Chuyên gia New Zealand: Việt Nam là một trung tâm thương mại và đổi mới của châu Á - Thái Bình Dương

Chia sẻ
(VOV5) - Nhận lời mời của Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân có chuyến thăm chính thức New Zealand từ ngày 9-11/3.

 Theo bà Suz Jessep, Giám đốc điều hành của Quỹ châu Á-New Zealand, chuyến thăm là cơ hội để cả New Zealand và Việt Nam tăng cường hơn nữa mối quan hệ ở mức cao nhất và trao đổi quan điểm về một loạt vấn đề quan trọng đối với cả hai nước.

Chuyên gia New Zealand: Việt Nam là một trung tâm thương mại và đổi mới của châu Á - Thái Bình Dương - ảnh 1Bên lề Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Thiên Tân (Trung Quốc), sáng 27/6/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Bà Suz Jessep đánh giá sau gần 5 thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao (1975), New Zealand và Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ toàn diện trên các lĩnh vực như quốc phòng và an ninh, thể thao, khoa học, nghệ thuật, giao lưu nhân dân và nhiều lĩnh vực khác. Bà Suz Jessep nhận định Việt Nam hiện nay đã vươn lên trở thành một trung tâm thương mại và đổi mới của khu vực và New Zealand có thể học hỏi rất nhiều từ kinh của Việt Nam, qua đó cùng nhau hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu và giải quyết những thách thức xuyên biên giới.

Nhận định về triển vọng của mối quan hệ New Zealand-Việt Nam trong thời gian tới, bà Suz Jessep cho rằng 2 nước có tiềm năng lớn để phát triển quan hệ hợp tác trên hầu hết các lĩnh vực. Bà Suz Jessep cho biết tháng 4 tới Quỹ châu Á-New Zealand sẽ đưa một nhóm lãnh đạo trẻ New Zealand đến Việt Nam để tìm hiểu về đất nước, nền kinh tế, lịch sử và xây dựng mối quan hệ với các lãnh đạo trẻ Việt Nam. Vào tháng 5, Quỹ sẽ dẫn đầu một phái đoàn gồm các nhà quản lý trong lĩnh vực nghệ thuật đến Việt Nam để tìm hiểu về nền nghệ thuật đang phát triển của Việt Nam cũng như kết nối với những người làm nghệ thuật của Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu