Thính giả muốn tìm hiểu về nhiều nội dung như phố đi bộ Nguyễn Huệ; các loại hình du lịch mạo hiểm...

Chia sẻ
(VOV5) - Gửi thư về chượng trình, các thính giả cũng bày tỏ sự thích thú và nhiều ý kiến khác nhau với các chuyện mục của Ban đối ngoại và trang web vovworld.vn.

Tuần qua, trong thư gửi về chương trình, nhiều thính giả muốn tìm hiểu một số nội dung về đất nước và văn hóa Việt Nam như phố đi bộ Nguyễn Huệ; các loại hình du lịch mạo hiểm; người Việt Nam ăn uống như thế nào?

Nghe âm thanh tại đây:
Chào quý vị, chào các bạn,

Tiếp  tục là những lá thư từ khắp nơi gửi về với nhiều nội dung và yêu cầu tới chương trình.

Một  số thính giả viết: “Chương trình Đài Tiếng nói Việt Nam mà tôi nghe từ năm 1992 đã giúp tôi hiểu hơn về đất nước các bạn". Từ Santander, Tây Ban Nha, thính giả Juan Diez nhận xét: “Lễ thượng cờ đầu tiên của nước Cộng hòa Dominicana tại Hà Nội là một sự kiện lịch sử có giá trị to lớn đối với các nước Mỹ Latinh. Trong thư gửi về chương trình, bạn Phan Thị Hương Giang, sinh năm 1983 đang cư trú tại Cộng hòa Sec mong muốn được làm cộng tác viên của cơ quan thường trú Đài TNVN tại nước này. Chị viết: “Tôi mong muốn được tham gia vào đội ngũ cộng tác viên của Đài tại Sec đồng hành cùng đài để đưa thông tin đến với độc giả, người nghe đài là bà con trong nước, cũng như kiều bào tại Séc và kiều bào năm châu. Tôi cam kết làm việc một cách nghiêm túc, đóng góp hết mình cho sự phát triển của Đài”. Cảm ơn vì sự tâm huyết của bạn với Đài TNVN và nguyện vọng của bạn chúng tôi sẽ chuyển tới lãnh đạo cấp trên xem xét.  

Gửi thư về chương trình, các thính giả cũng bày tỏ sự thích thú và nhiều ý kiến khác nhau với các chuyện mục của Ban đối ngoại và trang web VOV5. Các biên tập viên, phóng viên của chương trình vẫn kết nối hàng ngày với thính giả trong nước và các nước, các phóng viên của cơ quan thường trú khắp nơi để thông tin về tình hình đất nước cũng như cập nhật về đời sống của bà con người Việt. 

Quý thính giả thân mến,

Về câu hỏi của nhiều thính giả muốn biết thông tin về Đài tưởng niệm cuộc Tổng tiến công năm 1968 được xây dựng tại thành phố Hồ Chí Minh, chương trình xin thông tin:

Đài tưởng niệm 82 liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch  Mậu Thân 1968, nằm trong khuôn viên Đài liệt sĩ quận Tân Phú, phường Tây Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mộ 82 liệt sĩ được cải táng về Nghĩa trang Thành phố. Tại đây,  lập Đài tưởng niệm 82 liệt sĩ hy sinh trận đánh vào ngày 5/5 /1968 trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đợt 2 Tết Mậu Thân. Vào các dịp lễ, người dân và du khách đến dâng hương tại đây.

Thính giả Heng Dina, người Campuchia muốn tìm hiểu phố đi bộ Nguyễn Huệ, ở thành phố Hồ Chí Minh.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ là con đường nằm ở trung tâm Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Con đường này nối liền Trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố với bờ sông Sài Gòn và bến Bạch Đằng. Phố đi bộ Nguyễn Huệ mở cửa cả ngày, nhưng hai bên đường vẫn có xe cộ đi lại. Riêng vào tối thứ 7 và chủ Nhật là các loại xe đều bị cấm đi vào con phố này. Khi đó, phố Nguyễn Huệ mới thực sự là con đường dành cho những người đi bộ. Phố đi bộ Nguyễn Huệ ở trung tâm Sài Gòn được khánh thành vào ngày 30/04/2015, sau khoảng 7 tháng thi công. Con phố có hai đoạn là Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quảng trường Nguyễn Huệ. Phố đi bộ Nguyễn Huệ có chiều dài 670m, rộng 64m. Dọc con phố là những hàng cây xanh mát, 2 đài phun nước lớn, phía bên dưới là hệ thống ngầm gồm trung tâm theo dõi, trung tâm điều khiển nhạc nước, ánh sáng. Đường sách Nguyễn Huệ nằm ngay trên khu vực phố đi bộ, là địa điểm yêu thích của khách du lịch và những bạn trẻ yêu thích đọc sách, sưu tầm sách. Hiện nay, ở trên khu vực này, có rất nhiều quán cà phê vị trí đẹp, các quán trà sữa, quán ăn

Một số thính giả muốn tìm hiểu loại hình du lịch mạo hiểm tại Việt Nam. Chúng tôi xin giới thiệu một số loại hình như sau:

Dù lượn là môn thể thao mạo hiểm được hoạt động bằng sức gió được ca nô kéo đi với tốc độ nhanh. Tham gia trò chơi này, bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác lơ lửng ở độ cao 70 đến 100 m để ngắm nhìn đại dương từ trên cao. Leo núi là môn thể thao đòi hỏi sự đoàn kết cao giữ mọi người, được cố định bởi dây an toàn được thắt trên núi, khi tham gia bạn sẽ phải đeo dây bảo hiểm và móc an toàn bám vách đá. Flyboard  là một dụng cụ bay cá nhân trên mặt nước. Đu dây vượt thác trò chơi đòi hỏi người chơi phải vượt qua các vách đá cheo leo, đối diện với dòng nước chảy thẳng vào mặt tạo cảm giác cực mạnh. Chèo thuyền kayak vượt suối yêu cầu người chơi phải có lòng can đảm, sự bình tĩnh, khả năng xử lý tình huống khéo léo nhanh chóng. Zipline là trò chơi đu dây mạo hiểm đưa người chơi vượt qua nỗi sợ độ cao.

Từ Gladbeck, Đức, thính giả Frank Bresonik hỏi người Việt Nam thường ăn những món ăn gì vào buổi sáng, trưa và tối?

Buổi sáng,  người Việt Nam lựa chọn các món ăn khác nhau. Nhiều gia đình nấu cơm ăn sáng hoặc rang cơm, hoặc nấu mỳ, miến, phở tại nhà. Còn khá nhiều người Việt thường lựa chọn ăn xôi, bánh mỳ, bún phở…ở các quán ăn ngoài đường. Buổi trưa, với những gia đình có người không đi làm, thường nấu ăn tại nhà. Với những người đi làm, có thể nấu cơm mang theo cơm, hoặc đặt đồ ăn hay ăn ở các quán ngoài đường. Món ăn cũng rất đa dạng có thể là các quán sang trọng cũng có thể là các món bình dân. Còn buổi tối, đa phần người Việt ăn bữa tối ở nhà cùng nhau.

Về câu hỏi của thính giả Paul Jamet, ở Pháp, muốn biết thêm các thông tin về hệ thực vật ở Việt Nam, đặc biệt là các loài đặc hữu, chúng tôi xin thông tin như sau:

Hệ thực vật rừng Việt Nam phong phú về chủng loại. Cho đến nay, đã thống kê được gần 10 ngàn 500 loài thực vật bậc cao có mạch, khoảng 800 loài rêu và 600 loài nấm. Theo dự đoán của các nhà thực vật học số loài thực vật bậc cao có mạch ít nhất sẽ lên đến 12.000 loài, trong đó có khoảng 2.300 loài đã được nhân dân dùng làm nguồn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thức ăn cho gia súc, lấy gỗ, tinh dầu và nhiều nguyên vật liệu khác. Hệ thực vật Việt Nam còn nhiều loài mà chưa biết công dụng của chúng. Cũng có thể có rất nhiều loài có tiềm năng như một nguồn cung cấp dược liệu hết sức quan trọng. Hệ thực vật Việt Nam có mức độ đặc hữu cao. Tuy rằng hệ thực vật Việt Nam không có các họ đặc hữu và chỉ có khoảng 3% số chi là đặc hữu (như các chi Ducampopinus, Colobogyne) nhưng số loài đặc hữu chiếm khoảng 33% số loài thực vật ở miền Bắc Việt Nam và hơn 40% tổng số loài thực vật toàn quốc. Phần lớn số loài đặc hữu này tập trung ở bốn khu vực chính: khu vực núi cao Hoàng Liên Sơn ở phía Bắc, khu vực núi cao Ngọc Linh ở miền Trung, cao nguyên Lâm Viên ở phía Nam và khu vực rừng mưa ở phần Bắc Trung Bộ. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu