TS Nguyễn Tuấn Anh: Nghiên cứu về Việt Nam để báo ơn nguồn cội

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh (ĐH Nam Úc) đang cùng nhóm Dự án thực hiện Dự án thiết lập hệ thống bằng chứng cho việc xây dựng kế hoạch quốc gia về phòng chống sa sút trí tuệ ở Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm nghiên cứu dược và chất lượng sử dụng thuốc, Trường Đại học khoa học y dược, thuộc Đại học Tổng hợp Nam Úc, là người có các hoạt động nghiên cứu hữu ích với mong mỏi cùng đồng nghiệp góp sức phát triển ngành y tế Việt Nam. Khi tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học New South Wales với đề tài nghiên cứu về giá thuốc và chính sách giá thuốc tại Việt Nam, Nguyễn Tuấn Anh đã tạo ra một mô hình lý thuyết mới về tham nhũng trong y tế. Công trình này đạt nhiều giải thưởng trong đó có 7 học bổng tham dự các hội thảo quốc tế, cũng như được Tổ chức y tế thế giới công bố trên trang web chính thức của họ, một sự kiện hiếm gặp.

Hiện nay, cùng với nhóm nghiên cứu gồm nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới về sa sút trí tuệ do anh thành lập, tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh đang thực hiện Dự án thiết lập hệ thống bằng chứng cho việc xây dựng kế hoạch quốc gia về phòng chống sa sút trí tuệ ở Việt Nam. VOV5 phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh qua điện thoại kết nối tới Australia về những hoạt động này.

TS Nguyễn Tuấn Anh: Nghiên cứu về Việt Nam để báo ơn nguồn cội - ảnh 1Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

Phóng viên (Pv): Anh có thể giới thiệu một chút về bản thân với thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam?

TS Nguyễn Tuấn Anh: Tôi sinh ra và lớn lên tại Thái Bình, là cựu học sinh chuyên toán CTB rồi trở thành sinh viên trường thuốc. Sau khi tốt nghiệp thạc sỹ, tôi ở lại trường làm giảng viên trước khi sang Sydney để giành học vị tiến sĩ. Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, tôi tiếp tục sự nghiệp với vị trí chuyên viên nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trường Đại học khoa học y dược, thuộc Đại học Tổng hợp Nam Úc, tiếp đó là giảng viên về quản trị y tế tại Trường Đại học Y, thuộc Đại học Tổng hợp Flinders. Cuối năm 2015, tôi giành được học bổng nghiên cứu thuộc chương trình Phát triển nghiên cứu sa sút trí tuệ, đồng tài trợ bởi Hội đồng nghiên cứu Y học và Sức khỏe Quốc gia và Hội đồng nghiên cứu Quốc gia Úc (NHMRC-ARC).

Pv: Được biết anh đã thành lập một nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia hàng đầu thế giới để nộp hồ sơ xin funding từ Hội đồng nghiên cứu Quốc gia Australia NHMRC và Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia Việt Nam NAFSOTED nhằm thiết lập hệ thống bằng chứng cho việc xây dựng kế hoạch quốc gia về phòng chống sa sút trí tuệ cho Việt Nam. Vì sao anh lại hướng đề tài nghiên cứu ở Việt Nam?

TS Nguyễn Tuấn Anh: Có một số nguyên nhân. Thứ nhất, có lẽ cũng như rất nhiều người Việt xa xứ, là một người con của Việt Nam, tôi không bao giờ quên cội nguồn nơi chôn rau cắt rốn của tôi. Được tu nghiệp ở một đất nước tiên tiến, tôi được tiếp cận không chỉ về lĩnh vực chuyên môn mà còn cả về văn hóa. Điều đầu tiên bọn trẻ nhà tôi được học ở Australia là câu cảm ơn. Chúng cảm ơn bất cứ ai làm bất cứ điều gì cho chúng, dù là điều nhỏ nhặt nhất và tôi học được điều đó từ các con, bạn bè và đồng nghiệp cũng như người dân xung quanh khi tôi tiếp xúc với họ.

Thực ra Việt Nam chúng ta các cụ cũng có dạy về sự biết ơn qua những câu như “Uống nước nhớ nguồn” hay “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Vì vậy lý do thứ nhất đó là báo ơn nguồn cội. Nếu bạn để ý từ đầu tôi đã nói đề tài tiến sỹ của tôi cũng là nghiên cứu về Việt Nam để phục vụ cho việc xây dựng chính sách quản lý giá thuốc tại Việt Nam.

Thứ hai, khi chuyển sang nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực sa sút trí tuệ, tôi được đi nhiều nơi, tiếp xúc và trao đổi với các đồng nghiệp trên thế giới, đặc biệt khi gặp các thành viên của hiệp hội ADI đến từ nước Indonesia, Singapore, Malaysia, Thailand, India, Bangladesh, Sri lanka, China, Hongkong, Macau và Taiwan, tôi mới thấy các tổ chức xã hội dân sự và phi chính phủ của bạn rất mạnh và thực sự ngưỡng mộ về những thành tựu các bạn đã làm được trong cuộc chiến vì người bệnh sa sút trí tuệ tại đất nước của các bạn. Chạnh lòng nghĩ về quê hương, về câu chuyện của ngoại và tôi tự nhủ tôi nhất định sẽ làm được điều gì đó cho quê hương.

Pv: Những mục tiêu chính mà nhóm nghiên cứu hướng đến?

TS Nguyễn Tuấn Anh: Thực ra ngay như cái tên của dự án là chúng ta có thể thấy rõ rồi. Mục tiêu chính của dự án là thiết lập được hệ thống bằng chứng khoa học để nhằm hỗ trợ cho việc xây dựng kế hoạch quốc gia về phòng chống sa sút trí tuệ ở Việt Nam, có những con số cụ thể đưa ra cho chúng ta có thể ngồi cùng với nhau, dựa vào những con số thực tế và khoa học đó để có thể xây dựng một chính sách, một kế hoạch phù hợp nhất, trong phạm vi nguồn lực hạn chế của chúng ta, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm gánh nặng bệnh tật cho người bệnh và người chăm sóc họ.

Pv:Theo anh việc nghiên cứu của các nhà khoa học ở nước ngoài có thuận lợi/khó khăn gì hơn các nhà khoa học ở Việt Nam? Làm thế nào để việc nghiên cứu khoa học ứng dụng ở Việt Nam thực sự phát triển tốt hơn?

Thứ nhất, phải nói thực là có thực mới vực được đạo. Các nhà khoa học tại các nước tiên tiến như tôi có thể sống tốt dựa vào đồng lương, không phải lo chuyện cơm áo gạo tiền, có thể chuyên tâm vào công việc nghiên cứu. Thứ hai, khi ở một nước tiên tiến, tôi ở ngay cạnh những chuyên gia hàng đầu thế giới nên học được ở họ rất nhiều điều. Đó là lý do tại sao ví dụ tôi có thể tiếp cận được với giáo sư Henry Brodaty, nhà nghiên cứu đứng đầu thế giới về sa sút trí tuệ. Khi đã xây dựng được mạng lưới với họ (networking), thông qua họ tôi tiếp cận được với các nguồn lực mới và liên tục mở rộng mạng lưới của tôi. Thứ ba, chúng tôi được tiếp cận với các cơ sở dữ liệu tốt, tin cậy và dễ dàng có được dữ liệu nghiên cứu hơn.

Thứ tư là vấn đề về ngoại ngữ và tiếp cận thông tin mới. Tôi ở nước nói tiếng Anh nên tiếng Anh là ngôn ngữ chính của tôi. Có được tiếng Anh, tôi lại được tiếp cận với các nguồn tạp chí chuyên ngành từ thư viện chuẩn miễn phí (thực chất ko hoàn toàn miễn phí vì trường đại học của tôi phải trả phí thay cho bọn tôi - Cái này khác với Việt Nam, ở mình để truy cập vào một bài báo mỗi cá nhân phải tự bỏ tiền túi ra, như tôi được biết chưa có trường đại học bỏ kinh phí để nhân viên có thể tiếp cận vào các nguồn tài nguyên tham khảo) nên tôi có được những thông tin cập nhật nhất về vấn đề tôi cần nghiên cứu, tôi biết được ai đã nghiên cứu vấn đề tôi quan tâm và nghiên cứu đến đâu, từ đó tìm ra định hướng nghiên cứu của mình.

Cuối cùng đó là môi trường làm việc, tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ trường ĐH Nam Úc nơi tôi đang công tác, từ việc hình thành ý tưởng đến xây dựng đề cương nghiên cứu đến nộp hồ sơ xin kinh phí, có một bộ phận hỗ trợ và luôn sát cánh cùng tôi trong suốt quá trình đó. Tôi nghĩ đó là điểm đặc biệt quan trọng để các nhà nghiên cứu có thể trưởng thành hơn và thành công trong nghề nghiệp của họ. Đặc biệt, tất cả mọi việc đều hết sức minh bạch và kinh phí tôi xin được hoàn toàn chỉ để phục vụ cho mục đích nghiên cứu.

Để nghiên cứu khoa học ở Việt Nam phát triển tốt hơn, chúng ta cần cải thiện từng bước các vấn đề tôi vừa nêu ra.

Xin trân trọng cảm ơn tiến sĩ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu