Afghanistan sau 2 năm Taliban trở lại nắm quyền

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Cho đến nay, chưa có bất kỳ một nước nào chính thức lên tiếng công nhận chính quyền Taliban.

Afghanistan đã trải qua 2 năm đầy khó khăn, thách thức kể từ khi lực lượng quân đội Mỹ rút quân và lực lượng Taliban tiếp quản quốc gia Nam Á này. Cuộc sống của người dân ngày càng khó khăn hơn bởi viện trợ bị cắt giảm cùng các lệnh trừng phạt ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế. Quan ngại hơn, tình trạng mất an ninh lương thực, nền giáo dục giới hạn đối với trẻ em gái cùng bóng ma khủng bố đang là những thách thức trong việc đưa Afghanistan đến với sự ổn định và tăng trưởng kinh tế.

Đúng ngày này cách đây 2 năm (15/8/2021), Taliban, lực lượng Hồi giáo cực đoan kiểm soát Afghanistan giai đoạn 1996-2001, đã hoàn tất chiến dịch quân sự chớp nhoáng, giành quyền kiểm soát đất nước từ quân đội. Theo thỏa thuận đạt được với Mỹ trước đó (tại Doha tháng 2/2020), Taliban cam kết tái thiết đất nước, xây dựng một nền hòa bình, ổn định ở quốc gia này. Thế nhưng, trên thực tế 2 năm qua, cam kết về một chính phủ toàn diện, bao trùm cũng như đổi mới cách thức quản trị đất nước nhằm mang lại cho người dân một nền an ninh, kinh tế tốt đẹp hơn vẫn chưa thể thành hiện thực.

Những thách thức hiện hữu

Khi tiếp quản chính quyền, Taliban từng tuyên bố Afghanistan là quốc gia có một hệ thống Hồi giáo, nơi mọi người có đầy đủ các quyền, không có sự bất công và không có tham nhũng. Trên thực tế, 2 năm qua, mặc dù không thể phủ nhận những khác biệt giữa nhà nước Taliban hiện nay và chính quyền Taliban vô cùng hà khắc của hơn 20 năm trước, nhưng đất nước Afghanistan đã chứng kiến sự thụt lùi trong nỗ lực phát triển và hội nhập với cộng đồng quốc tế. Đặc biệt là trong việc thực thi các lợi ích xã hội, nhất là vấn đề nữ quyền.

Vai trò của phụ nữ trong xã hội bị hạn chế, như: đóng cửa các cơ sở thẩm mỹ viện, các bé gái không có cơ hội đi học sau khi hết lớp 6, phụ nữ chỉ được rời khỏi nhà trong trường hợp cần thiết và bắt buộc phải có người thân là đàn ông đi kèm, cấm phụ nữ làm việc ở hầu hết các cơ quan của chính phủ và buộc phải mặc áo Burqua, loại trang phục che thân từ đầu đến chân và trùm kín mặt, khi đến nơi công cộng….

Trên bình diện chính trị, cho đến nay, chưa có bất kỳ một nước nào chính thức lên tiếng công nhận chính quyền Taliban. Trước khi Taliban nắm chính quyền Afghanistan vào tháng 8/2021, viện trợ quốc tế chiếm 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Afghanistan và chiếm 80% ngân sách của nước này. Đây được coi là xương sống của nền kinh tế Afghanistan. Tuy nhiên, sau khi Taliban nắm quyền điều hành đất nước, các nguồn tài chính quốc tế bị cắt giảm, chỉ còn lại một số ít viện trợ nhân đạo. Khoảng 9 tỷ USD dự trữ ngoại hối bị đóng băng do các cuộc đàm phán của Ngân hàng Trung ương Afghanistan với Mỹ để thu hồi nguồn tiền dự trữ ngoại hối bị đóng băng không đạt được kết quả suốt thời gian qua. Các quan chức phương Tây cho rằng tiến bộ về quyền của phụ nữ sẽ là “chìa khóa” để Taliban có thể tiếp cận nguồn vốn này.

Trong khi đó, các công ty và tổ chức tài chính nước ngoài vẫn cảnh giác trong việc hợp tác với chính quyền Taliban. Hậu quả của việc bị xa lánh là nền kinh tế Afghanistan suy giảm tới 40% trong năm qua. Liên hợp quốc ước tính khoảng 25 triệu người Afghanistan (khoảng một nửa dân số) đang sống trong cảnh nghèo đói và phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Xung đột Nga - Ukraine khiến giá lương thực trên thế giới tăng cao. Tài nguyên nước khan hiếm và khó khăn của nông nghiệp càng làm gia tăng khủng hoảng kinh tế ở Afghanistan. Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc đã cảnh báo về một thảm họa nhân đạo đang xảy ra ở quốc gia Nam Á này.

Tương lai bất ổn

Không chỉ thất bại trong điều hành nền kinh tế, sau 2 năm trở lại nắm quyền, Taliban phải đối mặt với một số vấn đề nội bộ nghiêm trọng khi các cuộc xung đột phe phái gia tăng làm dấy lên lo ngại về một cuộc nội chiến. Bên cạnh đó, Afghanistan dường như đang trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các nhóm khủng bố xuyên quốc gia và các tổ chức cực đoan. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là mối đe dọa lớn nhất đối với chính quyền Taliban, thời gian qua thực hiện nhiều vụ tấn công nhắm mục tiêu vào quan chức chính quyền Taliban.

Bức tranh ảm đạm ở Afghanistan 2 năm sau Taliban nắm quyền khiến cộng đồng quốc tế thực sự quan tâm và không khỏi lo ngại. Ngoài những xung đột không hồi kết với các thế lực bên ngoài, tương lai về một chính phủ toàn diện, bao trùm cũng như đổi mới cách thức quản trị đất nước nhằm mang lại cho người dân một nền an ninh, kinh tế tốt đẹp hơn vẫn chưa thể thành hiện thực. Theo các nhà phân tích quốc tế, nếu chính quyền Taliban ở Afghainistan hiện nay không giải quyết một cách đồng bộ các vấn đề, từ cải thiện nền kinh tế, giảm bớt sự cô lập quốc tế,... đến duy trì một chính sách xã hội cởi mở hơn thì ổn định và tăng trưởng vẫn là mục tiêu xa vời ở quốc gia này.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu