Bức tranh kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long khi dịch COVID-19 được kiểm soát

Chia sẻ
(VOV5) - Triển vọng xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam cuối năm 2021 được dự báo sẽ có nhiều thuận lợi và tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Bức tranh kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long khi dịch COVID-19 được kiểm soát  - ảnh 1Hội thảo trực tuyến “Bức tranh kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long: Dự báo kinh tế quý IV và triển vọng năm 2022” - Ảnh: VOV

“Bức tranh kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long: Dự báo kinh tế quý IV và triển vọng năm 2022” là chủ đề của Hội thảo trực tuyến ngày 01/10 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ phối hợp cùng Cơ quan Thường trú Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) tại Đồng bằng sông Cửu Long và Trung tâm Trọng Tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết sau một thời gian dài chống dịch COVID-19, nhiều tỉnh thành trong vùng ĐBSCL từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động quay trở lại làm việc. Bên cạnh đó, sự phục hồi kinh tế của các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu tại các nước này tăng cao. Do đó, triển vọng xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam cuối năm 2021 được dự báo sẽ có nhiều thuận lợi và tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Theo ông Võ Tân Thành: "Thời điểm mở cửa lại là thời điểm doanh nghiệp phải thực sự tăng tốc trong trạng thái vô cùng yếu ớt sau một thời gian dài “ngủ đông”, với muôn vàn khó khăn. Trong bối cảnh “bình thường mới bên cạnh vai trò đồng hành và tiếp sức của Chính phủ, chính quyền các cấp, thì những nổ lực, sáng kiến, giải pháp thích ứng và hướng đi phù hợp của doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định sự sống còn".

Khẳng định VOV luôn là đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ tin tưởng: "Chúng ta có thị trường trong nước gần trăm triệu dân, chúng ta có mối bang giao kinh tế ngày càng rộng mở, được quốc tế tin cậy, với nhiều hiệp ước kinh tế, thương mại, đầu tư đa phương thế hệ mới đã và sẽ tiếp tục có hiệu lực. Và quan trọng là chúng ta có một cộng đồng doanh nghiệp đầy khát vọng vươn lên. Những nền tảng này và bằng những việc làm cụ thể vừa qua của toàn hệ thống chính trị, chúng ta có niềm tin sâu sắc rằng, cộng đồng doanh nghiệp chúng ta với nhiều thành phần khác nhau nhất định sẽ cùng vượt qua khó khăn, tiếp tục xây dựng nên một Việt Nam giàu mạnh".

Tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia kinh tế nêu những khó khăn, thách thức đặt ra trong bối cảnh hiện nay khi phục hồi kinh tế, vấn đề chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, các địa phương để phục hồi sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn tới, cùng với đó là những thách thức, triển vọng kinh tế của Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long khi bước vào giai đoạn sản xuất trong trạng thái bình thường mới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu