Việt kiều ở Mỹ đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Chia sẻ
(VOV5) - Trao đổi với phóng viên thường trú Đài TNVN tại Mỹ, nhiều Việt kiều đang sinh sống và làm việc tại đây đã đưa ra những kiến nghị đầy tâm huyết với mong muốn góp phần xây dựng một nhà nước pháp quyền, phù hợp với quá trình phát triển và hội nhập của Việt Nam.

(VOV5) - Dự thảo Hiến pháp Việt Nam sửa đổi đang nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước.

Trao đổi với phóng viên thường trú Đài TNVN tại Mỹ, nhiều Việt kiều đang sinh sống và làm việc tại đây đã đưa ra những kiến nghị đầy tâm huyết với mong muốn góp phần xây dựng một nhà nước pháp quyền, phù hợp với quá trình phát triển và hội nhập của Việt Nam.

Việt kiều ở Mỹ đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 - ảnh 1

Luật sư Đinh Viết Tứ, Việt kiều tại California, nêu ý kiến: “Theo tôi, bản Hiến pháp cần có sự cân bằng giữa quyền của nhà nước và quyền của nhân dân. Quyền của nhân dân được thể hiện qua rất nhiều cơ chế được định ra trong Hiến pháp, chẳng hạn như tôn trọng quyền giám sát của Quốc hội. Tôi rất phấn khởi khi thấy Quốc hội ngày càng thể hiện được vai trò tích cực của mình. Tuy nhiên, hoạt động tư pháp vẫn chưa được đánh giá đúng mức. Tôi nghĩ rằng khi sửa Hiến pháp lần này, Quốc hội cần nghiên cứu kỹ lưỡng để nắm được thực tế. Hiến pháp phải khả thi, thích hợp đối với nhân dân, không tạo cơ hội cho những công dân lợi dụng quyền tự do dân chủ.”               

Chuyên gia Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Mỹ Phạm Thế Hoàng kiến nghị: “Ban soạn thảo Hiến pháp sửa đổi cần giải thích cụ thể về những nội dung sửa đổi và lý do cần sửa đổi để người dân hiểu rõ hơn về những điểm mới trong Hiến pháp.  Hiến pháp lần này có một số thay đổi tích cực, ví dụ sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, bỏ đi những ngôn từ như kinh tế quốc doanh đóng vai trò chủ đạo. Ngôn ngữ Hiến pháp vẫn có thể mang tính văn chương một chút nhưng nên tập trung nhiều ở phần lời nói đầu chứ không phải là trong các điều khoản cụ thể. Điều 4 Hiến pháp nói về Đảng lãnh đạo là quá dài và tôi nghĩ là không cần thiết khi sử dụng các ngôn từ như Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức…, mà cốt lõi của điều 4 Hiến pháp là Đảng Cộng sản Việt Nam là chính đảng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam, như thế là đủ.”

Theo anh Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch hội Sinh viên và Thanh niên Việt Nam tại Washington DC, Nhà nước cần khuyến khích tư duy độc lập và tăng cường đầu tư vào phát triển khoa học công nghệ dựa trên nền tảng tri thức Việt Nam./.

Nhật Quỳnh – Huy Hoàng, PV Đài TNVN thường trú tại Mỹ

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu