Chủ tịch Hội Alzheimer thế giới Glenn Rees: Việt Nam cần hướng tới kế hoạch quốc gia phòng chống sa sút trí tuệ

Tú Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Vấn đề cấp bách của Việt Nam hiện nay là phát triển chính sách chăm sóc và đặc biệt là xây dựng dự án nghiên cứu về căn bệnh thế kỷ này.
 Chủ tịch Hội Alzheimer thế giới Glenn Rees: Việt Nam cần hướng tới kế hoạch quốc gia phòng chống sa sút trí tuệ - ảnh 1Ông Glenn Rees, Chủ tịch Hiệp hội Alzheimer Thế giới - Ảnh: abc.net.au

Sa sút trí tuệ mô tả một nhóm các triệu chứng ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ và khả năng nhận thức khác đủ nghiêm trọng để ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người mắc phải. Hiện nay Việt Nam có khoảng 660.000 người mắc chứng sa sút trí tuệ và con số này còn tiếp tục gia tăng. Việc xây dựng một kế hoạch hành động quốc gia phòng chống sa sút trí tuệ  được coi là giải pháp tốt nhất để ứng phó với hội chứng bệnh này.

Vào ngày 17-18/10, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo Quốc gia về sa sút trí tuệ lần thứ 2 với chủ đề Tiến tới xây dựng chương trình Quốc gia và nâng cao năng lực nghiên cứu về sa sút trí trí tuệ ở Việt Nam."

Nhân dịp ông Glenn Rees, Chủ tịch Hội Alzheimer Thế giới tham dự Hội thảo lần 2, phóng viên VOV5 phỏng vấn về những nhìn nhận, đánh giá của ông với vấn đề này và giải pháp của Việt Nam.    

PV: Sa sút trí tuệ được coi là một thách thức y tế toàn cầu. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này ở Việt Nam?

Ông Glenn Rees: Hiện nay trên toàn thế giới có khoảng 50 triệu người mắc chứng sa sút trí tuệ. Ở Việt Nam có hơn 660 ngàn người mắc chứng bệnh này, và trong tương lai vào năm 2030 sẽ có khoảng 1,2 triệu người Việt Nam.

Cho đến năm 2015, Việt Nam đã tiêu tốn khoảng hơn 960 triệu đô mỗi năm cho hệ thống chữa trị và chăm sóc sức khỏe cho người sa sút trí tuệ. Đó quả là một vấn đề lớn và nhất là khi Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh.

Australia cần 73 năm để chuyển từ dân số trẻ sang dân số già, nhưng Việt Nam chỉ mất có 20 năm. Vấn đề cấp bách của Việt Nam hiện nay là phát triển chính sách chăm sóc và đặc biệt là xây dựng dự án nghiên cứu về chứng bệnh sa sút trí tuệ.

PV: Việc xây dựng một kế hoạch hành động quốc gia phòng chống sa sút trí tuệ được coi là giải pháp tốt nhất để tăng cường ứng phó với sa sút trí tuệ, Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào để hướng tới kế hoạch này?

Ông Glenn Rees: Việt Nam cần hướng tới kế hoạch này bằng nhiều cách. Thứ nhất, Việt Nam cần tham khảo những báo cáo về sa sút trí tuệ ở Việt Nam để phân tích đâu là mặt tích cực và tiêu cực. Và tiếp theo là phát triển những chính sách dựa trên những điểm mạnh, vượt qua những khó khăn, tồn tại.

Ví dụ, Việt Nam cần nhiều hơn những người có chuyên môn tại bệnh viện để chăm sóc người mắc bệnh. Việt Nam cũng cần cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ở mức độ cao hơn, gần gũi với người bệnh, đưa ra những lời khuyên với người nhà bệnh nhân làm sao để giúp đỡ, chăm sóc người bệnh hiệu quả. Việt Nam cũng cần hỗ trợ những người nhà chăm sóc bệnh nhân.

Bởi ở Việt Nam, 90% những người chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ là những người trong gia đình. Gia đình người bệnh cũng cần được hỗ trợ bởi họ cũng không thể nắm bắt được tất cả.

 Chủ tịch Hội Alzheimer thế giới Glenn Rees: Việt Nam cần hướng tới kế hoạch quốc gia phòng chống sa sút trí tuệ - ảnh 2Ông Glenn Rees, Chủ tịch Hiệp hội Alzheimer Thế giới phát biểu tại Hội thảo Quốc gia về sa sút trí tuệ.  - Ảnh: VOV5.

PV: Hội Alzheimer thế giới của ông có những hoạt động gì để giúp đỡ cho Việt Nam?

Ông Glenn Rees: Hội Alzheimer Thế giới hiện nay có 100 nước thành viên trên toàn cầu. Chúng tôi có khá nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức giúp đỡ các nước thực hiện kế hoạch quốc gia về ứng phó với sa sút trí tuệ. Tôi có thể chia sẻ một vài kết quả khả quan, ví dụ như Đài Loan có kế hoạch quốc gia rất tốt, Ấn Độ, Singapore cũng vậy.

Chúng tôi chia sẻ với Việt Nam những gì các quốc gia khác đã thực hiện. Tôi biết Việt Nam có văn hoá riêng nhưng Việt Nam cũng là một đất nước rất năng động và tôi rất yêu đất nước này.

Và tôi chắc chắn rằng, trong khoảng 3,4 năm tới, Việt Nam sẽ có một kế hoạch quốc gia và triển khai một cách toàn diện. Cuộc sống của những người mắc chứng sa sút trí tuệ trong những gia đình ở Việt Nam sẽ khá hơn rất nhiều.

PV: Thưa ông, ông có nhắc đến yếu tố văn hoá có một phần tác động đến chứng bệnh này, cụ thể trong bối cảnh của Việt Nam nó có tác động như thế nào?

Ông Glenn Rees: Ở nhiều nước và Việt Nam không phải là một ngoại lệ, chứng bệnh sa sút trí tuệ đôi khi bị né tránh. Mọi người thường ngại nói về căn bệnh này. Tôi có thể lấy ví dụ về thế hệ gia đình tôi ở thế kỷ trước, trong gia đình, chúng tôi thường không đề cập đến sự thật là bà nội tôi mắc chứng bệnh sa sút trí nhớ. Và đó là điều rất phổ biến hiện nay tại châu Á.

Ở một số nước như Ấn Độ và có lẽ cả Việt Nam, trong gia đình, các thành viên có thể vô tình cô lập những người lớn tuổi mắc chứng sa sút trí tuệ vì mọi người không hiểu rõ về chứng bệnh này.

Hệ quả đầu tiên, trong văn hoá của phần lớn các nước trên thế giới, người già cảm thấy cô đơn vì không được gần gũi. Một điều nữa còn tồn tại ở những nước châu Á đang phát triển là sự tập trung dành cho gia đình. Ngày nay cấu trúc gia đình đang dần thay đổi, những người trẻ thường chuyển ra ở riêng, những người già dường như có thể bị bỏ rơi.

Những thay đổi xã hội này cũng đang diễn ra ở Việt Nam. Tuy nhiên, sự kết nối trong gia đình Việt Nam vẫn mạnh mẽ hơn rất nhiều nước khác trên thế giới như Australia hay các nước phương Tây. Đó là thế mạnh của Việt Nam và cần phát huy hơn nữa.

PV: Vậy thì ông đánh giá như thế nào về vai trò của dự án “Tăng cường khả năng ứng phó với sa sút trí tuệ: thiết lâọ hệ thống bằng chứng cho việc xây dựng kế hoạch phòng chống sa sút trí tuệ ở Việt Nam” trong cuộc chiến với sa sút trí tuệ này?

Ông Glenn Rees: Tôi nghĩ dự án này rất quan trọng bởi vì nó cung cấp những bằng chứng cụ thể để Việt Nam xây dựng và triển khai triển khai kế hoạch quốc gia, Việt Nam có thể nhận định rõ những mặt tích cực, tiêu cực, mặt mạnh và yếu cũng như cơ hội và thách thức, từ đó phát triển những chính sách để giải quyết nhu cầu của các cá nhân mắc chứng bệnh này.

Một điều rất quan trọng mà Việt Nam phải làm đó là phải nói chuyện với những bệnh nhân và với gia đình có người mắc chứng sa sút trí tuệ. Bác sĩ không thể biết tất cả. Quan trọng là bác sĩ và những người cung cấp dịch vụ chăm sóc kết hợp với người nhà bệnh nhân để hiểu những gì người bệnh cần, vấn đề của họ nằm ở đâu. Dự án này sẽ làm tốt điều đó, kéo các bên liên quan xích lại gần nhau, chia sẻ những quan điểm, nhu cầu, thông tin. Dự án này triển khai để thưc sự đáp ứng với nhu cầu của những người mắc chứng sa sút trí tuệ

PV: Vâng, xin chân thành cảm ơn ông!

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu