Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 17 - Cùng nhau Phục hồi, Phục hồi mạnh mẽ hơn

PV/ VOV - Indonesia
Chia sẻ
(VOV5) - Hội nghị thượng định G20 ở Bali là một trong những sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại khu vực Đông Nam Á.

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) khai mạc sáng nay, 15/11, tại Bali (Indonesia).

Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 17 - Cùng nhau Phục hồi, Phục hồi mạnh mẽ hơn - ảnh 1Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa, hàng đầu) phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, ngày 15/11/2022. Ảnh: AP/TTXVN

Quy tụ 20 thành viên chiếm tới 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 75% kim ngạch thương mại và 60% dân số toàn cầu, cùng 22 khách mời là lãnh đạo các quốc gia, tổ chức khu vực và quốc tế lớn, Hội nghị thượng định G20 ở Bali là một trong những sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại khu vực Đông Nam Á.

Hội nghị đặt mục tiêu ra Tuyên bố của các nhà lãnh đạo, trong đó cam kết tăng cường các nỗ lực hợp tác quốc tế nhằm giải quyết hàng loạt thách thức và khủng hoảng trầm trọng mà cả thế giới đang phải đối mặt. Hội nghị cũng tập trung bàn thảo quy định về cơ cấu huy động nguồn lực y tế thiết yếu; tăng cường các biện pháp giám sát dịch tễ, định hướng cho nền tảng hợp tác về nghiên cứu và kiểm soát các mầm bệnh; thiết lập nền tảng chung kết nối các hệ thống chứng nhận tài liệu y tế kỹ thuật số nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động giao thương, đi lại của người dân; mở rộng các trung tâm nghiên cứu và sáng chế toàn cầu nhằm hỗ trợ các nước, nhất là các nước thu nhập trung bình thấp tiếp cận vaccine, các phương pháp chuẩn đoán và điều trị.

Hội nghị cũng sẽ tìm kiếm các cam kết nhằm giải quyết các khiếm khuyết trong các tổ chức tài chính phi ngân hàng; tăng cường lĩnh vực tài chính toàn cầu thông qua giám sát rủi ro, khai thác lợi thế của công nghệ và số hóa; nghiên cứu phát hành tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương nhằm tạo thuận lợi cho thanh toán xuyên biên giới; duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế; hỗ trợ các công cụ chính sách của G20 và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về huy động vốn và thiết lập cấu trúc cho các cơ sở hạ tầng toàn cầu tương lai.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu