Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Người kiên định mục tiêu Chủ nghĩa xã hội gắn với phát triển kinh tế

Hồng Ngọc - Hoàng Hướng
Chia sẻ
(VOV5) - Tổng Bí thư đã dẫn dắt nhân dân Việt Nam đi trên con đường vừa trung thành, kiên định với định hướng chủ nghĩa xã hội, vừa cố gắng đem lại lợi ích để phát triển kinh tế xã hội một cách nhanh và bền vững nhất.

Nhà văn Cho Chul-hyeon, người Hàn Quốc, tác giả cuốn sách “Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng” những ngày qua đã từ Hàn Quốc sang Hà Nội khi nghe tin Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ trần. Viết sách về lãnh đạo Đảng Cộng sản của Việt Nam để giới thiệu ở Hàn Quốc là việc hiếm có bởi nội dung cuốn sách không chỉ là giới thiệu về chân dung một con người cộng sản, một vị lãnh đạo mà ở đó hàm chứa thông điệp về văn hóa và sự phát triển của một dân tộc, của đất nước Việt Nam. Phóng viên VOV5 phỏng vấn nhà văn Cho Chul-hyeon khi ông về viếng TBT Nguyễn Phú Trọng những ngày này.

PV: Xin ông hãy cho biết cảm xúc của ông khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần?

Nhà văn Cho Chul-hyeon: Tôi được nghe tin Tổng Bí thư từ trần thông qua phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam tại Seoul, tôi đã rất bàng hoàng khi nghe tin. Tôi có nghe tin rằng khoảng tháng 1 năm nay Tổng Bí thư cũng đã không được khỏe nhưng đã sớm bình phục ngay sau đó. Dù biết rằng lần này Tổng Bí thư có đang không khỏe nhưng tôi đã nghĩ là Tổng Bí thư sẽ sớm bình phục giống lần trước, khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần, nửa hồn tôi như tách ra khỏi cơ thể vậy. Điều đầu tiên nảy ra trong đầu tôi đó là phải nhanh chóng bay qua Hà Nội để ngắm nhìn Hà Nội mà Tổng Bí thư đã ngắm nhìn lần cuối cùng này thì có lẽ tôi mới có thể trấn an được bản thân mình. Trong suốt chuyến bay tôi luôn nhắm mắt thật chặt, cầu mong cho “Bác Trọng” sẽ được an nghỉ. Và tôi cũng hồi tưởng lại những di sản mà Tổng Bí thư đã để lại cho chúng ta, những gì tôi đã viết trong cuốn sách này. Ngay khi vừa xuống sân bay Nội Bài, tôi đã ngước lên bầu trời và dành thời gian mặc niệm cố Tổng Bí thư, chỉ đến lúc ấy tôi mới có thể tự trấn an mình. Tôi muốn gửi lời chia buồn sâu sắc đến toàn thể người dân Việt Nam, và muốn gửi lời an ủi chân thành tới tất cả những người yêu mến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên toàn thế giới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Người kiên định mục tiêu Chủ nghĩa xã hội gắn với phát triển kinh tế - ảnh 1Nhà văn đến thăm gia đình bạn học Tổng Bí thư

PV: Được biết trong lần ghé thăm Hà Nội lần này ông đã ghé thăm nhiều địa điểm gắn bó mật thiết với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Nhà văn Cho Chul-hyeon: Đầu tiên tôi đã ghé thăm quê hương của Tổng Bí thư tại thôn Lại Đà, huyện Đông Anh và đã dành thời gian mặc niệm Tổng Bí thư ở đó. Tại thôn Lại Đà tôi có cơ hội gặp được người bạn đã đồng hành với Tổng Bí thư từ Tiểu học cho đến tận cấp 3 và được lắng nghe những câu chuyện về thời niên thiếu của Tổng Bí thư. Quãng thời gian học sinh của TBT Nguyễn Phú Trọng là một quãng thời gian khốn khó, vất vả, tôi được nghe rằng hồi đó giữa tiết trời mùa đông giá rét nhưng không có tất để đi, vậy mà Tổng Bí thư vẫn chăm chỉ đến trường học tập. Trong khoảng thời gian khó khăn đó Tổng Bí thư đã nỗ lực học tập tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời tiếp thu về lịch sử hào hùng của dân tộc thông qua lời kể của những trưởng lão trong thôn và dần dần hình thành nên lý tưởng của mình.

Sau đó tôi đã ghé thăm ngôi trường cấp 2, cấp 3 Tổng Bí thư từng theo học tại Gia Lâm. Tôi đã gửi tặng trường bó hoa và được nghe câu chuyện về lịch sử của nhà trường và của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ lãnh đạo nhà trường.

Tôi cũng đã đến thăm ngôi trường Đại học mà Tổng Bí thư đã từng theo học tại số 19 Lê Thánh Tông. Tại đó tôi đã nhớ lại những nội dung được đề cập trong cuốn sách như quãng thời gian sinh viên đầy gian lao của Tổng Bí thư khi ngôi trường theo học bấy giờ phải sơ tán để tránh bom Mỹ… và rồi tôi lại dành thời gian để mặc niệm Tổng Bí thư.

PV: Xin ông cho biết về lý do ông quyết định viết sách về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Nhà văn Cho Chul-hyeon: Khi tôi học đại học, thế hệ của tôi được tiếp cận với rất nhiều cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam và cũng là nhà lãnh đạo nhận được nhiều sự quan tâm và công nhận trên toàn thế giới. Quãng thời gian tôi đi học đã được nghe các giáo sư giảng nhiều về Hồ Chủ tịch, cũng được đọc rất nhiều sách về Người. Chính thì thế mà ngay từ lúc đó tôi đã có những quan tâm nhất định đối với Việt Nam, và tôi đã tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, nhất là lịch sử Việt Nam thời hiện đại rất nhiều. Thế rồi vào năm 2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm Hàn Quốc. Sau khi gặp gỡ với các nhà lãnh đạo cấp cao của Hàn Quốc, Tổng Bí thư đã trực tiếp đến gặp và động viên tập đoàn Samsung lúc bấy giờ đang lâm vào khốn khó do Chủ tịch tập đoàn lúc bấy giờ ngã bệnh một cách đột ngột. Tổng Bí thư đã gặp gỡ Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung lúc bấy giờ và dành những lời động viên, khích lệ quý báu, đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ giữa Samsung và Việt Nam. Cuộc gặp gỡ của Tổng Bí thư và tập đoàn Samsung lúc bấy giờ đã thu hút rất đông đảo sự quan tâm của dư luận Hàn Quốc. Và đó chính là cơ duyên khiến tôi bắt đầu quan tâm đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khi bắt đầu tìm hiểu về Tổng Bí thư và được biết Tổng Bí thư xuất thân từ ngành văn học, điều này đã thu hút tôi, một người cũng làm việc với con chữ, một cách mãnh liệt. Tổng Bí thư cũng đã từng là một nhà báo, điều này một lần nữa thu hút tôi, vì bản thân tôi cũng đã từng có thời gian hoạt động là một nhà báo. Nếu nhìn vào lịch sử thế giới từ xưa tới nay, hầu hết các nhà lãnh đạo đều xuất thân từ những chuyên ngành như pháp luật, chính trị, hoặc dành nhiều năm tích lũy kinh nghiệm trên chính trường. Chính vì vậy một người xuất thân từ ngành văn học như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thu hút tôi mạnh mẽ. Chính vì vậy nên tôi đã tìm đọc những bài viết của Tổng Bí thư đã viết trong quãng thời gian công tác tại Tạp chí Cộng sản, bài luận văn của Tổng Bí thư viết trong thời sinh viên, luận văn Tiến sĩ của Tổng Bí Thư viết trong thời kỳ du học Liên Xô… Tôi có cái nhìn sơ lược về con người Tổng Bí thư. Từ đó tôi quyết tâm viết sách về Tổng Bí thư. Trong quá trình viết sách, tìm kiếm tài liệu đã có nhiều lần tôi phải tạm dừng vì lý do khách quan, ví dụ như thời điểm dịch Covid-19, tôi không thể đến Việt Nam thường xuyên để tìm kiếm tài liệu được. Mãi cho đến năm 2022, khi Việt Nam và Hàn Quốc kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, tôi đã quyết tâm phải xuất bản được cuốn sách này, và tôi muốn xuất bản cuốn sách vào đúng dịp sinh nhật lần thứ 80 của Tổng Bí thư vào ngày 14/4/2024. Nhờ quyết tâm đó tôi đã tập trung toàn bộ trí lực vào cuốn sách và đầu tháng 4 năm nay tôi đã xuất bản phiên bản tiếng Hàn của cuốn sách này. Phiên bản tiếng Việt của cuốn sách đang được biên soạn và dự kiến sẽ được ra mắt vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm nay.

PV: Xin ông cho biết thêm về quá trình viết cuốn sách này?

Nhà văn Cho Chul-hyeon: Vâng, quá trình viết cuốn sách này rất khó khăn. Mới đầu tôi nghĩ khi tôi đưa ra ý tưởng viết cuốn sách về Tổng Bí thư, phía Chính phủ Việt Nam đã dành nhiều sự quan tâm giúp đỡ. Thú thật, tôi đã từng nghĩ mình có thể viết cuốn sách này một cách dễ dàng. Tuy nhiên, khi tôi tìm đến gặp Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc lúc bấy giờ là đại sứ Nguyễn Vũ Tùng, ông có nói với tôi rằng Tổng Bí thư là một người rất giản dị và khiêm tốn, có lẽ Tổng Bí thư sẽ không mong đợi những tác phẩm ca ngợi, tán dương mình. Đến khi tôi liên hệ với Bộ Ngoại giao Việt Nam, tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự. Tuy vậy, tôi vẫn quyết tâm phải viết cuốn sách này.

Đối với tôi, tài liệu về thời kỳ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Quốc hội hay sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam có thể dễ dàng tìm thấy thông qua tin tức, nhưng tôi muốn tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về thời thơ ấu, thời cắp sách đến trường, thời đại học, thời kỳ công tác ở Tạp chí Cộng sản, thời kỳ đi du học tại Liên Xô… của Tổng Bí thư. Tuy nhiên, hầu như không có tài liệu nào về những giai đoạn này được công khai. Vậy nên tôi đã tìm hiểu thông qua báo chí quốc tế tại khắp các nước mà Tổng Bí thư đã thăm như Cuba, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản… và thu thập những mảnh ghép liên quan đến cuộc đời của Tổng Bí thư. May mắn thay, tôi đã tìm được tài liệu về những sinh viên ưu tú của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tài liệu được phát hành năm 2006 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trường. Ở đó, tôi đã tìm được những câu chuyện về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ thời niên thiếu đến thời đại học… Từ nguồn tài liệu quý báu đó tôi tìm đến những người bạn thuở đại học của Tổng Bí thư được đề cập trong tài liệu đó, thu thập từng mảnh ghép nhỏ về Tổng Bí thư lại và rồi tôi đã có đủ tài liệu để có thể viết tác phẩm này.

PV: Trải qua một quá trình vô cùng vất vả để có thể viết nên cuốn sách về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đầu tiên do người ngoại quốc viết, vậy xin ông cho biết ngày hôm nay, khi cầm trên tay cuốn sách này ông có cảm nghĩ gì?

Nhà văn Cho Chul-hyeon: Vào tháng 6 vừa qua trong buổi tiệc chiêu đãi nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng có chuyển lời cảm ơn đến tác giả Hàn Quốc viết cuốn sách về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khi đọc được thông tin trên qua những trang báo, tôi đã rất xúc động. Dù đã cố gắng hết sức mình để viết nhưng tôi biết tác phẩm của mình và chính bản thân tôi vẫn còn những thiếu sót, dẫu vậy lời cảm ơn của Thủ tướng Việt Nam đã khiến tôi vô cùng xúc động, tôi tự nhủ phải tìm nhiều tài liệu hơn và hoàn thiện hơn nữa tác phẩm này. Đến khi xuất bản phiên bản tiếng Việt, tôi muốn cầm cuốn sách và đến gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vậy mà Tổng Bí thư đã đi xa, và tôi mãi mãi không có cơ hội ấy nữa. Nội dung tôi muốn nhấn mạnh trong cuốn sách này đó là “Nếu nhìn vào người lãnh đạo của một đất nước, ta có thể thấy thập niên tương lai của đất nước đó”. Giờ đây tôi muốn thay câu đó bằng câu “Nếu thấu hiểu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ta có thể thấy tương lai 50 năm sau của Việt Nam”. Tổng Bí thư từ trần, tôi lại càng cảm nhận rõ ràng hơn về tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của Tổng Bí thư. Tôi lại càng mong muốn tìm hiểu nhiều hơn nữa và hoàn thiện hơn nữa cuốn sách này.

PV: Trong quá trình viết cuốn sách này, điều ông ấn tượng nhất về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là gì?

Nhà văn Cho Chul-hyeon: Tôi nhận thấy Tổng Bí thư là người luôn cố gắng kiên trì để làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, giống như những gì tôi đã được học ở giảng đường đại học. Từ thời kỳ công tác tại Tạp chí Cộng sản, Tổng Bí thư đã luôn dành nhiều tâm huyết về lý luận của chủ nghĩa cộng sản, ông đã dành nhiều công sức để giải thích về chủ nghĩa cộng sản với nhân dân thông qua ngòi bút văn học. Điều tôi ấn tượng nhất đó chính là Tổng Bí thư đã dẫn dắt nhân dân Việt Nam đi trên con đường vừa trung thành, kiên định với định hướng chủ nghĩa xã hội, vừa cố gắng đem lại lợi ích để phát triển kinh tế xã hội một cách nhanh và bền vững nhất. Điều thứ hai đó là về công cuộc phòng chống tham nhũng của Tổng Bí thư, Tổng Bí thư quan niệm Đảng Cộng sản Việt Nam phải là tổ chức minh bạch, liêm chính, trong sạch, vững mạnh, bản thân Tổng Bí thư cũng sống một cuộc đời thanh liêm. Quan điểm này của Tổng Bí thư không chỉ nhận được sự đồng tình của người dân Việt Nam, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh một Việt Nam không tham nhũng, tiêu cực trong mắt bạn bè quốc tế, qua đó thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam và giúp phát triển kinh tế một cách mạnh mẽ. Đây chính là chiến dịch “đốt lò” vô cùng hiệu quả của Tổng Bí thư.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Người kiên định mục tiêu Chủ nghĩa xã hội gắn với phát triển kinh tế - ảnh 2Nhà văn Cho Chul-hyeon đến thăm trường Nguyễn Gia Thiều 

PV: Theo ông, đâu là điểm thu hút của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với các học giả và người nước ngoài?

Nhà văn Cho Chul-hyeon: Tổng Bí thư sinh ra và lớn lên trong gia đình nhà nông nghèo, ông đã rất cần cù, nỗ lực, chăm chỉ trong học tập, đồng thời cũng là người có niềm tin vững chắc vào chủ nghĩa cộng sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh. Rõ ràng con người ta khó có thể duy trì một niềm tin trong suốt cả một cuộc đời, nhưng Tổng Bí thư đã luôn kiên định vào niềm tin đó và ôm ấp hoài bão xây dựng quốc gia mà ở đó người dân Việt Nam được sống trong xã hội văn minh nhất. Dù không có tham vọng về quyền lực nhưng Tổng Bí thư đã theo tiếng gọi của Đảng, của Nhân dân, từ bỏ ước muốn trở thành nhà giáo, trở thành người cộng sản. Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, khi được bầu làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ 3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng dù sức khỏe không tốt và muốn được nghỉ ngơi nhưng sẽ tiếp tục nhiệm vụ theo mệnh lệnh của Đảng. Điểm thu hút của Tổng Bí thư đó chính là tinh thần của người hiền sĩ. Trong tác phẩm của mình, tôi có gọi Tổng Bí thư là “Sĩ phu Bắc Hà” cái tên này cũng thể hiện tinh thần người hiền sĩ của Tổng Bí thư. Tôi nghĩ rằng Tổng Bí thư không chỉ là nhà lãnh đạo sáng suốt của nhân dân Việt Nam, mà còn là người thầy lỗi lạc của nhân dân trên toàn thế giới. Tới đây tôi muốn xuất bản cuốn sách phiên bản tiếng Anh để nhiều người trên thế giới biết đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, biết đến Việt Nam và tìm đến Việt Nam nhiều hơn nữa.

PV: Nếu được viết một điều vào Sổ Tang của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông sẽ viết điều gì?

Nhà văn Cho Chul-hyeon: Nếu được viết một điều vào Sổ Tang của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi muốn viết “Tôi sẽ dành cả phần đời còn lại để cả thế giới biết đến 80 năm cuộc đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”. Là tác giả người nước ngoài đầu tiên viết sách về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi cảm nhận được trách nhiệm của mình phải tìm hiểu nhiều hơn, phải hoàn thiện tác phẩm hơn nữa để giới thiệu với bạn bè quốc tế về Tổng Bí thư. Dù có phải từ bỏ việc viết những tác phẩm khác trong phần đời còn lại, tôi cũng muốn hoàn thiện hơn nữa tác phẩm này rồi tiến tới viết sách về Tổng Bí thư dành riêng cho lứa tuổi thiếu nhi, rồi lứa tuổi thanh thiếu niên… Và noi theo gương của Tổng Bí thư, tôi muốn thực hiện tất cả những điều này với tấm lòng khiêm tốn, giản dị.

PV: Xin cảm ơn nhà văn Cho Chul-hyeon./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu