền vững, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cần ưu tiên xây dựng cơ chế đồng hành tham gia của các ngành tại mỗi địa phương, cũng như các đơn vị trong cung ứng du lịch là vận tải, hàng không, dịch vụ… để tạo nên sức mạnh tổng hợp.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu