Trả lời thính giả về các hoạt động chiến thắng Điện Biên Phủ; tục lệ Thanh Minh

Chia sẻ
(VOV5) - Thính giả quan tâm tới nhiều điểm du lịch, các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ;tục lệ thanh minh của người Việt.

Trong thư gửi về chương trình tuần qua, thính giả hỏi về các địa điểm du lịch; các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; tục lệ Tiết thanh minh.. Chương trình trả lời những yêu cầu của thính giả.

Nghe âm thanh tại đây:
 

Chào quý vị, chào các bạn,

Gửi thư về các chương trình, thính giả ở khắp nơi bày tỏ sự thú vị về những nội dung đăng tải trên trang web vov5.

Thính giả bày tỏ về các vấn đề thời sự được cập nhật hằng ngày, giúp hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam. Những bài viết trong nhiều chuyên mục như đời sống xã hội, ca nhạc, văn nghệ, những bài viết về đời sống của kiều bào khắp nơi luôn được thính giả quan tâm theo dõi. Nhiều thính giả cũng quan tâm tới các hoạt động chuẩn bị kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Thính giả Khampasong, từ Lào, muốn tìm hiểu về các hoạt động kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam. Chương trình xin thông tin:

Lễ diễu binh, diễu hành tại sân vận động tỉnh Điện Biên sẽ được tổ chức vào sáng 7/5/2024 với sự tham gia của hơn 12 ngàn người. Buổi lễ diễu binh, diễu hành sẽ có sự tham gia của lực lượng pháo lễ, lực lượng không quân bay chào mừng, lực lượng diễu binh, diễu hành, lực lượng đứng trên sân. Điểm nhấn đặc sắc của Lễ diễu binh, diễu hành bắt đầu bằng 21 loạt pháo trên nền Quốc thiều nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Lễ hội Hoa Ban năm 2024 đã và đang diễn ra cũng là sự kiện văn hóa mở đầu cho chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Các hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên Phủ 2024 được tổ chức từ tháng 1 - 5/2024, diễn ra tập trung từ ngày 13 - 18/3/2024, tại các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Tủa Chùa, thị xã Mường Lay, trọng tâm tại thành phố Điện Biên Phủ. Chương trình cầu truyền hình trực tiếp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ dự kiến được tổ chức vào 20h ngày 5/5/2024 tại 5 điểm cầu: Hà Nội, TP HCM, Kon Tum, Thanh Hoá và Điện Biên; trong đó Điện Biên sẽ là điểm cầu chính. Chương trình nghệ thuật “Sống mãi với Điện Biên” sẽ có nhiều tiết mục biểu diễn đặc sắc của các tài năng nghệ thuật xiếc, sẽ diễn ra trong các ngày 4,5,11 và 12/5 tại Rạp Xiếc Trung ương, Hà Nội. Nhiều triển lãm đặc sắc về đề tài Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng được tổ chức. Liên hoan chiến sĩ nhỏ Điện Biên của thiếu nhi Hà Nội cùng các cuộc thi sáng tác tác phẩm nghệ thuật, văn học...về đề tài này sẽ được tổ chức dịp này. Hội Sinh viên Việt Nam triển khai cuộc thi thiết kế sản phẩm với chủ đề "Sinh viên với khát vọng non sông".

Thính giả Rous Chantra, người Campuchia, muốn chương trình giới thiệu về một số cung đường trekking nổi tiếng ở Việt Nam.Chúng tôi xin giới thiệu:

Tà Năng – Phan Dũng, cung đường trekking xuyên rừng đi qua ba tỉnh Lâm Đồng – Ninh Thuận – Bình Thuận đang thu hút những người mê khám phá ở phía Nam. Hang Én, tỉnh Quảng Bình cũng là một địa điểm thú vị. Vườn quốc gia Núi Núi Chúa, Ninh Thuận; Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh; Hòn Bà, Khánh Hòa, Vườn quốc gia Cúc Phương nằm trên địa phận 3 tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa;Tả Liên Sơn, tỉnh Lai Châu hay Bidoup-Núi Bà, Lâm Đồng đều là những cung đường khám phá bằng đường bộ thú vị của Việt Nam.

Nhiều thính giả muốn tìm hiểu về chùa Keo Hành Thiện, ngôi chùa không sư độc đáo với hơn 400 năm tuổi ở Nam Định.

Chùa Keo Hành Thiện mang đậm vẻ đẹp, phong cách kiến trúc xưa khiến du khách gần xa không khỏi yêu thích, quyến luyến mỗi khi ghé thăm. Nằm ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, chùa Keo Hành Thiện là một trong những ngôi chùa cổ được bảo tồn gần như nguyên vẹn lối kiến trúc với tuổi đời hơn 400 năm. Hành Thiện là tên gọi xưa của ngôi làng thuộc phủ Xuân Trường. Dấu tích đầu tiên của chùa Keo là ở làng Dũng Nhân (còn gọi là làng Keo, ở huyện Giao Thủy, Nam Định). Năm 1061, Thiền sư Không Lộ (một vị quan văn võ song toàn từ thời Lý, có tài bốc thuốc, chữa bệnh) dựng chùa Nghiêm Quang ven sông Hồng. Theo thời gian, nước sông Hồng xói mòn dần nền chùa; đến năm 1611, một trận lũ lớn đã cuốn trôi cả làng mạc lẫn ngôi chùa.Dân làng Keo phải rời bỏ quê cha đất tổ, một nửa vượt sông đến định cư ở phía Đông Bắc tả ngạn sông Hồng (về sau dựng nên chùa Keo Thái Bình); một phần xuống vùng Xuân Trường, dựng chùa Keo Hành Thiện (Thần Quang).Theo truyền tụng, khi Thiền sư Không Lộ dựng nên chùa Thần Quang tại đây, dân làng nơi đây không mấy mặn mà với khói nhang, tượng Phật, khiến Đức Thánh tổ giận dữ. Trong một đêm, Đức Thánh đan không biết bao nhiêu rọ tre, rồi đưa tất cả tượng Phật vào đó. Ngài ngả nón làm thuyền vượt sông Hồng sang đất Thái Bình, mang theo tất cả tượng Phật về nơi đất mới. Để rồi sau một đêm, khi dân làng Duy Nhất (huyện Vũ Thư, Thái Bình) tỉnh giấc đã thấy ngôi chùa sừng sững mọc lên. Đức Thánh tổ rời bỏ chùa cũ với lời nguyền: sẽ không có sư nào đến ở đất Hành Thiện. Cũng từ đó, đất Thần Quang "có tiếng" là đất kỵ sư. Theo các bậc cao niên trong làng Hành Thiện, nhiều lần, các vị sư theo sự phân công của Giáo hội Phật giáo về trông coi chùa Thần Quang, được dăm ba ngày chẳng hiểu vì lý do gì cũng đều khăn gói ra đi.

Thính giả Đinh Lộ, ở Quảng Đông, Trung Quốc, hỏi về tập tục trong tiết Thanh Minh ở Việt Nam

Từ bao đời nay, Tiết Thanh Minh đã trở thành một tục lệ quen thuộc của người Việt trong dịp đầu năm. Ngày này có ý nghĩa nhân văn và giá trị văn hóa, tinh thần. Về mặt nghĩa đen, thanh là khí trong, minh là sáng sửa. Tiết thanh minh nghĩa là khi trời mát mẻ quang đãng. Tiết thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí, bắt đầu sau ngày Lập Xuân 45 ngày. Tiết thanh minh kéo dài khoảng 15 - 16 ngày, và ngày đầu tiên được gọi là Tết thanh minh. Vào năm 2024, Tết thanh minh sẽ nhằm ngày 4/4 Dương lịch (26/2 Âm lịch), sau khi kết thúc tiết xuân phân và kéo dài đến ngày 20/4. Tiết Thanh Minh là khoảng thời gian mà hầu hết mọi người lại cùng nhau hường về cội nguồn và tưởng nhớ đến những người đã khuất. Trong Tiết Thanh minh, tất cả mọi người trong dòng họ, gia đình sẽ quây quần lại bên nhau để cùng nhau bàn bạc về công việc sẽ dọn dẹp mộ của những người đã khuất. Sau đó, sẽ làm lễ cúng ở mộ, làm mâm cơm cúng gia tiên.

 

 

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu