Theo các chuyên gia, sự việc này cũng có nguy cơ đẩy khu vực Trung Đông vào các vòng xoáy hỗn loạn và xung đột mới.
Hôm 03/01, liên tiếp 2 vụ đánh bom diễn ra tại tỉnh Kerman ở miền Nam Iran, khi đám đông hàng ngàn người đang tập trung tưởng niệm 4 năm ngày mất của cựu Chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Qassem Soleimani.
Các vụ đánh bom đã khiến 89 người thiệt mạng, gần 300 người bị thương và trở thành vụ tấn công nghiêm trọng nhất tại Iran từ năm 1979. Ngay sau đó, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm gây ra vụ việc.
Tại sao IS tấn công Iran?
Vụ đánh bom tự sát liên hoàn tại Iran hôm 03/01 đánh dấu hoạt động tấn công khủng bố quy mô lớn nhất và gây thiệt hại sinh mạng nhiều nhất mà IS tiến hành trong nhiều năm qua.
Hiện trường vụ đánh bom ở nghĩa trang tại Kerman, Iran. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo Aaron Zelin, chuyên gia tại Viện Chính sách Cận Đông ở Washington (Mỹ), việc IS, cụ thể là các thành viên Khorasan (IS-K), một nhánh của IS ở Afghanistan, nhằm vào Iran không phải điều bất ngờ.
Ngay từ khi trỗi dậy tại Trung Đông và Bắc Phi cách đây 1 thập kỷ, IS đã coi Iran là “cái gai trong mắt” bởi Iran là quốc gia có người Hồi giáo dòng Shiite chiếm đa số, trong khi IS lại đi theo dòng Hồi giáo Sunni. Do đó, IS luôn là mối đe dọa an ninh lớn đối với Iran, dù tổ chức khủng bố này đã suy yếu nhiều sau khi thất bại tại Iraq và Syria năm 2019, cũng như buộc phải tháo chạy khỏi Afghanistan vào năm 2021 khi lực lượng Taliban trở lại nắm quyền tại đây.
Trước khi gây ra vụ khủng bố hôm 03/01 năm nay, IS cũng đã nhiều lần tấn công Iran. Tháng 6/2017, IS tiến hành vụ tấn công bên trong tòa nhà quốc hội Iran tại thủ đô Tehran, đồng thời đánh bom tự sát gần lăng mộ của cố lãnh đạo tối cao Ruhollah Khomeini, khiến 17 người thiệt mạng. Đến tháng 9/2018, IS xả súng vào một cuộc duyệt binh tại thành phố Ahvaz, khiến 25 người chết.
Tháng 10/2022, các tay súng IS tấn công một ngôi đền ở thành phố Shiraz của Iran, khiến 13 người thiệt mạng.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, D.C., ngày 13/2/2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, John Kirby, dù không còn có mạng lưới rộng lớn như trước đây nhưng IS vẫn là mối đe dọa khủng bố lớn tại khu vực Trung Đông: “Rất khó đưa ra các định chất và định lượng về sức mạnh của tổ chức này dựa trên sự kiện vừa diễn ra tại Iran nhưng có thể nói IS-K vẫn là mối đe dọa khủng bố hiện hữu. Và chắc chắn là phần lớn thành viên nhóm này đang ở bên ngoài Afghanistan, vì thế chúng tiếp tục gây ra mối đe dọa khủng bố với người dân Aghanistan và cả khu vực”.
Theo Colin P. Clarke, chuyên gia phân tích chống khủng bố tại tổ chức tư vấn an ninh Soufan Group, trụ sở tại New York (Mỹ), vụ đánh bom kép tại Iran cũng là một sự tính toán thời điểm kỹ lưỡng của IS, khi xung đột Hamas-Israel tại dải Gaza đang khiến môi trường an ninh tại Trung Đông cực kỳ căng thẳng. Colin Clarke cho rằng điều IS tìm kiếm là “đổ dầu vào lửa”, làm gia tăng hỗn loạn trong khu vực để từ đó trỗi dậy, giống như kịch bản mà tổ chức khủng bố này từng thực hiện thành công năm 2014 khi Iraq rơi vào hỗn loạn.
Nguy cơ thêm xung đột tại khu vực
Điều khiến giới quan sát lo ngại nhất là vụ khủng bố của IS sẽ khiến Iran có các hành động trả đũa quyết liệt, từ đó khiến khu vực thêm bất ổn. Theo Gregory Brew, chuyên gia về Iran tại tổ chức tư vấn rủi ro Eurasia Group, cuộc tấn công của IS là một thất bại an ninh đối với Iran và nước này đối mặt với áp lực lớn phải đáp trả, nhằm khôi phục niềm tin về khả năng bảo vệ người dân.
Điều này càng rõ ràng hơn khi Tổng thống Iran, Ebrahim Raisi, tuyên bố bằng mọi giá sẽ đáp trả vụ tấn công khủng bố: “Kẻ thù sẽ được thấy sức mạnh của Iran. Cả thế giới sẽ biết đến sức mạnh và năng lực của Iran. Các lực lượng Iran sẽ quyết định thời gian và địa điểm để hành động”
Trong các phát biểu đầu tiên sau vụ khủng bố, nhiều quan chức Iran hướng sự chỉ trích vào Mỹ và Israel, khiến nhiều người lo ngại nước này sẽ tham gia sâu hơn vào xung đột Hamas-Israel ở Gaza. Tuy nhiên, chuyên gia Gregory Brew cho rằng các chiến dịch truy quét IS của Iran nhiều khả năng giới hạn trong nước hoặc lan sang Afghanistan và Syria, nơi IS và các chi nhánh đang hoạt động, chứ ít có khả năng đẩy Iran vào các xung đột lớn hơn.
Brew phân tích, từ khi xung đột Hamas-Israel nổ ra hôm 07/10 năm ngoái, Iran hành động kiềm chế để tránh xa lầy vào một cuộc xung đột quy mô với Israel và các đồng minh của nước này. Cũng theo chuyên gia này, việc IS tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công có thể không ngăn được các chính trị gia Iran công kích Israel nhưng cũng khiến họ khó đổ lỗi trực tiếp hơn cho Tel Aviv.
Arash Azizi, nhà sử học, thành viên Trung tâm Trật tự Toàn cầu và Trung Đông, trụ sở ở Berlin (Đức), nhận định nếu Iran nhất quyết đổ lỗi cho Israel, nhiều khả năng Iran sẽ tìm cách đáp trả, qua đó thổi bùng lên ngọn lửa căng thẳng ở Trung Đông. Tuy nhiên, Arash Azizi cũng đánh giá khả năng này ở mức thấp.
Điều nghiêm trọng hơn, theo chuyên gia Trita Parsi, Phó Chủ tịch điều hành Viện Quincy về Quản lý Nhà nước Có trách nhiệm, trụ sở tại Washington (Mỹ), hiện tại là thời điểm rất nguy hiểm đối với Trung Đông, khi xung đột Israel - Hamas ở Gaza ngày càng khốc liệt, đồng thời các quan hệ đối địch khác, như: Israel -Hezbollah, Houthi-phương Tây đang leo thang. Vì thế, bất cứ biến động mới nào cũng có thể đẩy cả khu vực vào một vòng xoáy xung đột mới phức tạp hơn và có quy mô lớn hơn. Nhận định này phần nào được chứng minh trong thực tế, khi lực lượng Houthi gia tăng tấn công ở Biển Đỏ, buộc Mỹ và đồng minh tấn công đáp trả hôm 12/01, hoặc việc Hezbollah và Israel leo thang tấn công các mục tiêu của nhau ở khu vực biên giới Israel-Lebanon