Hiệp ước di cư mới và sự chia rẽ trong EU

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Để giải quyết vấn đề này một cách triệt để, EU cần đạt được sự thống nhất trong chính sách về người di cư và tị nạn.

 Liên minh châu Âu (EU) cuối tuần qua khởi động cuộc thảo luận về Hiệp ước di trú mới nhằm cải cách chính sách tị nạn bị đánh giá là thất bại thời gian qua, giải quyết những chia rẽ nội khội do vấn đề di cư gây ra. Đây là lần đầu tiên 27 nước thành viên EU thảo luận về văn kiện này. Tuy nhiên, tìm được tiếng nói chung trong giải quyết vấn đề di cư chưa bao giờ là vấn đề dễ dàng đối với EU từ vài năm nay, nếu không muốn nói là một trong những vấn đề gai góc nhất.                     

Sự xuất hiện của hơn 1 triệu người di cư ở châu Âu vào năm 2015, hầu hết trong số họ là người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Syria, đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất của EU, tạo ra gánh nặng lớn đối với mạng lưới an ninh, hệ thống phúc lợi của nhiều nước, đồng thời khơi gợi tinh thần cực hữu ở châu Âu. Để rồi 5 năm sau, các nước EU vẫn đang loay hoay tìm cách giải quyết những tác động do làn sóng di cư gây ra.

Hiệp ước di cư mới và sự chia rẽ trong EU - ảnh 1 Các Bộ trưởng Nội vụ EU tham dự cuộc thảo luậ trực tuyến do Đức chủ trì ngày 8/10/2020. - Ảnh: AFP/TTXVN

Những điều chỉnh trong Hiệp ước di cư mới

Cuối tháng 9 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố chính sách mới về nhập cư và tị nạn. Điểm quan trọng nhất của Hiệp ước di trú mới là đề xuất bỏ hạn ngạch tiếp nhận người di cư. Mỗi năm, EC sẽ xem xét và đưa ra con số người nhập cư phải tiếp nhận dựa trên tính toán về sức mạnh kinh tế, dân số và năng lực thực tế của từng thành viên. Quy định mới được cho là giải tỏa bế tắc lâu nay, khi một số nước EU phản đối quy chế phân bổ tiếp nhận người tị nạn vì nó cứng nhắc và thiếu công bằng.

Thay vào đó, EC đưa ra điều khoản hoán đổi. Theo đó, các nước thành viên không tự nguyện tiếp nhận thêm người tị nạn sẽ phải tăng đóng góp tài chính, chủ yếu để chi trả cho việc trục xuất người di cư. Mức đóng góp được tính toán theo khả năng kinh tế và quy mô dân số của từng thành viên. Quy định mới được xem là nhằm giảm sức ép cho những nước tuyến đầu, qua việc kích hoạt cơ chế “đoàn kết bắt buộc”, các thành viên phải lựa chọn hoặc tiếp nhận người di cư, hoặc hỗ trợ những nước tiếp nhận.

Để giảm bớt gánh nặng cho các nước, Ủy ban châu Âu sẽ trợ cấp cho các nước tiếp nhân người tị nạn số tiền 10.000 Euro cho mỗi người tị nạn mà nước đó nhận về và 12.000 Euro nếu đó là trẻ vị thành niên.

Hiệp ước di cư mới và sự chia rẽ trong EU - ảnh 2Người di cư chờ được giải cứu ở ngoài khơi Libya. - Ảnh: AFP/TTXVN 

Theo EC, Hiệp ước di cư và cư trú mới sẽ tạo khởi đầu mới, đem đến cơ hội mới để củng cố và đề cao giá trị nhân đạo của EU, khẳng định năng lực của khối bảo đảm các quyền cơ bản cho người tị nạn.

Vẫn còn khác biệt

Chính sách mới cho thấy tham vọng của EU thiết lập một hệ thống “đóng góp linh hoạt”, nhưng bắt buộc hợp tác khi áp lực về vấn đề người tị nạn lên cao. Nghĩa là các nước thành viên được tự quyết định tiếp nhận người tị nạn, đóng góp hỗ trợ các thành viên khác, hay giúp người di cư trở về quê hương họ, chứ không được phép không hành động.

Dự kiến, gói chính sách mới về nhập cư và tị nạn được chính thức áp dụng từ năm 2023. Tuy nhiên, để được thông qua, hiệp ước này cần nhận được sự nhất trí của cả 27 nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu. Sau cuộc thảo luận ngày 8/10, thông tin về kết quả cuộc họp không nhiều. Chỉ có Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer, đại diện của Đức, nước Chủ tịch luân phiên EU, tiết lộ “có những quan điểm khác nhau” cho dù các bên vẫn đạt được một số đồng thuận. Tuy nhiên, đồng thuận ở những điểm nào cũng không được tiết lộ. Điều này cho thấy Hiệp ước trên chưa nhận được nhiều sự hưởng ứng tại châu Âu và kết quả thảo luận không được như mong muốn.

Những chính sách mới liên quan đến người di cư và tị nạn chưa bao giờ là chủ đề dễ dàng đối với EU bởi bài toán người di cư không chỉ là chuyện của một vài quốc gia mà còn là thách thức của cả khối. Để giải quyết vấn đề này một cách triệt để, EU cần đạt được sự thống nhất trong chính sách về người di cư và tị nạn. Tuy nhiên với những diễn biến hiện nay, xem ra Hiệp ước về di trú mới sẽ khó đạt được sự đồng thuận vào tháng 12 tới như mong muốn của Đức, nước Chủ tịch luân phiên EU.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu