Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Dịch Covid-19 kéo dài dẫn đến thực trạng hàng loạt doanh nghiệp phá sản hoặc đối diện nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy. Theo Tổng cục thống kê trong 8 tháng đầu năm nay đã có hơn 80 ngàn doanh nghiệp Việt phá sản. Chính phủ đã đề cập đến chủ trương sống chung với dịch COVID-19, tuy nhiên đâu sẽ là giải pháp cụ thể để doanh nghiệp mở cửa song song với việc phòng chống dịch còn là những câu hỏi.
Trong những nỗ lực tìm kiếm giải pháp tự thân, Câu lạc bộ các Doanh nghiệp dẫn đầu của Việt Nam vừa tổ chức cuộc tọa đàm Hai giải pháp tái sản xuất hiệu quả với hai diễn giả: ông Phạm Phú Ngọc Trai – chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu GIBC, cựu chủ tịch Leading Business Club và ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty RYNAN Technologies, chủ tịch hiện tại của Câu lạc bộ.
Cuộc tọa đàm Hai giải pháp tái sản xuất hiệu quả do LBC tổ chức đưa ra những kiến nghị, giải pháp cụ thể để doanh nghiệp có thể thực sự "sống chung" cùng dịch covid 19. |
Với phần trình bày trả lời cho câu hỏi doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị gì để mở cửa sản xuất trở lại, chia sẻ về “phủ xanh chuỗi giá trị” và mô hình nhà nước và doanh nghiệp cùng làm “3 An, ông Phạm Phú Ngọc Trai – Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC) cho rằng, đây là giai đoạn khủng hoảng và các doanh nghiệp cần biết quản trị khủng hoảng đến mức độ nào, nên có đánh giá lại toàn bộ sức khỏe nội tại của mình để quản trị doanh nghiệp.
"Trong tư duy phòng chống dịch chúng ta đã chuyển qua một giai đoạn tương đối quan trọng. Nghĩa là tư duy phòng chống và tiêu diệt virus Sars Covi2 không còn nữa. Mặc dù nó không được khẳng định một cách tuyệt đối, nhưng xu hướng là người ta chấp nhận và sống chung với nó. Với tâm thế này, điều kiện như thế này thì sự chuẩn bị sẵn sàng của chúng ta về mặt chủ quan và khách quan là như thế nào để đảm bảo yêu cầu chúng ta phục hồi về sản xuất kinh doanh, để đóng góp vào vấn đề kinh tế nói chung của nhà nước." Ông Phạm Phú Ngọc Trai nói.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai cho biết, qua việc khảo sát ý kiến của nhiều doanh nghiệp, có 5 vấn đề lớn cần đề xuất giải quyết: Điều đầu tiên là cần có chiến lược vaccin, đề nghị cho doanh nghiệp chủ động trong đăng ký vaccin để tiêm cho người lao động của doanh nghiệp mình…. Thứ hai, quản lý y tế an toàn là của Nhà nước. Nhà nước ban hành quy trình, theo dõi kiểm tra và làm vấn đề về tuân thủ, nhưng việc quản trị, lo y tế cho doanh nghiệp để sản xuất an toàn là của doanh nghiệp. Thứ ba, việc quản lý lưu thông, cần hỗ trợ cho doanh nghiệp chủ động khai báo. Nếu việc quản lý lưu thông mà được thống nhất, được kích hợp tốt giữa Nhà nước với doanh nghiệp thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Trong đó, doanh nghiệp chủ động hơn trong vấn đề về quản trị của mình để phục hồi lại sản xuất kinh doanh. Thứ tư là về nguồn lao động. Rủi ro rất lớn trong phục hồi sản xuất kinh doanh nếu doanh nghiệp không kết nối lại được với nguồn lao động. Vì vậy, chủ trương chính sách về an sinh hỗ trợ người lao động của Nhà nước rất cần có sự tham gia của doanh nghiệp để cũng giải quyết vấn đề này. Thứ năm là về tài chính, thuế… doanh nghiệp rất cần Nhà nước hỗ trợ trong thời điểm khó khăn này.
Bài thuyết trình của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ là một nghiên cứu khoa học đưa ra những thông số cụ thể cho việc sắp xếp xét nghiệm covi một cách chính xác, hiệu quả, ngăn ngừa dịch bệnh mà thực sự giảm chi phí cho doanh nghiệp. |
Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu, ông Nguyễn Thanh Mỹ cho rằng tùy tính chất đặc thù, ngành nghề, thị trường của từng cụ thể mà doanh nghiệp sẽ có cách quản trị lại cho phù hợp, để ưu tiên vấn đề nào trước ưu tiên vấn đề nào trước để tập trung đầu tư, nhằm chuẩn bị “sống chung với dịch” trong thời gian tới.
Sau gần hai tháng thực hiện “3 tại chỗ”, để tái sản xuất lại trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Thanh Mỹ, doanh nghiệp cần sắp xếp lại, sàng lọc những việc không cần và người không cần. Bài học kinh nghiệm từ việc sản xuất trong điều kiện ba tại chỗ, cũng sẽ giúp đắc lực, tối ưu hóa cho việc tổ chức lại sản xuất hiệu quả trong tương lai.
Từ kinh nghiệm hoạt động của công ty mình, ông Nguyễn Thanh Mỹ cho biết, để có thể tái kích hoạt sản xuất để chuẩn bị “sống chung với dịch”, vấn đề xét nghiệm vaccine rất cần được doanh nghiệp cũng như chính quyền quan tâm với những giải pháp hợp lý. Phí xét nghiệm cho người lao động hiện đang là chi phí rất lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Chia sẻ những nghiên cứu khoa học về phương thức xét nghiệm tại doanh nghiệp để sống cùng đại dịch, Chủ tịch LBC Nguyễn Thanh Mỹ đưa ra giải pháp giảm chi phí đúng cách, kiểm soát được chặt chẽ tình trạng sức khỏe của người lao động, bằng biểu đồ chi tiết công thức CNOK (C là chính xác, N là nhanh chóng, O là ổn định tâm lý người lao động và K là kinh tế), dựa trên thống kê toán học có độ tin tưởng cao.
"Công ty RYNAN Technologies hiện có 350 nhân viên đang thực hiện "3 tại chỗ". Mỗi lần xét nghiệm mất hơn nửa ngày, tốn 60 triệu đồng/lần. Mỗi tháng tốn ít nhất 5-6 tỷ đồng cho việc làm đó. Có cách nào làm để tiết kiệm hơn mà mình có thể thực hiện được không phải dừng sản xuất hay không? Có. Ví dụ mình có doanh nghiệp, chia nhân viên thành những phân tổ, (lấy tổng số nhân viên chia cho 28 sẽ ra số phân tổ) Tại sao 28? Vì 28 là ha chu kỳ ủ bệnh của virus covid. Mỗi ngày chỉ xét nghiệm 1 người đại diện của phân tổ đó. xét nghiệm hàng ngày. Vì một người trong nhóm nhiễm covid thì trong vòng 1 ngày tất cả nhiễm hết. Tất cả nhóm có khoảng cách làm việc dưới 3m sẽ được xét nghiệm hàng ngày, và xác suất có thể phát hiện ra là 90%.
Dùng mẫu gộp cũng vậy. Nếu dùng mẫu gộp một 28 ngày/lần thì xác suất là 85.4%. Còn nếu chu kỳ 14 ngày thì xác suất rất cao và chi phí chấp nhận được. Đây là giải pháp giúp doanh nghiệp đang hoạt động theo phương án "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 điểm đến" phát hiện nhanh người bị nhiễm COVID-19 với độ chính xác tương đối cao mà cũng không phải dừng sản xuất để thực hiện." - Ông Nguyễn Ngọc Mỹ chia sẻ.
Leading Business Club (LBC) là Câu lạc bộ các Doanh nghiệp dẫn đầu của Việt Nam, tập hợp các doanh nghiệp đứng đầu các ngành sản xuất và dịch vụ trên cả nước được chính thức thành lập từ 23/2/2008. Đây là một tổ chức được hình thành từ hạt nhân là chương trình xúc tiến Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao hoạt động tại Việt Nam từ 1997.