Các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) có cuộc họp Thượng đỉnh hôm 7/12 tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Cuộc họp giúp hai bên trao đổi thẳng thắn về những vướng mắc trong quan hệ song phương, xác lập được một số nhận thức chung, qua đó ổn định quan hệ, thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực mang lại lợi ích cho tất cả các bên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) trong cuộc gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Bắc Kinh ngày 7/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN |
Cuộc họp Thượng đỉnh Trung Quốc – EU hôm 7/12 tại Bắc Kinh là cuộc họp Thượng đỉnh lần thứ 24 giữa hai bên. Đại diện cho EU họp Thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường là những quan chức cấp cao nhất của khối này, bao gồm: Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen và Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh, Josep Borrell. Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên sau 4 năm giữa các lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và EU, sau một thời gian bị gián đoạn vì đại dịch Covid-19 cũng như việc phát sinh một số vướng mắc trong quan hệ song phương.
Cân bằng quan hệ thương mại
Thương mại trở thành chủ đề thảo luận ưu tiên hàng đầu tại Thượng đỉnh Trung Quốc-EU lần này. Theo Chủ tịch EC, Ursula von der Leyen, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của EU, trao đổi thương mại hai bên là hơn 2 tỷ euro (2,15 tỷ USD) mỗi ngày nhưng thâm hụt thương mại của EU với Trung Quốc trong 2 năm qua vẫn cao. Số liệu được Hải quan Trung Quốc công bố hôm 7/12 cho thấy trong 11 tháng năm nay, Trung Quốc xuất khẩu hơn 458 tỷ USD hàng hóa vào EU và nhập trở lại trên 257 tỷ USD. Theo bà Ursula von der Leyen, thực tế này cần thay đổi và việc đầu tiên để thực hiện điều đó là EU và Trung Quốc cùng đối thoại thẳng thắn về các bất đồng:“Chúng tôi nhất trí rằng hiện tại chúng tôi đang có một danh sách những yếu tố khác biệt mà chúng tôi muốn thảo luận sâu rộng cùng nhau ở cấp độ cao nhất. Đây là điều rất quan trọng và châu Âu sẽ tìm kiếm những kết quả cụ thể trên thực địa”.
Quang cảnh cuộc gặp giữ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Chủ tịch Hội đồng Châu Âu và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu. Ảnh: THX/TTXVN |
Để cân bằng quan hệ thương mại song phương, các quan chức cấp cao EU mong muốn Trung Quốc mở cửa hơn nữa thị trường nội địa nước này cho các sản phẩm hàng hóa của châu Âu, như: thiết bị y tế, đồ uống có cồn, sữa dinh dưỡng trẻ em, mỹ phẩm... Về phía Trung Quốc, Thủ tướng Lý Cường khẳng định Trung Quốc không tạo rào cản đối với các công ty châu Âu và cho rằng hai bên cần nhìn nhận khách quan, sâu rộng hơn về nguyên nhân cốt lõi dẫn đến mất cân bằng thương mại song phương, trong đó có sự sụt giảm nhu cầu tại Trung Quốc do bối cảnh kinh tế phức tạp cũng như việc gia tăng năng suất lao động tại nước này. Thủ tướng Trung Quốc cũng cho rằng châu Âu cần hành xử thận trọng, tránh việc “chính trị hóa và an ninh hóa” các vấn đề thương mại thuần túy.
Về một số chủ đề kinh tế khác, lãnh đạo EU và Trung Quốc đã thẳng thắn trao đổi về chiến lược tự chủ kinh tế của mỗi bên, với Trung Quốc là chính sách “lưu thông kép” còn với EU là chiến lược “giảm rủi ro” về chuỗi cung ứng. Theo bà Ursula von der Leyen, hai bên có các tính toán chiến lược tương tự nhau và đối thoại rõ ràng làm giảm nguy cơ “tách rời” về kinh tế, kịch bản mà Chủ tịch EC khẳng định EU không hề mong muốn.
Ổn định quan hệ vì lợi ích chung
Trong bối cảnh thảo luận về quan hệ kinh tế diễn ra thẳng thắn nhưng chưa tạo đột phá, các lãnh đạo EU và Trung Quốc cố gắng thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác khác mà hai bên có mối quan tâm chung và đạt được một số tiến bộ nhất định. Cụ thể, Trung Quốc và EU nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong việc giám sát các quy định và hạn chế liên quan đến việc lưu chuyển dữ liệu xuyên biên giới, qua đó giúp các công ty châu Âu hoạt động thuận lợi hơn tại thị trường Trung Quốc. Hai bên cũng tái khẳng định các cam kết cùng hành động ứng phó với các thách thức toàn cầu, như: biến đổi khí hậu, giám sát trí tuệ nhân tạo (AI) hay giải quyết một số xung đột lớn trên thế giới.
Theo Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, cả Trung Quốc lẫn EU đều là các lực lượng lớn thúc đẩy chủ nghĩa đa phương toàn cầu, cùng ủng hộ sự đa dạng văn hóa, do đó hai bên cần xử lý quan hệ song phương một cách đúng đắn để đem lại lợi ích cho tất cả các bên:“Chúng ta cần có quan điểm đúng đắn về mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Trung Quốc và EU nên là những đối tác hợp tác cùng có lợi, thường xuyên thúc đẩy tin cậy chính trị, xây dựng đồng thuận chiến lược, củng cố các quan hệ lợi ích, tăng cường đối thoại và hợp tác, vì lợi ích của nhân dân hai bên và cùng ứng phó với các thách thức toàn cầu”.
Chia sẻ quan điểm đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel khẳng định dù hai bên còn nhiều khác biệt, cả Trung Quốc lẫn EU đều gánh vác các trách nhiệm lớn với thế giới, chia sẻ nhiều lợi ích trong việc duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới và thúc đẩy các cải cách đối với nền quản trị toàn cầu:“Chúng tôi đã đạt được tiến bộ trong các lĩnh vực có lợi ích chung và châu Âu sẽ tiếp tục giao thiệp với Trung Quốc trên các cơ sở minh bạch, có thể dự đoán, có đi có lại. Hiện tại cần phải đẩy mạnh các tiến bộ đó để mối quan hệ EU-Trung Quốc cân bằng hơn, cùng có lợi hơn, để hai bên có thể cùng hành động ứng phó với những thách thức to lớn nhất của thế giới”.
Theo giới quan sát, dù không đưa ra các cam kết hay thỏa thuận cụ thể nhưng Thượng đỉnh Trung Quốc-EU đạt kết quả tích cực. Chuyên gia Noah Barkin, thuộc Quỹ Marshall Đức, nhận xét Thượng đỉnh lần này thành công trong việc giúp hai bên quản lý một cách có trách nhiệm các khác biệt, ngăn chặn chiều hướng đi xuống trong quan hệ song phương, giúp hai bên nhận thức nghiêm túc về các quan ngại của nhau để từ đó cùng tìm kiếm giải pháp.