Bảo tàng Mỹ thuật Huế: Tăng cường giao lưu quốc tế trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật

Bảo Trang
Chia sẻ
(VOV5) - "Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm giao lưu, hợp tác và học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động của bảo tàng"...

Nằm trên trục đường Lê Lợi, bên bờ sông Hương thơ mộng của Thành phố Huế, Bảo tàng Mỹ thuật Huế là một trong những địa điểm không thể bỏ qua đối với du khách đến với Cố đô. Thành lập từ năm 2018, bên cạnh việc trưng bày và giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật của 2 nghệ sĩ người Pháp gốc Việt nổi tiếng thế giới là họa sĩ Lê Bá Đảng và nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, Bảo tàng Mỹ thuật Huế còn dành một không gian trưng bày về những tác phẩm mỹ thuật của các tên tuổi các nghệ sĩ tiêu biểu đã có đóng góp cho việc xây dựng nền mỹ thuật Huế từ đầu thế kỷ XX đến nay, ở các lĩnh vực hội họa, điêu khắc... Gần đây, Bảo tàng còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật có ý nghĩa.

Bảo tàng Mỹ thuật Huế: Tăng cường giao lưu quốc tế trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật - ảnh 1Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng mỹ thuật Huế 
Phóng viên Bảo Trang phỏng vấn bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng mỹ thuật Huế về việc hợp tác quốc tế, tăng cường công năng của bảo tàng trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị nghệ thuật của Huế cũng như của Việt Nam. 
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa bà, Bảo tàng Mỹ thuật nằm trong top Bảo tàng nổi tiếng, cũng là địa điểm không thể bỏ qua đối với du khách khi đến Huế!
Bà Đinh Thị Hoài Trai: Từ khi thành lập đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã phát huy rất tốt công năng của hai không gian trưng bày là Không gian trưng bày nghệ thuật Lê Bá Đảng ở 15 Lê Lợi, và Không gian trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị ở 17 Lê Lợi, thành phố Huế. Đây là những vị trí rất thuận lợi, không gian rất đẹp bên bờ sông Hương, phù hợp cho việc trưng bày các tác phẩm điêu khắc và hội họa, nên đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Khi du khách đến đây, bắt gặp giá trị nghệ thuật qua sự cống hiến rất lớn của hai nghệ sĩ này (mỗi người tặng hơn 400 tác phẩm trên nhiều chủ đề, nhiều thể loại), nhiều du khách đã rất ngỡ ngàng trước 2 bộ sưu tập của 2 nghệ sĩ người Pháp gốc Việt rất nổi tiếng. Tòa nhà trưng bày các tác phẩm của nghệ sĩ Điềm Phùng Thị là 1 trong 26 kiến trúc Pháp đã đưa vào danh mục bảo tồn của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nằm ở trên vị trí trục đường dành cho các thiết chế văn hóa bên dòng sông Hương - đó cũng là một trong những yếu tố làm nên hiệu quả và góp phần lớn trong công tác phát huy giá trị nghệ thuật của Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị.
Bảo tàng Mỹ thuật Huế: Tăng cường giao lưu quốc tế trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật - ảnh 2Không gian trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị

PV: Bên cạnh hai bộ sưu tập được trưng bày cố định thì Bảo tàng còn có những hoạt động gì để tiếp tục tôn vinh hai nghệ sĩ gốc Việt nổi tiếng, thưa bà?

Bà Đinh Thị Hoài Trai: Ngoài việc duy trì trưng bày hai bộ sưu tập cố định, chúng tôi cũng tổ chức những buổi sáng tác nghệ thuật có liên quan đến hai nghệ sĩ này. Ví dụ như nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị nổi tiếng với 7 module, vì vậy chúng tôi sử dụng 7 module này để tổ chức cho các em thiếu nhi, các em học sinh lắp ghép 7 module này theo ý tưởng sáng tạo của mình để trở thành những tác phẩm của chính các em. Điều này là sự sáng tạo nghệ thuật nhưng đồng thời cũng là trí tuệ, là năng khiếu thẩm mỹ của các em thể hiện trên từng tác phẩm. Hai nghệ sĩ Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị cũng có những sáng tác rất tương đồng trên cả hai lĩnh vực điêu khắc và hội họa. Ngay cả chủ đề của các tác phẩm cũng có sự tương đồng: đó là chủ đề về chiến tranh, về quê hương, gia đình, người phụ nữ, trẻ em. Vì vậy chúng tôi cũng rất thuận lợi khi tổ chức các hoạt động sáng tác để phát huy các giá trị nghệ thuật liên quan đến nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị. Ví dụ Lê Bá Đảng có các bộ sưu tập mèo, ngựa rất nổi tiếng, và chúng tôi tổ chức các hoạt động cho các em sáng tác các sản phẩm theo chủ đề mèo bằng sự chủ động sáng tạo của các em. Đó là những hoạt động vừa chơi vừa học, qua đó các bậc phụ huynh và các thầy cô phát hiện được năng khiếu của con em, học trò mình. Đó cũng là một trong các hình thức để chúng tôi phát huy giá trị nghệ thuật Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị ngoài những trưng bày cố định.

Bảo tàng Mỹ thuật Huế: Tăng cường giao lưu quốc tế trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật - ảnh 3Khung cảnh khai trương một triển lãm trong không gian Bảo tàng Mỹ thuật Huế

PV: Bà có nhắc tới việc tăng cường giao lưu quốc tế trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Cụ thể, Bảo tàng Mỹ thuật Huế sẽ triển khai như thế nào?

Bà Đinh Thị Hoài Trai: Trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19 nên chúng tôi không thực hiện được công tác tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm giao lưu, hợp tác và học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động của bảo tàng, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật với các nước trên thế giới. 

Đặc biệt, Bảo tàng Mỹ thuật Huế sẽ có sự phối hợp với Sở ngoại vụ Thừa Thiên Huế để có sự kết nối, hỗ trợ các hoạt động của bảo tàng với các nước trên thế giới, đặc biệt là những nghệ sỹ gốc Việt ở nước ngoài. Khi có được sự kết nối đó, chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận, giao lưu và cùng nhau đồng hành tổ chức không chỉ các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại Huế, tại Việt Nam, mà còn có thể mang những bộ sưu tập của Bảo tàng đang có, giới thiệu tới bạn bè quốc tế. Đó không chỉ là cơ hội để giới thiệu nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị, mà còn là nét đẹp con người Huế nói riêng, con người Việt Nam nói chung.
Bảo tàng Mỹ thuật Huế: Tăng cường giao lưu quốc tế trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật - ảnh 4Không gian trưng bày nghệ thuật Lê Bá Đảng

PV: Thời gian gần đây đã có nhiều kiều bào và người nước ngoài tìm về Huế, tìm đến Bảo tàng mỹ thuật trogn các hoạt động hợp tác phải không thưa bà?

Bà Đinh Thị Hoài Trai: Đối với các nghệ sĩ mong muốn có sự phối với của Bảo tàng Mỹ thuật Huế để tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật thì chúng tôi luôn tạo điều kiện về cơ sở vật chất, về công tác trưng bày, hoặc các thủ tục pháp lý liên quan... Các nghệ sỹ chỉ cần mang tác phẩm về trưng bày, còn những vấn đề phục vụ cho việc trưng bày, triển lãm đã có chúng tôi hỗ trợ tất cả.

PV: Vâng, xin cảm ơn bà!

Một số hình ảnh bên trong không gian trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Huế:
Bảo tàng Mỹ thuật Huế: Tăng cường giao lưu quốc tế trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật - ảnh 5
Bảo tàng Mỹ thuật Huế: Tăng cường giao lưu quốc tế trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật - ảnh 6
Bảo tàng Mỹ thuật Huế: Tăng cường giao lưu quốc tế trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật - ảnh 7
Bảo tàng Mỹ thuật Huế: Tăng cường giao lưu quốc tế trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật - ảnh 8
Bảo tàng Mỹ thuật Huế: Tăng cường giao lưu quốc tế trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật - ảnh 9

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu