Tuần qua, trong thư gửi về chương trình, thính giả mong muốn được tìm hiểu về những đặc trưng trong Tết Nguyên đán của người Việt: những phong tục trong Tết, tục lễ chùa đầu năm…
Nghe âm thanh tại đây:
Chào quý vị, chào các bạn,
Chỉ còn vài ngày nữa, người Việt trên toàn thế giới cùng nhau bước qua năm mới, năm Nhầm Dần. Trong những ngày cuối cùng của năm cũ, mỗi người đều tất bật chuẩn bị làm nốt những công việc của năm và chuẩn bị cho những dự định trong tương lai. Thính giả ở khắp nơi cũng chung chia vui cảm xúc này:
Nhiều thính giả đã gửi thư, gửi bưu thiếp và những lời chúc năm mới, mong muốn dịch bệnh qua nhanh để có thể đón Tết mà không cảm thấy bất kỳ sự lo lắng nào. Một số thính giả Campuchia cũng chia sẻ cảm nhận về Tết cổ truyền của Việt Nam, nhất là được tham gia phong tục gói bánh chưng. Các thính giả từ Trung Quốc, Lào, từ Ấn Độ, Algiery và nhiều quốc gia khác cũng như rất nhiều thính giả ở trong nước trong suốt một năm qua, đã luôn đồng hành, trở thành những người bạn thân thiết của làn sóng Tiếng nói Việt Nam. Họ đã theo dõi, sẻ chia và đóng góp nhiều ý kiến để các chương trình ngày càng trở nên phong phú hơn, hấp dẫn hơn. Trên sóng phát thanh và trang web, các thính giả cũng đã có nhiều ý kiến, đề nghị được giải đáp trên nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Một năm khó khăn của dịch bệnh cũng là đề tài nóng được các cộng tác viên, phóng viên các cơ quan thường trú ở trong nước và nước ngoài kịp thời phản ánh. Những sự kiện, hoạt động của bà con kiều bào ở khắp nơi trên thế giới đã được cập nhật hàng ngày, hàng giờ. Cảm ơn quý thính giả, các cộng tác viên và đồng nghiệp của chương trình đã luôn đồng hành và hỗ trợ chúng tôi.
Quý thính giả thân mến, một phần không thể thiếu trong chuyên mục là những yêu cầu được giải đáp của thính giả. Tuần này, thính giả Kim Lay Heang, ở Phnom Penh, Campuchia, muốn được nghe giới thiệu về làng làm hương ở Việt Nam.
Nghề làm hương có từ lâu đời và trở thành những nghề truyền thống ở nhiều địa phương. Có thể kể đến Làng hương xạ Cao Thôn, ở Hưng Yên, với lịch sử hơn 200 năm được coi là cái nôi của nghề làm hương truyền thống ở Việt Nam. Các sản phẩm hương đa dạng đã khẳng định được thương hiệu trong nhiều gia đình Việt và xuất khẩu tới nhiều quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia…Không thể không nhắc tới làng hương trầm Quỳ Châu, ở Nghệ An, tồn tại gần 40 năm. Hay làng làm hương Hoàng Xá, ở Hải Dương, làng hương Báo Ấn, ở Hà Tĩnh; làng hương Thủy Xuân, ở Thừa Thiên Huế. Mỗi làng nghề lại có những cách làm hương riêng nhưng cuối cùng là đảm bảo cho ra thị trường những sản phẩm đủ chất lượng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt, ngày Tết hoặc ngày rằm, mùng một, những nén hương thơm được thắp lên thể hiện truyền thống của người Việt luôn ghi nhớ, tri ân công đức tổ tiên.
Thính giả Duongdi, ở tỉnh Attapu, Lào, muốn tìm hiểu về các phong tục trong ngày Tết âm lịch của Việt Nam.
Phong tục ngày Tết của Việt Nam có rất nhiều, có thể kể đến là Cúng ông Công, ông Táo; Gói bánh chưng; Chơi hoa dịp Tết; bày mâm ngũ quả; Dọn dẹp nhà cửa; Viếng thăm mộ tổ tiên; Cúng tất niên; đón giao thừa; Hái lộc: Xông đất; Chúc Tết và mừng tuổi; đi lễ chùa đầu năm và xuất hành.
Về câu hỏi muốn được nghe thông tin về lễ chùa đầu năm của người Việt, chương trình xin thông tin:
Lễ chùa đầu năm mới là một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người dân. Mỗi người đi chùa luôn cầu mong những điều tốt đẹp, may mắn, bình an đến với bản thân, gia đình. Ngay từ đêm giao thừa, thời khắc thiêng liêng chuyển giao đất trời, khép lại năm cũ và chào đón một năm mới, nhiều người đã đến các cửa chùa để cầu an và xin một nhánh lộc non với hy vọng sẽ gặp may mắn, tài lộc, mọi điều tốt lành trong năm mới. Do đó, việc xin lộc đầu năm đã trở thành tục lệ. Cũng theo phong tục cổ truyền, lộc xuân hái từ những cây như: đa, sung, sanh, si sẽ đem lại sức khoẻ, sự trường tồn; còn hái lộc từ những cây như tùng, cúc, trúc, mai sẽ mang lại niềm vui, hạnh phúc và may mắn. Nhánh cây được người dân đem về treo trước cửa nhà hoặc đặt trên bàn thờ gia tiên với hy vọng rước được phước lộc về cho gia đình. Ngoài ra, với người dân ở nhiều địa phương, đi lễ chùa đầu năm thường sẽ có mâm lễ bao gồm hương, hoa, tiền vàng và một tờ sớ viết bằng chữ nho, ghi những điều cầu mong của gia chủ cho một năm vạn sự như ý…
Nhiều thính giả mong muốn được tìm hiểu về các món ăn truyền thống của Việt Nam. Chương trình xin được thông tin một số món ăn được du khách ở trong nước và nước ngoài rất ưa chuộng:
Phở là món ăn được nhắc đến đầu tiên. Đây là một món ăn truyền thống và cũng có thể xem là món ăn đặc trưng nhất cho ẩm thực Việt Nam. Tùy vùng miền mà phở có phương pháp chế biến và hương vị khác nhau ít nhiều. Trên bình diện quốc tế, đã có rất nhiều nhà hàng chuyên về phở của người Việt được mở ra ở Bắc Mĩ, châu Âu và Australia. Sau phở phải kể đến nem cuốn, một món chính trong thực đơn của nhiều nhà hàng Việt và cũng được rất nhiều người nước ngoài ưa chuộng. Tiếp đó là bánh xèo là một loại bánh đặc trưng của Việt Nam, có bột bên ngoài, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá đỗ, được rán màu vàng, nặn hình tròn hoặc bán nguyệt. Tuỳ theo từng địa phương tại Việt Nam mà bánh có cách chế biến và hương vị riêng. Là một đặc sản của xứ Huế, bún bò Huế đã nhanh chóng chiếm lĩnh trái tim của những người sành ẩm thức nước ngoài. Bún có hương vị rất riêng với nước dùng làm từ xương bò hầm chín có cho thêm mắm ruốc và chả lợn hay chả bò. Còn Bún chả nem lại thu hút thực khách bởi thành phần chính là nem rán, gồm hai phần vỏ và nhân nem. Vỏ nem hay bánh đa nem là loại bánh tráng bằng bột gạo xay với nước, tráng mỏng, phơi khô. Nhân nem thường bao gồm thịt lợn hoặc thịt bò băm nhỏ, miến ngâm mềm cắt ngắn, mộc nhĩ, nấm hương, hành, trứng, hạt tiêu và gia vị…
Nếu có dịp tới Việt Nam, các bạn đừng bỏ lỡ việc thưởng thức hương vị của các món ăn này. Tới đây, chuyên mục xin được tạm dừng. Những yêu cầu của thính giả chúng tôi sẽ tiếp tục giải đáp trong những chuyên mục tiếp theo. Hẹn gặp lại quý thính giả trong năm mới Nhâm Dần.