Tháng 10, mùa thu đến với Hà Nội. Mùa thu Hà Nội mang theo hương vị ngọt ngào của mùa đẹp nhất trong năm, một vẻ đẹp mà ai cũng phải nhớ, phải thương, phải say tình. Vẻ đẹp ấy khiến cho Hà Nội đi vào văn, vào thơ, vào nhạc với biết bao đằm thắm, da diết…
Thu Hà Nội đẹp đến nao lòng - Ảnh: Báo Dân Việt
|
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
Chắc hẳn quý vị khi nghe ca khúc Hà Nội mùa lá rụng của nhạc sĩ Quốc Trụ, với tiếng hát của ca sĩ Hoàng Nhật Minh sẽ hình dung như ngay trước mắt, một Hà Nội đẹp đến nao lòng trong mùa lá rụng… Và vẻ đẹp ấy cũng đã được nhạc sĩ Lê Thành Trung khắc họa trong ca khúc để tặng cho người bạn mình là ca sĩ Tuấn Hiệp. Khi nghe Tuấn Hiệp thổ lộ về nỗi nhớ Hà Nội, Thành Trung đã quyết định viết Hà Nội, nơi tìm về và sau đó dành khá nhiều thời gian để chỉnh sửa ca khúc cho phù hợp với chất giọng của bạn mình. Thành ý của Thành Trung đã được Tuấn Hiệp đón nhận rất nồng nhiệt. Nam ca sĩ chia sẻ: "Đã lâu lắm rồi tôi mới cảm nhận được một ca khúc tuyệt vời đến vậy về Hà Nội. Đó là điều may mắn cho tôi, và cũng cho người yêu nhạc bởi giờ đây sẽ có một Hà Nội nữa để mọi người lựa chọn, một Hà Nội nữa để có thể tự hào, với những hình ảnh như một bức tranh hoài niệm đầy cảm xúc của con người đã từng sống và làm việc ở Hà Nội".
Với giai điệu và ca từ đẹp, ca khúc Hà Nội, nơi tìm về như lời gửi gắm chân tình của ca sĩ Tuấn Hiệp tới mảnh đất đã nuôi dưỡng tâm hồn âm nhạc của anh. Không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng đối với Tuấn Hiệp, thành phố này có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Đó là nơi anh đã gắn bó suốt 20 năm tuổi trẻ, nơi mang đến thật nhiều cảm xúc cho tâm hồn nghệ sĩ và giúp anh hình thành nên phong cách âm nhạc của riêng mình.
Với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh, một người con Đà Nẵng hiện sống tại TPHCM, thì những cảm xúc Hà Nội cũng đã theo anh trong rất nhiều năm, để rồi mới đây anh đã viết nên ca khúc Hà Nội giọt đêm tan chảy, như một sự giãi bày tình cảm với thành phố đầy nỗi nhớ này. Anh tâm sự: "Trong tình yêu của mỗi người đều có một Hà Nội rất sâu thẳm. Từ nhưng năm 90, tôi có viết một số bài thơ về Hà Nội và đăng trên các báo nhưng tôi vẫn cảm thấy nó chưa nói hết được tấm lòng của tôi dành cho Hà Nội. Tình cảm ấy cứ miên man như thế, đi dài như thế qua những lần tôi gặp Hà Nội. Tình yêu đó lớn dần và tôi muốn viết 1 cái gì đó cho chính tình yêu của mình. Hà Nội giọt đêm tan chảy ra đời sau khi tôi đã nung nấu rất nhiều, những kỉ niệm của tôi với Hà Nội, Tôi nghĩ rằng chỉ 1 tác phẩm của tôi thôi nhưng các bạn có thể thấy được tình yêu của tôi dành cho Hà Nội…".
Hà Nội mùa này đã có chút gió heo may và cảm giác se se lạnh, dịu dàng như nàng thiếu nữ tuổi đôi mươi, mang theo mùi hoa sữa thơm nồng cuốn theo từng cơn gió nhẹ, ngay cả những góc phố hàng cây cũng trở nên bình yên khác lạ. Vẻ đẹp đặc trưng ấy khắc sâu vào lòng mỗi người con Hà Thành, mà ngay cả những người không sinh ra và lớn lên ở thành phố này hay chỉ là lữ khách ghé ngang thì hương sắc mùa thu cũng không dễ dàng phai mờ trong tâm trí. Như ca sĩ Bằng Kiều đã từng tâm sự trên sân khấu trước khi hát nhạc phẩm nổi tiếng Em ơi Hà Nội phố của nhạc sĩ Phú Quang.
"Tôi sinh ra và lớn lên ở một con phố nhỏ, phía sau Ga Hàng Cỏ - phố Ngô Sĩ Liên. Hồi bé, cứ mùa hè về là tôi cùng với lũ bạn cùng phố rủ nhau trèo lên những cây bàng xanh rợp lá, chạy dọc theo con phố để tìm những quả bàng chín vàng rồi chia nhau ăn. Ngày đó Hà Nội vẫn còn tàu điện leng keng, nghỉ hè ngày nào tôi cũng đi bộ từ nhà ra Cửa Nam để đi tàu điện lên BỜ Hồ, rồi đi ngược về chỉ vì thích đi tàu điện. Sau này, năm 18 tuổi tôi bắt đầu vào học Nhạc viện, khi ấy tôi mới có bạn gái. Lúc đó tôi cảm nhận được mùi thơm của hoa sữa trên đường Nguyễn Du, mới thấy vẻ đẹp khi cuối thu của Hà Nội khi lá cây bàng chuyển thành màu đỏ, mới biết hết vẻ đẹp của Hồ Tây mỗi khi chiều xuống. Những hình ảnh đó luôn khắc sâu trong tim tôi, và là hành trang tôi mang theo trong suốt cuộc đời này".