Doanh nghiệp Việt tìm đường vượt bão covid

Thanh Giang
Chia sẻ
(VOV5) - Các doanh nghiệp Việt tổ chức những hội thảo chia sẻ kinh nghiệm với mong muốn tìm đường vượt bão covid. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Thời gian qua, việc chống chọi qua 4 làn sóng Covid liên tục đã khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đối mặt với rất nhiều “cửa tử”. Theo tổng hợp khảo sát từ 10.197 doanh nghiệp trên toàn quốc, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) tiến hành và công bố gần đây, có 87,2% doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Hệ lụy của bão covid với các doanh nghiệp là rất nặng nề.

Chương trình Vietnam CEO forum với phiên bản đặc biệt: Open talks – Những con đường phía trước, được đồng tổ chức bởi Hội Doanh nhân Trẻ Tp. Hồ Chí Minh (YBA), IBP, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (BSSC) và S-World, thuộc chuỗi hội thảo do các doanh nghiệp Việt tổ chức với mong muốn tìm đường vượt bão covid. 

Doanh nghiệp Việt tìm đường vượt bão covid - ảnh 1Công ty công nghệ cao Mỹ Lan (Trà Vinh) thuộc số ít những công ty vẫn cầm cự được hoạt động sản xuất kinh doanh trong đại dịch, do hệ thống quản lý tốt và những sản phẩm công nghệ cao đặc thù không phụ thuộc vào thị trường trong nước.

Theo ông Albert Antoine, Giám đốc điều hành và đồng sáng lâp Avaiga.com, xu hướng hoạt động của những công ty Châu Âu hiện nay có tính linh hoạt cao hơn, nhân sự được tổ chức linh hoạt theo dự án.

Chia sẻ về kinh nghiệm hoạt động trong nền kinh tế Singapore, ông Albert Antoine đánh giá, các nước châu Á và nước đang phát triển đang đi ngược lại với châu Âu, vì “thắt lưng buộc bụng” trong dịch COVID-19. Đồng thời, tiết kiệm không đầu tư vào nguồn nhân lực. Trong khi các quốc gia châu Âu đầu tư tài chính vào chỗ ở để người dân vùng khác đến công xưởng của họ làm việc. Ở châu Âu và Singapore câu hỏi đặt ra là phải tăng tốc để tối ưu hóa quy trình hoạt động, còn tại Việt Nam, vấn đề cần được giải quyết là chuyển đổi số: :Có những công ty ở Châu Âu bây giờ đều đầu tư rất nhiều vào công nghệ, vào máy móc, vv… để có thể tối ưu hóa quy trình hoạt động. Ví dụ như ở Singapore, nếu có những tổ chức như thế, chính phủ sẽ hỗ trợ 50%. Tất nhiên họ là con nhà giàu, khác với ở Việt Nam."

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị U&I Group dự báo, cộng đồng doanh nghiệp có thể phục hồi từ 60-70% vào cuối năm sau. Mặc dù vậy, khả năng tuyển lại nhân sự lại cực kỳ khó, nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục cách làm cũ và không thay đổi về mặt công nghệ thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi. Theo ông Mai Hữu Tín, trước đây doanh nghiệp thường phải mất ít nhất  hai năm để phục hồi sau khủng hoảng, nhưng lần này sẽ mất thời gian lâu hơn.

Về hướng đi, chiến lược để doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn trong bối cảnh hiện nay, ông Mai Hữu Tín cho rằng các doanh nghiệp cần nỗ lực chuẩn bị để đưa khả năng cạnh tranh lên một tầm mới; cũng như quyết liệt thay đổi mô hình quản trị nhân sự cũ: "Chúng ta không có gì ngại cơn bão này. Nó sẽ đi qua và chúng ta sẽ làm việc trở lại. Nhưng như vậy chúng ta phải dành thời gian để chuẩn bị chính mình tốt hơn.

Tôi rất thích ý của anh Albert nói về công nghệ. Với doanh nghiệp SME hay doanh nghiêp nhỏ thì có 3 mảng công nghệ cùng lúc, khác nhau mà chúng ta đều phải làm. Nếu bạn đang làm sản xuất lúc này là lúc nên tính chuyện thay đổi công nghệ ngay. Áp dụng  automation, robotic.... càng nhanh càng tốt. Thứ hai là công nghệ thông tin: chuyển đổi số hay ERT....Bây giờ chúng ta không nói chuyện áp dụng công nghệ thông tin một cách chung chung. Chúng ta phải đi tới được từng nơi, từng chỗ để tất cả các phòng ban, thậm chí từng con người trong công ty chứ không như trước kia nữa. Những mô hình của những công ty lớn trên thế giới đều đi đến chỗ trở thành những nhóm tự quản, những tiểu công ty trong doanh nghiệp của họ. Để từng bộ phận đều sẽ tạo ra giá trị là chuyện chắc chắn chúng ta phải làm. Và công nghệ thông tin giúp chúng ta làm điều đó tốt nhất.

