Đức và những cải cách bước ngoặt về chính sách nhập cư

Quang Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Tình trạng thiếu hụt lao động tại Đức bắt đầu từ giữa những năm 2000 và ngày càng trầm trọng, đặc biệt là các lao động tay nghề cao.
Nghị viện Liên bang Đức hôm 19/01 thông qua một dự luật nới lỏng rất nhiều điều kiện nhập tịch hoặc giữ quy chế song tịch của các công dân nước ngoài cư trú tại Đức. Theo các chuyên gia, đây được xem là bước ngoặt chính sách của nước Đức trong việc giải quyết 2 vấn đề lớn là cư trú bất hợp pháp và thiếu hụt lao động. 
Đức và những cải cách bước ngoặt về chính sách nhập cư - ảnh 1Người dân kéo vali đến Văn phòng Đăng ký Trung tâm dành cho Người tị nạn ở Berlin, Đức. Ảnh: Getty Images

Với dự luật mới được thông qua, những người nhập cư hợp pháp ở Đức sẽ được rút ngắn thời gian chờ nhập tịch, đồng thời quy chế song tịch sẽ được mở rộng áp dụng với cả các công dân đến từ các quốc gia bên ngoài Liên minh châu Âu (EU).

Thực tế mới của xã hội Đức

Theo dự luật mới, những người nhập cư hợp pháp ở Đức sẽ được phép nộp đơn xin quốc tịch sau 5 năm, thay vì 8 năm như hiện nay. Nếu người nộp đơn xin quốc tịch có những thành tựu đặc biệt, thời gian này có thể giảm xuống chỉ còn 3 năm. Trẻ em sinh ra ở Đức có cha hoặc mẹ đã sống hợp pháp ở nước này từ 5 năm trở lên sẽ tự động có quốc tịch Đức. Những người nhập cư trên 67 tuổi có thể làm bài kiểm tra trình độ tiếng Đức theo hình thức vấn đáp, thay vì hình thức thi viết như hiện nay.

Việc cải tổ luật công dân của Đức là cam kết quan trọng được chính phủ liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz đưa ra khi lên nắm quyền vào cuối năm 2021. Theo Bộ trưởng Di cư, tị nạn và hòa nhập Đức, Reem Alabali-Radovan, các cải cách mới về luật nhập cư hay công dân là sự phản ánh thực tế xã hội và nhân chủng mới tại nước Đức:“Đức đã luôn là một quốc gia của nhập cư và bây giờ chúng ta đảm bảo rằng Đức là một quốc gia phù hợp cho nhập cư, với các bộ luật đem lại cơ hội công bằng và sự hòa nhập cho tất cả mọi người, với một tâm thế không chia rẽ người này với người kia, mà thay vào đó là tiếp nhận sự đa dạng và cởi mở”.

Đức và những cải cách bước ngoặt về chính sách nhập cư - ảnh 2Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser phát biểu tại cuộc họp báo ở Berlin, ngày 25/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Bộ trưởng Nội vụ Đức, Nancy Faeser, dự luật công dân mới trước mắt cũng sẽ giúp Đức giải quyết được tận gốc vấn đề di cư và cư trú trái phép, đồng thời mang đến các quyền lợi pháp lý xứng đáng cho hàng triệu người. Theo số liệu của Bộ Nội vụ Đức, khoảng 14% dân số nước này, tương đương hơn 12 triệu người, không có quốc tịch Đức, trong đó 5 triệu người đã sống ở Đức ít nhất 10 năm. Ngoài ra, khoảng 2,9 triệu người có 2 quốc tịch hiện đang sống ở Đức, chiếm khoảng 3,5% dân số, dù con số thực tế được cho là cao hơn. Luật mới sẽ giúp số người trên có quốc tịch Đức hợp pháp, đồng thời vẫn giữ được quy chế song tịch, đặc biệt là với các cộng đồng kiều dân đông đảo ở Đức, như: Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Nga... Gökay Sofuoglu, người đứng đầu Cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức, nhận định luật mới sẽ giúp 1,5 triệu người gốc Thổ tại Đức có được song tịch và 50 ngàn người có quốc tịch Đức mỗi năm.

Bên cạnh đó, luật công dân mới cũng giúp đẩy nhanh hơn quá trình xử lý những trường hợp không đủ điều kiện cư trú lâu dài tại Đức. Theo luật, những người sống phụ thuộc hoàn toàn vào trợ cấp của Nhà nước sẽ không đủ điều kiện để trở thành công dân Đức. Ngoài ra, quyền công dân Đức cũng sẽ bị từ chối đối với những người có hành vi bài Do Thái, phân biệt chủng tộc, bài ngoại hoặc các hành vi phạm tội phỉ báng khác. 1 ngày trước khi thông qua luật công dân mới, Nghị viện Liên bang Đức cũng đã thông qua một luật khác cho phép nhà chức trách Đức trục xuất dễ dàng hơn những người phạm tội đang cư trú trên đất Đức và những người bị từ chối cấp quy chế tị nạn.

Giải quyết việc thiếu hụt lao động

Đối với các chuyên gia, những thay đổi lớn trong luật công dân của Đức cũng là bước đi tiếp theo trong chiến lược thu hút các lao động có tay nghề cao trên thế giới đến làm việc và sinh sống tại Đức. Trước đó, vào tháng 11 năm ngoái, Đức đã cho áp dụng các điều khoản đầu tiên trong dự luật cải cách nhập cư mới nhằm đơn giản hóa thủ tục xin giấy phép lao động, giấy phép cư trú cũng như đoàn tụ gia đình tại Đức. Thiếu hụt lao động đang trở thành 1 trong những thách thức lớn nhất với nền kinh tế và xã hội Đức trong nhiều năm tới. Theo Bộ trưởng Lao động Đức, Hubertus Heil, nếu không có các biện pháp khẩn cấp, Đức sẽ thiếu đến 7 triệu lao động vào năm 2035. Một cuộc khảo sát do Phòng thương mại và công nghiệp (DIHK) thực hiện cuối năm ngoái cho thấy một nửa trong tổng số 22 ngàn công ty Đức được khảo sát thiếu lao động, với 1,8 triệu công việc không có người làm, gây thiệt hại gần 99 tỷ USD cho kinh tế Đức năm vừa qua.

Theo chuyên gia Enzo Weber của Viện nghiên cứu việc làm Đức (IAB), tình trạng thiếu hụt lao động tại Đức bắt đầu từ giữa những năm 2000 và ngày càng trầm trọng, đặc biệt là các lao động tay nghề cao. Thilo Brodtmann, đến từ Hiệp hội Công nghiệp chế tạo máy móc và thiệt bị Đức (VDMA) cho biết 70% công ty Đức trong lĩnh vực này thiếu lao động. Trong lĩnh vực công nghệ, con số này là 40% còn trong ngành thực phẩm-đồ uống, một vị trí việc làm bị bỏ trống trung bình mất 1 năm mới tìm được lao động thay thế. Thực tế tại Đức cũng là điều mà các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) gần đây liên tục cảnh báo các nước thành viên, đó là phải cân bằng giữa chống nhập cư bất hợp pháp với di cư lao động. Ủy viên Nội vụ EU, Ylva Johansson, nhận định: “Thời gian qua, chúng tôi đã thảo luận nhiều về cách giải quyết tình trạng di cư bất hợp pháp đến châu Âu, về việc làm sao để những người không đủ điều kiện phải quay trở lại nước xuất phát. Nhưng cùng lúc đó cũng phải nghiên cứu những cách thức cho lao động di cư hợp pháp bởi châu Âu cần điều đó. Các xã hội và thị trường lao động châu Âu đang thiếu hụt lượng lớn lao động”.

Trong thời điểm này, việc đẩy mạnh các cải cách luật về nhập cư và quyền công dân còn giúp chính phủ Đức ứng phó với 1 thách thức chính trị lớn khác, đó là sự nổi lên của các đảng phái và phong trào cực hữu cổ vũ cho xu hướng bài ngoại, thậm chí gần đây đã bí mật nhóm họp để thảo luận việc trục xuất hàng loạt những người có gốc gác nước ngoài, kể cả đã mang quốc tịch Đức, làm dấy lên lo ngại về sự quay trở lại của các tư tưởng phát-xít như cách đây gần 100 năm tại Đức.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu