Được tiến hành trong bối cảnh tình hình an ninh và kinh tế-xã hội thế giới đang có nhiều biến động phức tạp, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang diễn ra tại Cộng hòa Liên bang Đức, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Trong đó, dư luận dành sự quan tâm lớn nhất tới những giải pháp, các bước đi tiếp theo mà các nhà lãnh đạo G7 đưa ra để đối phó với hàng loạt thách thức về an ninh, kinh tế, ngoại giao,… mà thế giới đang phải đối mặt.
Khai mạc ngày 26/6 tại lâu đài Elmau thuộc bang Bayern, miền Nam nước Đức, Hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 48 năm 2022 có sự tham gia đầy đủ của nguyên thủ 7 quốc gia thành viên là Đức, Anh, Pháp, Italy, Nhật Bản, Canada và Mỹ, cùng hai lãnh đạo cao nhất của Liên minh châu Âu (EU) là Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu. Ngoài ra, nước chủ nhà Đức cũng đã mời lãnh đạo một số quốc gia tham dự Hội nghị lần này, trong đó có một số nước thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm hơn cả về Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này là những nội dung nghị sự “nóng” mà các nhà lãnh đạo của Nhóm tập trung bàn luận.
Các lãnh đạo G7 tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Bavaria, Đức, ngày 26/6. Ảnh: Reuters |
Những nội dung nghị sự đáng chú ý
Cũng như hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, lạm phát đã tăng cao ở mức kỷ lục trong nhiều thập niên tại các nền kinh tế G7, trong khi nguy cơ suy thoái cũng được nhận định là ở mức nghiêm trọng. Với vai trò là những nền kinh tế đầu tàu của kinh tế thế giới, các quốc gia G7 đang đứng trước áp lực lớn trong vấn đề này. Điều đó lý giải tại sao ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 đã tập trung thảo luận tình hình kinh tế thế giới, trọng tâm là tìm kiếm cách thức phản ứng chung đối với vấn đề lạm phát và mối đe doạ suy thoái. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh kinh tế, cho rằng G7 cần cùng nhau bảo vệ các nền kinh tế trước tình trạng giá cả tăng cao.
Một chủ đề lớn khác cũng được các nhà lãnh đạo tập trung bàn thảo trong ngày họp đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2022 là chính sách đối ngoại và an ninh. Trong đó, các nhà lãnh đạo G7 đã thảo luận cách thức điều phối các vấn đề liên quan tới chính sách đối ngoại và an ninh. Điều này chủ yếu xuất phát từ nhận thức đã được các nhà lãnh đạo G7 nhiều lần khẳng định trước đó rằng: cuộc xung đột tại Ukraine tạo ra những thách thức nghiêm trọng về an ninh và đối ngoại với không chỉ châu Âu, mà cả thế giới.
Các lãnh đạo G7 và EU tham dự cuộc làm việc trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở lâu đài Schloss Elmau, Bavaria, Đức, ngày 27/6/2022. Ảnh: Reuters |
Ngoài các vấn đề trên, nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 48 còn bao gồm hàng loạt vấn đề mang tính thời sự với các nền kinh tế cũng như toàn thế giới, đứng đầu là vấn đề an ninh năng lượng, an ninh lương thực, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số… Những nghị sự này phản ánh mối quan tâm, đồng thời tái khẳng định quyết tâm của G7 trong thực hiện vai trò tiên phong và dẫn dắt đối với các vấn đề nổi cộm hay có tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Đưa ra các giải pháp
Đúng như dự báo của nhiều nhà phân tích, các nhà lãnh đạo G7 cùng các đối tác đã thống nhất một số hành động và giải pháp để đối phó với các thách thức chung hiện nay. Trong đó, G7 đã nhất trí với 5 nước đối tác gồm Argentina, Ấn Độ, Indonesia, Senegal và Nam Phi về các nguyên tắc chung nhằm tăng cường trật tự quốc tế. Một tuyên bố của G7 công bố ngày 27/6 nêu rõ các nước G7 cùng 5 nước đối tác quyết tâm "xây dựng khả năng phục hồi" và hướng tới các giải pháp công bằng, bao trùm và bền vững cho các thách thức toàn cầu.
G7 cam kết hợp tác với các đối tác ở cấp độ quốc tế để hướng tới hòa bình và thịnh vượng và sẽ nỗ lực để đạt được tiến bộ, hướng tới một thế giới công bằng. Hai bên cũng cam kết giải quyết hòa bình các cuộc xung đột và phản đối việc "đe dọa hoặc sử dụng vũ lực" dưới bất kỳ hình thức nào không phù hợp với luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó, G7 cũng nhất trí cùng đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu, đồng thời đảm bảo cho vấn đề an ninh năng lượng. Tuyên bố của các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh mục tiêu dần loại bỏ than đá và xây dựng các nguồn năng lượng sạch và tái tạo "một cách công bằng về mặt xã hội".
Trước đó, các nhà lãnh đạo G7 cũng đã thông qua kế hoạch hợp tác tham vọng mang tên “Hiệp định Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu” trị giá 600 tỷ USD trong giai đoạn từ nay tới năm 2027. Mục tiêu của kế hoạch này là nhằm cạnh tranh và đối trọng với sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình an ninh, kinh tế, xã hội và đối ngoại của thế giới đang có nhiều biến động và xáo trộn phức tạp như hiện nay, các kế hoạch và giải pháp của G7 được cho là đối mặt không ít rủi ro và thách thức. Hiệu quả và thành công trong tương lai của các hành động và giải pháp đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đứng đầu là quyết tâm và nỗ lực hợp tác của tất cả các bên liên quan. Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia và nhà phân tích quốc tế có chung quan điểm rằng, G7 nên tập trung nhiều hơn cho mục tiêu mà nước Chủ tịch luôn phiên G7 là Đức đặt ra hồi đầu năm nay là "Tiến bộ vì một thế giới công bằng". Trong mục tiêu đó, nước Đức mong muốn "củng cố vai của G7 với tư cách là cầu nối và trung gian hòa giải cho hòa bình và an ninh" của thế giới.