Quốc tế đánh giá khả quan tình hình kinh tế Việt Nam 2024

Hà Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam ghi nhận tín hiệu tích cực ở nhiều chỉ số phát triển kinh tế trong tháng đầu tiên của năm 2024.

Căn cứ trên đà phục hồi đã rõ nét của kinh tế Việt Nam, cùng những tín hiệu tích cực ngay từ tháng đầu năm 2024, nhiều tổ chức quốc tế cũng như chuyên gia nhận định Việt Nam vẫn là một điểm sáng kinh tế và năm 2024 hoàn toàn có thể là năm bứt phá của kinh tế Việt Nam.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức, tăng trưởng GDP của Việt Nam dù không đạt mục tiêu trong năm 2023, nhưng cũng là mức tăng ấn tượng và từ quý IV/2023, đà phục hồi kinh tế Việt Nam đã ngày càng rõ nét.

Lạc quan với chỉ số tăng trưởng GDP của Việt Nam

Các tổ chức tài chính, kinh tế toàn cầu mới đây đều đồng loạt đưa ra nhận định lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024.

Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 6,7% trong năm nay. Theo Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố tháng 1/2024, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 ở mức 6%. Ngân hàng UOB cũng đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 6% trong năm nay. Xuất khẩu, thu hút FDI sẽ là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam, đồng thời khẳng định Việt Nam đang ở vị thế tốt để tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Trong khi đó, trang Bloomberg (Mỹ) đã thực hiện một cuộc khảo sát và cho kết quả nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng 6,3% trong quý I/2024 và 6,5% trong quý II/2024. Tăng trưởng GDP được dự báo ở mức 6% trong năm 2024 và 6,4% trong năm 2025. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, GDP năm 2024 của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 5,8%, đứng thứ hai trong khu vực.

Tín hiệu tích cực

Theo số liệu công bố cuối tháng 1 của Tổng cục Thống kê, Việt Nam ghi nhận tín hiệu tích cực ở nhiều chỉ số phát triển kinh tế trong tháng đầu tiên của năm 2024, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó vốn đăng ký mới tăng mạnh với 190 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Số dự án tăng, đặc biệt là dự án quy mô lớn (hơn 600 triệu USD) là một trong những nhân tố chính thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Đồng thời, vốn giải ngân cũng rất khả quan, đạt mức 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quốc tế đánh giá khả quan tình hình kinh tế Việt Nam 2024 - ảnh 1Ông Budiarsa Sastrawinata, Chủ tịch Tập đoàn Ciputra - Ảnh: TTXVN

Đánh giá về cơ hội đầu tư tại Việt Nam, ông Budiarsa Sastrawinata, Chủ tịch Tập đoàn Ciputra, cho rằng: "Hiện Việt Nam có nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư. Việt Nam có dân số khá lớn trong ASEAN. Việt Nam cũng có  nền kinh tế phát triển ổn định đặc biệt trong thời gian gần đây trở thành những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong ASEAN. Đó là những điều kiện mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng mong muốn.  Hiện Ciputra cũng đã xem xét các dự án hợp tác đầu tư mới tại Việt Nam".

Kinh tế vĩ mô giữ ổn định, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hiệu quả, nông nghiệp tiếp tục là “bệ đỡ” của nền kinh tế. Khối ngành dịch vụ đang từng bước phục hồi với điểm sáng là hoạt động du lịch. Ngoài ra, hoạt động công nghiệp dần phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp đã có xu hướng tăng trở lại. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đây là những yếu tố mà các tổ chức tài chính, kinh tế toàn cầu, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài nhận định khả quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay và thời gian tới.

Quốc tế đánh giá khả quan tình hình kinh tế Việt Nam 2024 - ảnh 2Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn - Ảnh: Lê Dương/TTXVN

Tổng thư ký  ASEAN Kao Kim Hourn cho rằng: "Việt Nam đang tận dụng tất cả các lợi thế của tình hình hiện nay và các bạn có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Yếu tố ổn định là rất quan trọng đối với các nhà đầu tư, Việt Nam có điều này và đây là một lợi thế. Việt Nam cũng có bộ máy lãnh đạo hiệu quả. Với những điều kiện này, tôi thấy Việt Nam đang tận dụng các lợi thế của mình để không chỉ thu hút đầu tư nước ngoài mà còn thúc đẩy thị trường xuất khẩu. Việt Nam có nhiều thị trường xuất khẩu tiềm năng như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu… và khối lượng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường bên ngoài cũng rất lớn".

Việt Nam còn được đánh giá là một thị trường tiềm năng cho các lĩnh vực hợp tác mới, như: chuyển đổi năng lượng, lưu trữ carbon, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh…

Vượt qua những khó khăn thách thức của kinh tế quốc tế và trong nước, kinh tế Việt Nam đã thể hiện khá rõ đà phục hồi tăng trưởng. Năm 2024 và những năm tới, bên cạnh cơ hội còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam tiếp tục tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; chủ động phân tích, dự báo để có kịch bản ứng phó phù hợp. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng tốt hơn các FTA đã ký kết và các quan hệ đối tác chiến lược được nâng cấp gần đây, thúc đẩy giải ngân đầu tư công hiệu quả. Cùng với đó, khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới liên quan đến phát triển kinh tế số, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng; tăng năng suất lao động, đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh… Đây là nền tảng quan trọng cho kinh tế Việt Nam bứt tốc năm 2024 và những năm tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu