Kinh tế Việt Nam vẫn chịu đựng tốt và sẽ phục hồi dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Đây là đánh giá được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong Báo cáo Điểm lại mới tiêu đề “Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của COVID-19” công bố tại buổi họp báo trực tuyến ngày 30/07.
World Bank công bố báo cáo qua hình thức trực tuyến. - Ảnh: VOV |
Báo cáo của World Bank nhận định kinh tế Việt Nam vẫn giữ được viễn cảnh tích cực trước mắt và trong trung hạn. Trong trường hợp tình hình thế giới được từng bước cải thiện, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối của năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 2,8% trong năm 2020, và 6,8% trong năm 2021. Nếu tình hình bên ngoài kém thuận lợi hơn, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021.
World Bank chỉ ra rằng thách thức lớn của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, đó là tìm ra những động lực tăng trưởng mới để củng cố quá trình hồi phục. Để làm được điều này, WB khuyến nghị thận trọng từng bước gỡ bỏ hạn chế đi lại quốc tế, cân đối với những quan ngại về an toàn; đẩy nhanh triển khai chương trình đầu tư công hiện hành nhằm tăng cầu trong nước; hỗ trợ có mục tiêu cho khu vực tư nhân thông qua hỗ trợ tài chính kết hợp với các chính sách khuyến khích thông minh.
Bên cạnh đó, theo World Bank, trong hệ thống thương mại toàn cầu mới, Việt Nam có thể củng cố dấu ấn hiện nay của mình bằng cách gây dựng liên minh với các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 thấp, đồng thời đẩy mạnh nỗ lực xúc tiến thu hút các doanh nghiệp đang có kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Ngoài ra, COVID-19 cũng đem lại cơ hội đặc thù để Việt Nam hướng tới nền kinh tế "không tiếp xúc” như đẩy mạnh thanh toán công nghệ số, giáo dục trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa, chia sẻ dữ liệu số hóa.