Mảng thứ ba trong công nghệ quản trị, đó là những phương pháp quản trị tốt chúng ta cũng phải áp dụng ngay bây giờ. Nếu bạn nào chưa làm thì phải mạnh dạn học và làm thật nhanh. Nếu chúng ta cứ làm theo cách cũ nghĩ là Việt Nam cái gì dễ làm thì không có. Chuyện dễ làm hết rồi. Tất cả chúng ta đều phải chuẩn bị để chúng ta có thể so sánh được với bất kỳ doanh nghiệp nào ở bất kỳ nơi nào trên toàn thế giới." - Ông Mai Hữu Tín, cho biết.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc đầu tư, Trưởng phòng nghiên cứu Dragon Capital, doanh nghiệp hoàn toàn có cơ sở để lạc quan, bởi nền kinh tế Việt Nam đã cho thấy sự bền bỉ và năng động. Việt Nam là một trong những quốc gia duy nhất trên thế giới vào năm 2020 đã có mức tăng trưởng dương; trong đó, tất cả các nước khác trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc đều có nền kinh tế bị tăng trưởng âm.

Theo ông Lê Anh Tuấn, có hai bước người làm chủ doanh nghiệp cần suy nghĩ trong giai đoạn này: "Bước thứ nhất là về bản thân mình. Mình cũng là con người, có cảm xúc, có vấn đề sức khỏe... Trong lĩnh vực này chắc chắn các bạn phải xử lý vấn đề tâm lý của mình. Tâm lý vững chắc, tâm lý khỏe thì mới xử lý được vấn đề,

Bước thứ hai về doanh nghiệp. Trong doanh nghiệp có 4 bước khác nhau: Việc đầu tiên là cách truyền thông điệp trong doanh nghiệp như thế nào Thông điệp trong doanh nghiệp có hay không là cực kỳ quan trọng, đừng để những người làm cho bạn không biết chuyện gì đang xảy ra. Điểm thứ hai là vấn đề tài chính. Tình hình tài chính hiện tại là như thế nào? với tình hình tài chính hiện tại chúng ta cần nguồn vốn ở đâu, giải quyết làm sao được vấn đề dòng tiền? Điểm thứ ba là nguồn nhân lực.  Phải đảm bảo chuyện kỳ vọng quản lý nguồn nhân lực cả trên lẫn dưới và kỳ vọng phải đúng. Thứ tư là về sản phẩm.Chúng ta phải nghĩ về giá bán như thế nào,  phân phối như thế nào. Nếu các bạn nghiên cứu về phân phối quốc tế trong năm vừa qua, trước là bán đa kênh, bán qua các nhà phân phối, giờ bán trực tiếp trên web, bán trực tiếp qua những nền tảng công nghệ lớn, dịch chuyển từ bán trực tiếp trên thực địa qua online rất nhiều. Vấn đề sản phẩm, vấn đề chuỗi cung ứng chúng ta phải  tự nhận diện"

Khi người doanh nhân thực sự là chuyên gia trong lĩnh vực họ thực hiện, và không ngừng học hỏi để không bị tụt lại phía sau, họ sẽ tìm được những thông tin cần thiết để dự báo hướng đi của thị trường sắp tới và có thể thay đổi chính trong doanh nghiệp của mình.

Ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP HCM, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị CEO công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận chia sẻ: "Đã là cơn bão thổi qua sẽ có những cây nhỏ bị ngã rạp. Những cây nhỏ muốn thành cổ thụ đều phải chịu mưa gió. Và chính mưa gió mới tạo nên cổ thụ. Chính vì vậy mà tôi nghĩ đối với những công ty nhỏ thì 3T có một nghĩa khác. Chữ T đầu tiên nghĩa là "Tỉnh táo". Lúc nãy phải tỉnh để xem đường sống nằm chỗ nào. T thứ hai là "tài năng", lúc này là câu chuyện của những người có năng lực, những câu chuyện rất quan trọng để đi tới. Con người, đội ngũ là tài sản quan trọng nhất. Cây có thể ngả nghiêng nhưng bộ rễ phải chắc thì sau đó nó mới có thể lớn lên được. Chữ T cuối cùng  là tính "Tái tạo", nghĩa là sẽ không thể đi theo con đường như cũ mà cần tái tạo chính mình. Áp dụng công nghệ cũng là một cách tái tạo, xem laik ngành mình kinh doanh cũng là một cách tái tạo, liên kết với đối thủ, liên kết với đối tác của mình cũng là một cách tái tạo, sắp xếp lại công ty”.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu