Chuỗi cung ứng café bền vững ở Hướng Hóa – Những khởi sắc mới

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) -  Khác với Robusta, sản phẩm café Arabica mang thương hiệu Hướng Hóa- Quảng Trị có mùi vị thơm ngon đặc trưng đặc biệt được người châu Âu ưa thích.

Hướng Phùng là một xã rẻo cao ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Đây là vùng đất đỏ bazan màu mỡ ngay từ thời Pháp thuộc đã nổi tiếng với dòng cà phê Arabica (cà phê chè). Giống cà phê này khi trồng ở vùng đất Hướng Phùng có mùi, vị rất đặc biệt thơm ngon. Nhằm giúp đỡ bà con người Vân Kiều phát huy tiềm năng, thế mạnh của cây café, Ủy ban Y tế Hà Lan- Việt Nam (MCNV) đã và đang giúp triển khai một dự án “Phát triển chuỗi cung ứng cà phê bền vững theo hướng nông lâm kết hợp”, qua đó giúp hàng chục gia đình người Vân Kiều ở xã Hướng Phùng trồng café theo hướng canh tác bền vững. Khác với Robusta, sản phẩm café Arabica mang thương hiệu Hướng Hóa- Quảng Trị có mùi vị thơm ngon đặc trưng đặc biệt được người châu Âu ưa thích.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây:

 Trong chuyến công tác đến xã Hướng Phùng- huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) trước khi khởi động một hành trình dài, chúng tôi ghé qua quán café Trịnh Xưa. Giữa không gian xanh mát ở phố núi bình yên, chúng tôi được thưởng thức những ly café ngon đúng điệu Abrabica thơm ngon, sảng khoái do chính tay chủ quán pha chế.

Anh Xuân Vũ, một thực khách người khá hiểu biết về café cảm nhận: “Loại café Arabica này có hàm lượng cafein thấp hơn. Tuy không mang đến cảm giác mạnh như cafe Robusta nhưng dòng này lại rất được ưa chuộng bởi phù hợp với khẩu vị của nhiều người và nó khá dễ mix với những sản phẩm café khác. Café Arabica có vị chua dịu và đắng nhẹ - rất cân bằng, trong khi hương thơm nồng dễ chịu kéo dài, dù bạn uống nóng hay lạnh. Bắt đầu một ngày mới, được thưởng thức một ly cafe 100% Arabica chất lượng hảo hạng ngay khi vừa rang xay thì thật tuyệt vời”.

Chuỗi cung ứng café bền vững ở Hướng Hóa – Những khởi sắc mới - ảnh 1Quả cafe vào giai đoạn thu hoạch. Ảnh MCNV
Để có tách cà phê thơm ngon chuẩn vị, những hạt cà phê Arabica phải trải qua một chuyến hành trình dài từ việc chọn vùng nguyên liệu ươm trồng, chăm bón, thu hái chọn lọc, sơ chế rồi rang sấy xay hạt cà phê. Tất cả các công đoạn phải được thực hiện kỹ lưỡng và nghiêm ngặt theo đúng quy chuẩn.
Là một người đam mê đặc biệt với café, sau nhiều thăng trầm với việc kinh doanh, anh Lê Ngọc Trịnh đã tìm ra một hướng đi mới cho dòng café đặc sản của núi rừng Hướng Hóa này: “Năm 2006 tôi bắt đầu làm về café. Có một quá trình mà càng làm tôi càng mất. Cho đến năm 2018 khi gặp được chính quyền kết nối với tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan MCNV, tôi quyết định làm café bền vững. Tức là mình làm ít, chú trọng đến chất lượng, không theo số lượng và phải vì lợi nhuận chung. Câu chuyện café bền vững chúng tôi thực hiện từ 2017. Hiện nay, người Việt mình cũng đã hiểu về câu chuyện café rằng, phải chú trọng tuyệt đối đến chất lượng và cũng để làm sao những doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài công nhận chất lượng thực sự của cafe Arabica thì họ mới dám đầu tư và liên kết với mình”.
Chuỗi cung ứng café bền vững ở Hướng Hóa – Những khởi sắc mới - ảnh 2Anh Lê Ngọc Trịnh ( trái). Ảnh Hà Linh

Kể từ năm 2018, dưới sự hỗ trợ kết nối và thúc đẩy hợp tác kinh doanh của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam, khoảng 7 nhóm nông dân tại các thôn của xã Hướng Phùng liên kết với Công ty Hội An Roastery và đơn vị chế biến của anh Lê Ngọc Trịnh để cùng phát triển chuỗi cung ứng cà phê bền vững. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng buộc doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược kinh doanh mới và tìm kiếm nguồn lực phát triển. Trong bối cảnh đó, chính MCNV đã hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn tài trợ của Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan thông qua đề xuất dự án Thúc đẩy liên kết sản xuất cà phê Arabica nông lâm kết hợp.

Anh Lê Minh Vũ, cán bộ dự án của Văn phỏng /MCNV tại miền Trung cho biết tính ưu việt của dự án về chuỗi café bền vững này: “Tính bền vững của dự án thể hiện ở 3 yếu tố. Về mặt kinh tế người nông dân có thu nhập cao hơn và giá bán ổn định hơn. Khi liên kết hợp đồng hợp tác thì người nông dân được bao tiêu sản phẩm hoàn toàn. Về mặt xã hội, thông qua mô hình hợp tác này doanh nghiệp và người nông dân có tiếng nói chung và niềm tin đặt đúng chỗ. Về môi trường mô hình này hướng tới sản xuất cung ứng cà phê nông lâm kết hợp trồng cây che bóng và canh tác hữu cơ, Theo lộ trình như vậy thì ngày càng có nhiều nông dân sẽ tham gia với chuỗi cung ứng café bền vững, đặc biệt là với Hội An Roastery."

Chuỗi cung ứng café bền vững ở Hướng Hóa – Những khởi sắc mới - ảnh 3Cafe tươi được vận chuyển đến xưởng chế biến. Ảnh MCNV
Chuỗi cung ứng café bền vững ở Hướng Hóa – Những khởi sắc mới - ảnh 4Những bao cafe tươi nhập xưởng

Theo như hợp đồng ký kết, người trồng café phải đáp ứng được chất lượng và khối lượng cà phê quả tươi mà doanh nghiệp yêu cầu, sẽ được hưởng mức giá chênh lệch cao hơn nhièu so với giá thị trường. Đến vụ hoạch, bà con chỉ việc chở café đến nơi tập kết và xưởng sản xuất của anh Lê Ngọc Trịnh làm nhiệm vụ sơ chế thành cà phê thóc và nhân. Doanh nghiệp sau đó chế biến rang xay ra thành phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất bán Châu Âu.

Là một trong số những cây trồng thế mạnh của địa phương, cây cafe Arabica đang làm thay đổi diện mạo cho địa phương khi mang lại cuộc sống no ấm cho đồng bào Vân Kiều nơi đây. Anh Hồ Văn Noi  ở thôn Xary chia sẻ, tham gia vào dự án, gia đình anh có thêm nhiều kiến thức bổ ích về canh tác cây hữu cơ theo hướng hữu cơ bền vững:Gia đình tôi rất vui khi được tham gia vào dự án này. Trước đây chúng tôi đã được các ban ngành, tổ chức  tập huấn kỹ thuật như về cách chăm sóc cây, sử dụng phân bón hữu cơ, cách thu hái ra sao. Điều quan trọng là MNCV đã kết nối chúng tôi với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm sạch. Nhờ đó những người nông dân chúng tôi yên tâm canh tác, thu nhập ổn định, đời sống khấm khá hơn. Những vụ mùa trước khi xảy ra dịch bệnh, riêng về café đem lại cho gia đình tôi khoảng vài chục triệu mỗi năm”.

Chuỗi cung ứng café bền vững ở Hướng Hóa – Những khởi sắc mới - ảnh 5                    Cafe tươi nhập xưởng của anh Lê Ngọc Trịnh. Ảnh MCNV

Từ những kết quả đầu tiên có sự đồng hành của MCNV, doanh nghiệp HoiAn Roastery có được nguồn café chất lượng cao và đằng sau xuất xứ sản phẩm là những câu chuyện rất hay về đồng bào dân tộc thiểu số và cuộc sống ở miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị.

Thời gian tới MCNV sẽ làm việc với một số đối tác nhằm thúc đẩy mô hình café nông-lâm kết hợp, trong đó chuyển đổi trồng café đơn canh sang mô hình nông lâm kết hợp và canh tác hữu cơ với mục tiêu giúp cho cây café Arabica đạt chất lượng ổn định và cải thiện năng suất.

Ngoài ra, dự án sẽ tạo hành lang đa dạng sinh học nối giữa 2 khu bảo tồn Bắc Hướng Hóa và Đăkrông. Với ý tưởng đó, một công ty Đan Mạch Slow Forest Coffe đã đến Hướng Phùng khảo sát với mong muốn hợp tác với MCNV cũng như các bên liên quan để đầu tư vào mô hình chuỗi café bền vững này. MCNV hi vọng những dự án về café sạch tiếp theo được triển khai, sẽ tạo ra thay đổi tích cực về mặt cảnh quan cũng như cách thực hành canh tác café của đồng bào thiểu số ở Hướng Hóa nói riêng và Quảng Trị nói chung. Và, cùng với đó tỉnh Quảng Trị cũng có nhiều chính sách, chủ trương để cùng với đồng bào Bru-Vân Kiều xây dựng thương hiệu cà phê Arabica đặc sản- thương hiệu vùng núi Hướng Hóa đầy tiềm năng này.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu
Nguyễn Thị tiểu luyến
Mình muốn mua cà phê hạt