Tại đây, các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình thị trường thế giới, xu hướng tiêu thụ, chuyển dịch sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 cũng như sự phát triển của ngành trong những năm qua, chiến lược phát triển của ngành dệt may Việt Nam trong giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn tới năm 2030.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam đón nhận Cờ thi đua của Bộ Công Thương trao tặng. - Ảnh: Vũ Dung/ Báo Quân đội nhân dân |
Với những dự báo, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiệm kỳ 2020-2025, Hiệp hội Dệt May Việt Nam sẽ tập trung làm tốt hơn vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp hội viên nhằm trao đổi kinh nghiệm, thông tin, mua bán sản phẩm của nhau, hình thành chuỗi cung ứng dệt may đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, cho biết: “Để đưa đến sự thành công, bền vững của ngành dệt may thì cơ chế, chính sách phải thực sự tạo thông thoáng, để làm sao đó một ngành công nghiệp dệt may phải là ngành có đóng góp cho nền kinh tế ổn định, đặc biệt giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho xã hội. Tôi cho rằng, đó là điều kiện cần và đủ, đó cũng là mục tiêu của Đại hội để cho các doanh nghiệp có được một giải pháp phát triển bền vững, chương trình xanh hóa, liên kết chuỗi và phát triển bền vững. Đến năm 2021, chúng tôi đặt ra rằng ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu khoảng 38 đến 39 tỷ USD.”
Năm 2020, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt khoảng 35 tỷ USD giảm 9,3% so với năm 2019.