Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới 3 nước Châu Âu là Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến thăm diễn ra từ 5-9/5, là chuyến thăm phương Tây lần đầu tiên của ông Tập Cận Bình sau 5 năm kể từ chuyến thăm năm 2019. Chuyến thăm nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn giữa hai bên, nhấn mạnh thông điệp của Bắc Kinh về chung sống hòa bình và hợp tác, cùng có lợi.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc hội đàm ở Paris, Pháp. Ảnh: THX/TTXVN |
Việc phát triển quan hệ Bắc Kinh - Paris và Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU) là chủ đề chính trong các cuộc thảo luận nhân chuyến công du này của nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong bối cảnh nhiều vấn đề lớn của khu vực và quốc tế đòi hỏi tăng cường hợp tác đa phương.
Củng cố, tăng cường hợp tác cùng có lợi
Pháp là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Âu lần này của ông Tập Cận Bình. Trong những năm gần đây, Trung Quốc và Pháp không ngừng mở rộng quan hệ thương mại, giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân. Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đã tăng mạnh, gấp 800 lần, đạt hơn 78 tỷ USD. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Pháp ở châu Á, trong khi Pháp là đối tác thương mại lớn thứ ba, cũng là nguồn xuất khẩu lớn thứ ba của Trung Quốc trong Liên minh châu Âu.
Trong khi đó, đầu tư của Trung Quốc vào Serbia đã vượt xa các nước lớn ở châu Âu như Đức và Pháp. Hiện Trung Quốc đã vươn lên trở thành nhà đầu tư chính và lớn nhất của Serbia. Còn với Hungary, quốc gia này hiện là điểm đến chính ở châu Âu cho đầu tư của Trung Quốc vào pin xe điện.
Do vậy, chuyến công du châu Âu của ông Tập Cận Bình lần đầu tiên sau 5 năm, nhằm tìm cách xây dựng lại quan hệ vào thời điểm căng thẳng toàn cầu và quan hệ thương mại EU-Trung Quốc vướng nhiều trở ngại.
Cuộc họp ba bên giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch EC Ursula von der Leyentại Cung điện Elysee ở Paris vào ngày 6/5/2024. Nguồn: Reuters |
Tại cuộc gặp 3 bên với Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Paris hôm 6/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc coi Liên minh châu Âu (EU) như một khía cạnh quan trọng trong chính sách ngoại giao và là đối tác quan trọng trong lộ trình hiện đại hóa đất nước. Về phần mình, Tổng thống Pháp Macron và Chủ tịch EC von der Leyen kêu gọi Trung Quốc đảm bảo thương mại cân bằng hơn. Lời kêu gọi đưa ra trong bối cảnh EU đã và đang tiến hành các cuộc điều tra đối với tuốc bin gió và thiết bị y tế, xe điện của Trung Quốc.
Cuộc gặp 3 bên giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Macron và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen được giới quan sát đánh giá là thẳng thắn khi các bên đều không ngần ngại bày tỏ rõ quan điểm của mình.
Tạo động lực mới cho quan hệ hai bên
Chuyến thăm đến 3 quốc gia ở Châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc mong muốn ổn định mối quan hệ song phương với EU. Ông Tập cũng đang nỗ lực tránh một cuộc chiến thương mại với EU và làm giảm những cáo buộc chỉ trích của châu Âu đối với Trung Quốc về thương mại cũng như về một số vấn đề khác. Bên cạnh đó, Serbia và Hungary đều là thành viên của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Chuyển thăm của Chủ tịch Trung Quốc góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường sắt cao tốc trong khuôn khổ Sáng kiến này. Riêng với Serbia, chuyến thăm cũng là cơ hội củng cố vị thế là đối tác chính của Trung Quốc ở khu vực Tây Balkan.
Chuyến thăm châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tạo thêm động lực hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực mà cả hai bên chia sẻ lợi ích và tiềm năng. Điều này không chỉ giúp củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - EU mà còn có ý nghĩa trên phạm vi toàn cầu khi Trung Quốc và EU đều đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức của thế giới. Trong bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu thay đổi nhanh chóng, quan hệ Trung Quốc - Liên minh châu Âu liên quan đến sự phát triển trong tương lai của cả hai bên, có tác động quan trọng đến quản trị toàn cầu và chủ nghĩa đa phương. Sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung Quốc - Liên minh châu Âu sẽ mang lại lợi ích cho cả hai. Bởi vậy, chuyến thăm châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc lần này truyền đi thông điệp của Bắc Kinh về chung sống hòa bình, hợp tác và cùng có lợi.