Dự án của MCNV đa dạng hóa sinh kế cho người dân nghèo Quảng Trị

Mai Liên
Chia sẻ
(VOV5) - Quảng Trị được xem là vùng dự án trọng điểm về hỗ trợ hợp tác chiến lược của MCNV kể từ năm 1968. 

Là một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động tại Việt Nam sớm nhất, các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng mà Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) từ hơn 50 qua đã và đang triển khai, đang góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân Việt Nam. Trong đó, Quảng Trị được xem là vùng dự án trọng điểm về hỗ trợ hợp tác chiến lược của MCNV kể từ năm 1968.

Bên cạnh lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng, những năm gần đây, MCNV mở rộng hoạt động hợp tác với các địa phươngvề quản lý nguồn nước, phát triển du lịch cộng đồng, cải thiện sinh kế nông- lâm nghiệp bền vững cho những nhóm người dân nghèo, khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số. Để hiểu thêm về hoạt động của MCNV tại tỉnh Quảng Trị nói riêng, PV Đài TNVN phỏng vấn TS Nguyễn Đình Đại, Trưởng Văn phòng MCNV tại Quảng Trị:

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 

 PV: Xin ông cho biết, những chương trình, dự án mà Ủy ban Y tế Hà Lan- Việt Nam ( (MCNV) đang triển khai đặc biệt ở tỉnh Quảng Trị nói riêng trong giai đoạn hiện nay?

Ông Nguyễn Đình Đại: Hiện nay, tại Quảng Trị một trong những dự án MCNV đang làm là Quản lý rừng bền vững. Dự án này do Liên minh tài trợ 75%, MCNV đồng tài trợ 25%. Dự án triển khai trong 3 năm - đến tháng 3/2023 sẽ kết thúc. Ngoài ra, MCNV đang hỗ trợ một dự án liên quan đến xây dựng chuỗi cung ứng café bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp.

Dự án của MCNV đa dạng hóa sinh kế cho người dân nghèo Quảng Trị - ảnh 1Ông Nguyễn Đình Đại, Trưởng văn phòng MCVN
tại Quảng Trị
 Ở đây, MCNV kết nối cho nông dân trực tiếp với doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh café cung cấp cho thị trường trong nước và thị trưởng ở châu Âu. Dự án thứ 3 liên quan thúc đẩy các hoạt động sinh kế ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt tập trung vào các lâm sản ngoài gỗ và du lịch cộng đồng. Lâm sản ngoài gỗ bao gồm đào tạo nghề, sản xuất các sản phẩm về tre, quản lý, khai thác, sơ chế các lâm sản ngoài gỗ như, bồ kết, bồ hòn…để cung ứng cho doanh nghiệp và từ đó doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu này để sản xuất ra những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên như xà phòng, nước rửa sàn, rửa bát, dầu gội xả bồ kết và những sản phẩm gia đình có hương liệu thiên nhiên. Một hoạt động khác của MCNV giúp cho người dân thu hoạch, sơ chế, chế biến sấy khô các loại măng rừng, xây dựng thương hiệu để cung cấp ra thị trường.
Dự án của MCNV đa dạng hóa sinh kế cho người dân nghèo Quảng Trị - ảnh 2Đoàn tham quan du lịch thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa Quảng Trị.
Ảnh MCCN

Với du lịch cộng đồng, MCNV khởi xướng và thực hiện mô hình đầu tiên tại huyện Hướng Hóa, thông qua dự án du lịch cộng đồng ở thôn Chênh Vênh cung các các dịch vụ du lịch, cảnh quan ở các làng bản, tại các rừng cộng đồng được cấp chứng nhận FSC và các dịch vụ cung cấp homestay cho du khách và cũng như ẩm thực của địa phương.

Dự án của MCNV đa dạng hóa sinh kế cho người dân nghèo Quảng Trị - ảnh 3Tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc vùng cao Hướng Hóa, các hoạt động tạo thu nhập từ du lịch sinh thái và lâm sản ngoài gỗ. Ảnh MCVN

PV: Thưa ông, trong quá trình triển khai các dự án tại các khu vực miền núi nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, bên cạnh những điều kiện thuận lợi,  MCNV gặp phải những khó khăn, thách thức như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Đại: Trong quá trình làm việc, MCNV nhận thấy rằng tại khu vực đặc biệt ở Bắc Hướng Hóa có những điệu kiện khá khác khác biệt so với các vùng khác. Về thuận lợi- cơ hội, MCNV thấy khu vực có độ cao khoảng 600-700m  so với mực nước biển.,Khí hậu mát mẻ hơn so vớ tổng khí hậu chung. Ngoài ra, vùng này đặc thù trồng café trọng điểm nhất của Hướng Hóa. Nếu như nhìn dọc miền Trung thì gần như không có nơi nào thuận lợi để trồng café. Bên cạnh đó, ở khu vực này có khu bảo tồn và gần đó có các rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý. Vì thế, MCNV nhìn thấy tiềm năng có sẵn nhưng chưa bắt tay thực hiện du lịch, mặc dù chỉ có một vài loại hình tự phát. Vì những điều kiện đó nên MCNV quyết định đầu tư vào dự án du lịch cộng đồng ở đây.

Dự án của MCNV đa dạng hóa sinh kế cho người dân nghèo Quảng Trị - ảnh 4Trồng cây "chữa lành" vết thương đất rừng điểm sạt lở. Ảnh MCNV

Cùng tìm hiểu về bản sắc văn hóa các dân tộc vùng cao Hướng Hóa, các hoạt động tạo thu nhập từ du lịch sinh thái và lâm sản ngoài gỗTuy nhiên, chúng tôi ban đầu gặp khá nhiều khó khăn. Thứ nhất, đây là lần đầu tiên triển khai mô hình du lịch cộng đồng ở phía Bắc Hướng Hóa. Việc thay đổi nhận thực cho người dân từ thuần nông sang cung cấp dịch vụ du lịch cần rất nhiều thời gian. Để làm được việc này là câu chuyện đầu tư vào bao nhiêu mà phải cùng làm với họ, cần rất nhiều thời gian để họ thay đổi dần dần.

Đặc biệt, cán bộ MCNV phải luôn đồng hành, theo sát chỉ bảo người dân ngay giai đoạn ban đầu và ngay cả sau này. Một thách thức thứ hai là, cuộc sống của người Bru Vân Kiều chủ yếu dựa vào hoạt động nông nghiệp như trồng sắn, chăm sóc café, thu hoạch gỗ rừng trồng… bây giờ chuyển sang làm dịch vụ, họ hoàn toàn chưa quen với cách thay đổi về lao động. Một điểm nữa, vào những đợt mưa lũ, vùng này gần miền núi có nguy cơ cao ảnh hưởng các công trình, cũng như cơ sở hạ tầng về du lịch ở đây.

Dự án của MCNV đa dạng hóa sinh kế cho người dân nghèo Quảng Trị - ảnh 5Các chuyên gia và cán bộ MCNV tại trang trại một hộ gia đình trồng cây cafe ở xã Hướng Phùng

PV: Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của những dự án của MCNV tại Quảng Trị? Một trong mô hình của MCNV được biết đến và được nhân rộng là bảo vệ, trồng phục hồi rừng tự nhiên?

Ông Nguyễn Đình Đại: Các hoạt động trồng rừng, phục hồi các khu vực bị sạt lở…là một trong những hoạt động chính của MCNV. Hàng năm, tại các khu vực miền núi thường xảy ra sạt lở. Nếu để tự nhiên như vậy sẽ mất thời gian khá dài để phục hồi thảm thực vật và rừng cây lớn. Để nhanh chóng xử lý các thiệt hại này, MCNV triển khai hoạt động trồng phục hồi rừng bằng cách phối hợp với người dân tại các thôn được giao rừng, chọn những cây bản địa kể cả cây giống, gieo hạt… Với cách làm như vậy, thời gian khôi phục điểm sạt lở sẽ nhanh hơn. Dự án của MCNV triển khai nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ phía người dân và chính quyền địa phương. Ví như hoạt động trồng rừng thì mô hình của MCNV được đánh giá là tối ưu về chi phí.

Dự án của MCNV đa dạng hóa sinh kế cho người dân nghèo Quảng Trị - ảnh 6Rừng cộng đồng ở thôn Chênh Vênh đạt chứng nhận FSC.

Với chi phí thấp mà trồng được diện tích rừng lớn. Để đạt được điều đó là do người dân tham gia tích cực trong quá trình tham gia trồng rừng. Ngoài ra, về phía chính quyền địa phương cũng vừa hỗ trợ dự án vừa xây dựng các chính sách. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Trị đang xem xét để xây dựng kế hoạch phát triển Quảng Trị trở thành vùng nguyên liệu của cây trẩu. Đây là một trong những cây lâm nghiệp tạo ra lâm sản ngoài gỗ là hạt trẩu để thông qua đó người dân có thêm sinh kế, khi tạo ra các sản phẩm từ trầu. Ngoài ra cây trẩu cũng đóng góp vào công tác phòng hộ, bảo vệ, tăng độ che phủ cho Rừng.

Dự án của MCNV đa dạng hóa sinh kế cho người dân nghèo Quảng Trị - ảnh 7Đoàn tham quan trao đổi với một nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số trên vườn cà phê áp dụng phương thức nông lâm kết hợp. Ảnh MCNV

PV: Thưa ông, bên cạnh hợp tác tốt với chính quyền các địa phương, được biết MCNV còn là nơi kết nối Quảng Trị với nhiều tổ chức quốc tế, các nhà hảo tâm trong ngoài nước, đặc biệt thu hút đầu tư cho các dự án phát triển cộng đồng ở Quảng Trị?

Trong quá trình tham gia dự án ở Quảng Trị, MCNV giới thiệu những mô hình dự án đến với nhiều cá nhân, tổ chức khác nhau trong và ngoài nước. Thông qua giới thiệu này đã có những cá nhân, tổ chức quan tâm đã đến Quảng Trị để thị sát, xem xét đầu tư, như quỹ An Vui của nghệ sĩ Đại Nghĩa đóng góng 850 triệu đồng cho công tác trồng rừng tại Quảng Trị. Ngoài ra, tổ chức WWF cũng rất quan tâm đến mảng phục hồi và bảo tồn Rừng và họ đã đi thăm một số mô hình dự án.

Dự án của MCNV đa dạng hóa sinh kế cho người dân nghèo Quảng Trị - ảnh 8Năm ngoái, dư án PROSPER đã nhận được số tiền tài trợ 850 triệu đồng từ Quỹ Tài khoản An Vui của MC.Đại Nghĩa.

Thời điểm hiện nay, WWF đang phối hợp với MCNV triển khai một số hoạt động trồng rừng tại các khu vực bị sạt lở hoặc ở nơi người dân có nhu cầu trong tương lai sử dụng gỗ trong sinh hoạt gia đình. Thông qua tổ chức WWF, MCNV cũng giới thiệu mô hình này đến Ngân hàng Hàng Hải và họ cũng đang xem xét để tài trợ thông qua WWF triển khai hoạt động trồng khoảng 100 ha Rừng tại khu vực này.

PV: Vâng xin trân trọng cảm ơn Ông.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu