Thúc đẩy chuỗi sản xuất khép kín: Dệt may Việt Nam tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA

Bá Toàn
Chia sẻ
(VOV5) - Hiệp định EVFTA có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu cho ngành dệt may.

Đến nay đã hơn 1 tháng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu – EU (EVFTA) có hiệu lực. Hiệp định đang tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may. Để được hưởng những ưu đãi từ Hiệp định, ngành dệt may Việt Nam đã và đang nỗ lực hoàn thiện, vượt qua nhiều thách thức, trong đó có thách thức lớn nhất là quy tắc xuất xứ.

Thúc đẩy chuỗi sản xuất khép kín: Dệt may Việt Nam tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA - ảnh 1

Ảnh minh họa: Dệt may Việt Nam hình thành chuỗi khép kín, tận dụng cơ hội Hiệp định EVFTA - Ảnh: VOV

Nghe âm thanh chương trình tại đây:

Với Hiệp định EVFTA, 100% các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau tối đa 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. EU sẽ xóa bỏ thuế quan hơn 77% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sau 5 năm và 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm. Hiệp định EVFTA có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu cho ngành dệt may, đặc biệt trong bối cảnh ngành dệt may đã chịu tác động của dịch bệnh Covid 19. Cùng với lợi ích về xóa bỏ thuế quan, EVFTA với quy tắc xuất xứ yêu cầu “từ vải” kết hợp với yêu cầu “từ sợi trở đi” của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ thúc đẩy việc hình thành chuỗi sản xuất khép kín, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành dệt may Việt Nam. Tuy vậy, việc thực hiện EVFTA cũng như các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác đặt ra những thách thức đối với Việt Nam.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho biết: Tổng Công ty May 10 tính toán đến chiến lược phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước, giúp doanh nghiệp tối đa hóa lợi ích của EVFTA cùng nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác.

Thúc đẩy chuỗi sản xuất khép kín: Dệt may Việt Nam tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA - ảnh 2

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 - Ảnh: baodautu.vn

"Với Tổng công ty 10 chúng tôi, thì trong các chủng loại sản phẩm của May 10 đang xuất khẩu vào châu Âu, thì cũng có những chủng loại sản phẩm có được hưởng về thuế bằng không ngay. Chúng tôi có thể sử dụng chuỗi cung ứng dệt may để có thể đáp ứng được tiêu chuẩn xuất xứ từ vải nhưng cũng có những sản phẩm mà chúng tôi vẫn chưa thể mua được trong nước, do một số doanh nghiệp dệt trong nước chưa tăng được năng suất cũng chưa làm ra những chủng loại vải mà chúng tôi cần. Tuy nhiên, tôi đánh giá đây chỉ là những khó khăn trong ngắn hạn, Hiệp định EVFTA sẽ có những lợi ích rất lớn. Chúng tôi đánh giá, quan trọng nhất là các doanh nghiệp dệt và các doanh nghiệp may Việt Nam sẽ thành lập chuỗi cung ứng như thế nào và đầu tư vào những chủng loại sản phẩm nào để mà có thể đáp ứng được các nhu cầu của các doanh nghiệp may" - ông Việt nói.

So với các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia, quy tắc xuất xứ trong EVFTA có nhiều điểm mới và phức tạp hơn, cả về cách diễn đạt tiêu chí và các quy định kèm theo. Cụ thể với ngành dệt may của Việt Nam, để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo EVFTA thì yêu cầu vải phải được dệt tại Việt Nam hoặc EU và cắt may tại Việt Nam. Ngoài ra, trong EVFTA, nguyên tắc cộng gộp cho phép doanh nghiệp Việt Nam sử dụng vải của Hàn Quốc hoặc một nước thứ ba mà hai bên cùng ký hiệp định thương mại tự do như Nhật Bản.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn dệt may Việt Nam, cho rằng: "Nếu nhanh chóng có thỏa thuận của Việt Nam với Hàn Quốc và Nhật Bản về quy tắc xuất xứ, để đảm bảo cộng gộp được hưởng EVFTA, thì chúng ta ngoài 20% tự chủ nguyên liệu trong nước, bây giờ có thêm 25% của Hàn Quốc và Nhật Bản cộng gộp thì gần như chúng ta đã có tới 45% đáp ứng được yêu cầu. Cho nên rất quan trọng, việc thỏa thuận của Bộ Công Thương đối với Hàn Quốc rồi sau đó là Nhật Bản và thông báo chính thức cho EU là chúng ta được quyền áp dụng. Hiệp định có hiệu lực từ mùng 1 tháng 8, nhưng hiện nay việc này chưa sử dụng được. Đây gần như là tăng gấp đôi cơ hội của chúng ta để có thể hưởng được giảm thuế. Nếu tận dụng như vậy, chúng tôi cũng sẽ hướng vào những mặt hàng mà có khả năng được giảm thuế về 0 ngay".

Để được hưởng những ưu đãi từ EVFTA, nhiều năm nay, các doanh nghiệp dệt may đã tính toán đến chiến lược phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước, giúp doanh nghiệp tối đa hóa lợi ích, không chỉ trong EVFTA mà còn trong nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác. Đồng thời, giảm thiểu rủi ro khi tập trung vào nguyên phụ liệu từ một vài thị trường. Cùng với đó, Việt Nam đã chú trọng cải cách hành chính nhằm tháo gỡ những thủ tục về xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp, đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng những điều kiện về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ phù hợp với chuẩn mực quốc tế và các tiêu chuẩn, quy trình quản lý do Liên minh châu Âu quy định.

Hiệp định EVFTA đang được các doanh nghiệp dệt may Việt Nam kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích dài hạn trong việc gia tăng thị phần xuất khẩu vào thị trường EU. Cùng với đó, Hiệp định sẽ thúc đẩy việc hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ thượng nguồn đến cắt may thành phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành dệt may Việt Nam và giảm dần phụ thuộc việc nhập khẩu nguyên phụ liệu bên ngoài.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu