Các cơ quan, ban ngành tổ chức lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Chia sẻ

(VOV5) - Ngày 28/2, nhiều cơ quan, ban ngành tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các buổi hội nghị, tọa đàm lấy ý kiến góp ý về một số nội dung trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

(VOV5) - Ngày 28/2, nhiều cơ quan, ban ngành tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các buổi hội nghị, tọa đàm lấy ý kiến góp ý về một số nội dung trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tại Hà Nội, trong buổi tọa đàm trực tuyến với các chuyên gia Bộ Tư pháp, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, các đại biểu phân tích nội dung dự thảo cũng như các điểm mới để người dân dễ dàng tiếp cận và từ đó có ý kiến đóng góp xác đáng đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thảo luận về nội dung kiểm soát quyền lực được bổ sung tại Điều 2 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khi nói về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, các chuyên gia cho rằng: việc xây dựng một bản Hiến pháp là công cụ hữu hiệu để nhân dân kiểm soát quyền lực Nhà nước. Để việc kiểm soát có hiệu quả thì công tác lập pháp, hành pháp, tư pháp phải được quy định rõ trong Hiến pháp.

Các cơ quan, ban ngành tổ chức lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 - ảnh 1
Các chuyên gia tham gia đối thoại trực tuyến. Ảnh: VGP

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức hội nghị góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 dành cho các chức sắc tôn giáo, dân tộc và kiều bào. Một số ý kiến đại biểu cho rằng dự thảo sửa đổi Hiến pháp rất phù hợp cho giai đoạn đất nước đang phát triển và hội nhập quốc tế, tuy nhiên, cũng có những từ, những câu diễn đạt chưa thật chính xác ngữ nghĩa, chưa logic, cần được suy xét cho phù hợp hơn. Liên quan đến vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, mục sư Trần Thanh Truyện, Tổng thư ký Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam, đề xuất:“Điều 25 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã đáp ứng được thực tế hiện nay. Trước đây ghi là “công dân có quyền tự do tín ngưỡng”, do đó lần này đổi lại “mọi người có quyền tự do tín ngưỡng” rất phù hợp. Ở điều 25 có viết “Không ai được quyền xâm phạm tự do tín ngưỡng”, chúng tôi đề nghị thêm cụm từ “không một tổ chức nào và không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng.”

Trong khi đó, tại Hội nghị góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tạp chí nghiên cứu lập pháp của Văn phòng Quốc hội tổ chức, các đại biểu góp ý vào các chương có liên quan đến quyền con người và việc tổ chức bộ máy Nhà nước của dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Nhiều đại biểu cho rằng trong dự thảo, vấn đề quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được đặt đúng với tầm quan trọng.


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu