Việt Nam đủ nội lực để bứt phá ổn định kinh tế sau đại dịch Covid-19

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại, các khu công nghiệp Việt Nam vẫn thu hút đáng kể vốn đầu tư nước ngoài.

Việt Nam đang khống chế thành công đợt dịch bệnh COVD-19 lần thứ tư có mức độ phức tạp gây nhiều hệ lụy hơn so với ba đợt dịch bệnh trước đó. Sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, với phương châm hành động “dựa vào dân, phát huy sức mạnh nhân dân”, đã nhân nên niềm tin, tạo ra sức mạnh đồng bộ, thích ứng và làm giảm dần tác hại của dịch bệnh, đưa “con thuyền” phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam dần trở lại quỹ đạo bình thường. 

Việt Nam đủ nội lực để bứt phá ổn định kinh tế sau đại dịch Covid-19 - ảnh 1Xét nghiệm COVID-19 diện rộng để truy vết, khoanh vùng F0 ở Việt Nam. Ảnh: VOV

Đại dịch COVID-19 với sự xuất hiện của biến thể Delta gây những tổn thương sâu sắc, có thời điểm đã xuất hiện nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung trong nhiều mảng sản xuất, làm hạn chế cơ hội bứt phá và ngăn cản đà tăng trưởng của Việt Nam.Tuy phải đối mặt với những bất lợi nhưng đến nay có thể thấy rằng nội lực và các điều kiện phát triển của Việt Nam vẫn được giữ nguyên và Việt Nam sẽ nhanh chóng ổn định về kinh tế khi có giải pháp phù hợp để  thích ứng với đại dịch.

Dư luận quốc tế những ngày này chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 không thể đánh bại Việt Nam do Việt Nam có nội lực mạnh với một cộng đồng dân cư đông, gần 100 triệu dân đầy sức sống, năng động. Những yếu tố cơ bản giúp nền kinh tế Việt Nam có thể đối phó với những thách thức của đại dịch hiện nay chính là Việt Nam có dân số trẻ và nền tảng sản xuất vững chắc. 

Việt Nam đủ nội lực để bứt phá ổn định kinh tế sau đại dịch Covid-19 - ảnh 2Tinh thần "tương thân tương ái" được phát huy trong những ngày cả nước căng mình chống dịch. Ảnh: Báo Nhân dân

Warrick Cleine, Giám đốc điều hành KPMG tại Việt Nam chỉ ra rằng: “Mọi người đều trẻ và kiếm được việc làm trong một lực lượng lao động cực kỳ hiệu quả”. Michael Kolakari, nhà kinh tế trưởng của công ty đầu tư VinaCapital, cho rằng năng lực sản xuất của Việt Nam không phải đối mặt với bất kỳ mối đe dọa nào từ các nước láng giềng Đông Nam Á. Lực lượng lao động Việt Nam cũng được đánh giá tương đối tốt so với nhiều đối thủ cạnh tranh ở khu vực Đông Nam Á, trở thành trung tâm chế tạo hấp dẫn các công ty đa quốc gia. Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, có thu nhập ngày càng tăng giúp thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Chi tiêu cho hạ tầng trong nước tăng nhanh và các công ty nước ngoài tiếp tục đầu tư mạnh vào Việt Nam.

Đại dịch COVID-19 đã mở ra cơ hội mới cho nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ số, cho thấy những tiềm năng đổi mới mạnh mẽ gắn với công nghệ số, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam. Theo công ty khảo sát và tư vấn công nghệ Technavio, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm là 19%, tương đương khoảng 6,16 tỷ đô la trong khoảng thời gian từ 2020-2024.Trang Digitimes thì chỉ ra rằng, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng sẽ tăng trưởng vượt bậc trong 5 năm tới theo như mục tiêu Đại hội Đảng XIII đặt ra: “Kỹ thuật số sẽ tạo ra 30% tổng sản phẩm quốc nội so với 8% như hiện nay”. Trong đại dịch, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam phát triển nhanh nhất trong khu vực. Các ngân hàng Việt Nam chào đón những công ty công nghệ tài chính (fintech) mới nổi, chuyển đổi công tác quản lý dữ liệu từ hồ sơ giấy tờ sang “điện toán đám mây”. Xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam tăng 30,7% và máy tính cá nhân tăng 18,2% trong 4 tháng đầu năm. Việt Nam được đánh giá có tầm nhìn cho bước chuyển xa hơn từ lĩnh vực sản xuất công nghệ thấp sang các lĩnh vực của nền kinh tế mới có giá trị tăng cao và công nghệ cao, công nghiệp 4.0 và chuyển đổi kỹ thuật số.

Điều rất quan trọng các Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tư do Việt Anh đã giúp Việt Nam thúc đẩy thương mại trong bối cảnh đại dịch. Sau một năm thực hiện hiệp định EVFTA, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và EU đã tăng trưởng tích cực, trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu giữa hai bên đạt 27,67 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2020 (khi hiệp định chưa có hiệu lực).

Theo tổ chức Economist Intelligence Unit, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc và Ấn Độ trong một số khía cạnh thương mại như chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiểm soát ngoại thương và hối đoái. Việt Nam cũng đề ra các chính sách nhằm duy trì lợi thế chi phí sản xuất thấp. Việc Mỹ và Việt Nam đạt được thảo thuận về chính sách tỷ giá đã giúp hai nước loại bỏ “cái gai” tiềm ẩn gây bất đồng trong quan hệ song phương, giúp Việt Nam có cơ hội trở lại đà tăng trưởng cao nhờ xuất khẩu, giúp Việt Nam duy trì được tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế và tiếp tục trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Theo Fitch Solution, kể cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại, các khu công nghiệp Việt Nam vẫn thu hút đáng kể vốn đầu tư nước ngoài. Bất chấp những rủi ro ngắn hạn, về trung hạn, nền kinh tế Việt Nam được dự báo vẫn sẽ tăng trưởng nhanh chóng nhờ những “luồng gió” thuận lợi được tạo thành từ hàng loạt động lực tăng trưởng tích cực, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tổng GDP và thu nhập bình quân đầu người của mỗi người dân.

Đại dịch COVID-19 gây ra cho Việt Nam nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, hành động quyết liệt của Chính phủ và hệ thống chính trị, khủng hoảng dường như cũng là cơ hội làm bùng lên sức mạnh dân tộc, thu hút sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân đối với những cải cách đột phá về kinh tế của Chính phủ. Do đó, có niềm tin để cho rằng những giải pháp đúng đắn của chính phủ về thích ứng, sống chung với đại dịch COVID-19 sẽ giúp Việt Nam có những bứt phá mạnh mẽ để phát triển kinh tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu