Trả lời những nội dung về văn hóa, đời sống xã hội của Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Tuần qua, chương trình nhận được khá nhiều thư của thính giả ở khắp nơi  gửi về với những nội dung, yêu cầu khác nhau.

Trong thư gửi về chương trình tuần qua, thính giả mong muốn được tìm hiểu nhiều về đời sống, văn hóa của Việt Nam như tháp nước Hàng Đậu, di sản văn hóa hàng trăm năm tuổi hay chùa Xiêm Cán, Bạc Liệu.

Nghe âm thanh tại đây:

 

Chào quý vị, chào các bạn,

Tuần qua, chương trình nhận được khá nhiều thư của thính giả ở khắp nơi và nội dung cũng phong phú.

Thính giả Kotaz, gắn bó với Đài TNVN gửi báo cáo  bắt được sóng của các chương trình. Thính giả muốn nhận được xác nhận nghe đài. Nhiều thính giả quan tâm tới tình hình kinh tế xã hội và tiềm năng du lịch của Việt Nam. Qua trang web, thính giả cũng chia sẻ nhiều ý kiến về các bài viết, các chuyên mục khám phá, văn hóa, sức khỏe, người Việt muôn phương. Cảm ơn thính giả luôn đồng hành với chương trình.

Sau đây là yêu cầu được giải đáp của thính giả Kinoshita Hiromichi, ở Fukuoka, Nhật Bản. Thính giả hỏi vào mùa đông, Việt Nam có loại hoa nào nở rộ nhất? Chương trình xin được trả lời như sau:

Cúc họa mi là loài hoa đầu tiên chúng tôi muốn nói tới.  Đây là loài hoa báo hiệu mùa đông đang cận kề. Bạn có thể ghé đến những khu làng hoa lớn và nổi tiếng tại Hà Nội để ngắm cúc họa mi. Hoa Dã Quỳ là loài hoa nở vào mùa đông với màu sắc vàng cam tuyệt đẹp. Đây là một trong những loài hoa mùa đông đẹp nhất ở Đà Lạt. Thêm một loài hoa mùa đông ở Hà Nội không thể bỏ lỡ vào cuối tháng 11 đến tháng 12 là hoa cải vàng, nhìn xa như một dải lụa vàng báo hiệu cho mùa xuân lễ tết sắp đến. Mộc Châu và Đà Lạt lại thu hút giới trẻ nhờ màu trắng tinh khôi của những bông hoa cải trắng, nở rộ tầm cuối tháng 11 đến tháng 12 khi thời tiết bắt đầu lạnh dần và chỉ nở trong vòng chưa đến 30 ngày. Nhắc tới Hoa Trạng Nguyên, mọi người thường nghĩ đến ngày Giáng Sinh cận kề bởi những ngày gần Giáng Sinh cũng là lúc loài hoa đỏ thắm này vẫy gọi cả cao nguyên Mộc Châu. Một trong những loài hoa đặc trưng của mùa đông không thể không nhắc đến chính là hoa Tam Giác Mạch huyền thoại ở Hà Giang. Hoa Mimosa rất ít người biết đến bởi sau mùa dã quỳ, mọi người thường náo nức mong chờ mùa hoa hướng dương hoặc hoa mai anh đào. Ở Việt Nam, hoa cẩm tú cầu thường mọc ở vùng cao vào cuối năm khi tiết trời trở lạnh nên không lạ gì khi loài hoa này được liệt vào danh sách các loại hoa mùa đông đẹp nhất ở Đà Lạt. Nếu bạn tới Việt Nam, bạn nên dành thời gian tới các vùng để thưởng thức vẻ đẹp của các loài hoa.

Từ Vientiane, Lào, thính giả Souksada muốn tìm hiểu về Tháp nước Hàng Đậu và các hoạt động tại điểm du lịch này. 

Sau 129 năm, lần đầu tiên di tích quen thuộc với người dân thủ đô - tháp nước Hàng Đậu được mở cửa, sự kiện đặc biệt này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Tháp nước Hàng Đậu được người Pháp xây vào năm 1894, nằm tại ngã sáu của các phố cổ: Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và đường Phan Đình Phùng. Một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, ánh sáng và âm thanh được nhóm thiết kế gồm kiến trúc sư Cao Thế Anh, họa sĩ Nguyễn Đức Phương và các cộng sự thực hiện. Đặc biệt, các tác phẩm làm nên không gian nghệ thuật bên trong tháp nước đều là vật liệu tái chế. Âm thanh của tiếng nước rơi được thu âm và phát trực tiếp, kết hợp với hiệu ứng ánh sáng giúp không gian tháp nước như được mở rộng. Du khách như lạc vào không gian yên tĩnh, đầy mê hoặc bên trong tháp nước với con đường gỗ, với những mảng xanh đỏ và âm thanh của nước. Để đảm bảo trải nghiệm trọn vẹn cho du khách, khi tham quan du khách sẽ đi vào theo nhóm 20-30 người. Việc thi công, thiết kế cho không gian nghệ thuật này được tuân thủ nghiêm ngặt để di sản không chịu tác động. Triển lãm pavilion Sắp đặt nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu ngay bên ngoài Tháp nước cũng là những trải nghiệm thú vị cho du khách.

Thính giả Kim Seyha, Campuchia, muốn được nghe giới thiệu về chuyến tàu “Hành trình di sản” đưa người dân từ ga Hà Nội đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm thưởng thức nghệ thuật.

Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023, chuyến tàu Hành trình di sản đưa người dân từ ga Hà Nội đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm thưởng thức nghệ thuật. Theo lịch trình được công bố, đoàn tàu khởi hành từ ga Hà Nội, đi qua ga Long Biên đến ga Gia Lâm với tổng thời gian di chuyển khoảng 22 phút. Đây là lần đầu tiên Hà Nội có tuyến tàu phục vụ khách trải nghiệm khám phá các điểm tham quan lịch sử trong nội đô. Tuyến tàu kết nối các công trình kiến trúc lịch sử trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, như Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn, Nhà thờ Cửa Bắc, Cầu Long Biên, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm… Du khách trên chuyến tàu sẽ trải nghiệm cảnh đẹp phố phường Hà Nội và cảnh quan hai bờ sông Hồng, cũng như tìm hiểu về di sản văn hóa và lịch sử của Thủ đô.

Nhiều thính giả  muốn tìm hiểu về ngôi chùa Khmer Xiêm Cán, tỉnh Bạc Liêu.

Chùa Xiêm Cán là một trong những ngôi chùa Khmer lớn và đẹp lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Nam bộ. Chùa Xiêm Cán nằm cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng chừng 7km về hướng Đông tại ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Thạnh Đông. Đây là một tuyến đường kết nối nhiều điểm đến nổi tiếng như Vườn chim Bạc Liêu, nhà công tử Bạc Liêu. Dựa theo ghi chép trên bia đá được tạc bằng chữ Khmer cổ ở hai mặt trước và sau đặt bên phải chính điện; thì chùa Xiêm Cán được khởi công xây dựng vào ngày 7 tháng 5 dương lịch năm 1887. Tuy không phải là ngôi chùa Khmer cổ nhất ở khu vực này, nhưng Chùa Xiêm Cán luôn là điểm dừng chân của du khách mỗi khi đặt chân đến Bạc Liêu, chính bởi những đường nét hoa văn tinh xảo, lối kiến trúc độc đáo. Chùa là một tổng thể kiến trúc gồm nhiều hạng mục, như: tường thành bao quanh, cổng tam quan, chính điện, sala, tháp chuông, cột trụ biểu, khu mộ tháp, nơi nghỉ ngơi của các sư, giảng đường … Tất cả các hạng mục đều thể hiện rõ phong cách Angkor Khmer truyền thống và đều quay về một hướng, đó là hướng Đông.

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu