Trước thềm kỷ niệm 50 năm sự nghiệp âm nhạc của giáo sư - nhạc sĩ Đặng Ngọc Long, người Việt tại CHLB Đức, nhà xuất bản Logiber (Logiber Musikverlag Berlin) giới thiệu Album mới của ông với chủ đề: “Đặng Ngọc Long trình tấu âm nhạc đương đại”. Đây là album thứ 7 cho âm nhạc guitare của nhạc sĩ Đặng Ngọc Long, gồm 10 tác phẩm của 5 tác giả, trong đó có 2 tác phẩm trích đoạn của chính nhạc sĩ, là Tổ khúc Kiều và Faust-Sonata. Trong album, chủ yếu các tác phẩm độc tấu guitar, đặc biệt có một tác phẩm biểu diễn cùng với TAP (dàn nhạc điện tử) là tác phẩm thể nghiệm của nhạc sĩ Frank Böhme viết tặng riêng cho nghệ sĩ Đặng Ngọc Long.
BTV Bảo Trang giới thiệu với quý vị album mới này - “Đặng Ngọc Long trình tấu âm nhạc đương đại”.
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
BTV Bảo Trang: Thưa nhạc sĩ, vậy là album thứ 7 “Đặng Ngọc Long chơi tác phẩm âm nhạc đương đại” đã ra mắt công chúng, trước thềm kỉ niệm 50 năm sự nghiệp âm nhạc của ông. Chắc hẳn đây là một album đặc biệt chứ ạ?
Nhạc sĩ Đặng Ngọc Long: Âm nhạc hiện đại đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, trong chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ đều có một vài bài, hoặc một phần là tác phẩm hiện đại. Thực ra thể loại âm nhạc này còn trong thời kỳ nghiên cứu và thể nghiệm, còn nếu để thưởng thức thì kén khán giả lắm, họ chỉ nghe theo kiểu tò mò mà thôi. Vì vậy, tôi tổng hợp các tác phẩm mà tôi rất yêu thích và đã biểu diễn từ khi còn là sinh viên cho đến nay, để ra một CD có chuyên đề là “Âm nhạc Hiện đại”, với mong muốn góp phần nâng cao trình độ thưởng thức cho khán giả, đối với thể loại âm nhạc này.
Bìa album mới của nhạc sĩ Đặng Ngọc Long |
BTV Bảo Trang: Riêng 2 tác phẩm do chính mình sáng tác, ông có thể nói thêm về cảm hứng sáng tác cũng như ý nghĩa của 2 tác phẩm đó?
Nhạc sĩ Đặng Ngọc Long: Tổ khúc Kiều là tác phẩm rất tâm huyết của tôi, tôi sáng tác dựa theo cốt truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du. Tác phẩm này đã được trình diễn nhiều lần tại Đức và được hội đồng giám khảo đưa vào làm bài thi bắt buộc cho cuộc thi guitar quốc tế Berlin năm 2020. Tổ khúc Kiều gồm 7 chương, phong cách âm nhạc chủ yếu là pha trộn chất liệu ca trù của Việt Nam với âm nhạc hiện đại. Trong đó riêng chương 3 - chương Bão tố, tôi hoàn toàn viết theo chất liệu hiện đại, dùng kỹ thuật hiện đại và cả những sáng tạo mới để thể hiện một cơn bão ập đến gia đình Kiều, người ta nghe thấy cả những tiếng khóc than, rỉ máu và oan ức…
Faust là một vở kịch thơ của đại thi hào Goethe (người Đức), tôi cũng sáng tác dựa theo cốt truyện này của ông.
Faust Sonata thì tôi đã sáng tác theo kiểu đối chiếu lại với tác phẩm Kiều. Ở Việt nam thì có Kiều của Nguyễn Du, ở Đức thì có Faust của Goethe.
Chương 3 - Mephisto tôi cũng viết hoàn toàn hiện đại: âm hưởng hiện đại, kỹ thuật hiện đại… để xếp chung với chủ đề CD thì thấy rất hợp lý, nên tôi đã chọn và đưa 2 trích đoạn này vào CD !
BTV Bảo Trang: Thưa nghệ sĩ Đặng Ngọc Long, trên chặng đường âm nhạc của ông, ông đã xuất bản hàng trăm tác phẩm, phát hành cả hàng chục album. Thế nhưng khi nhắc tới tên tuổi của Đặng Ngọc Long thì dường như người ta nhớ nhiều nhất đến Đặng Ngọc Long – một nghệ sĩ biểu diễn tài danh. Có phải vì thế mà album bên thềm kỉ niệm 50 năm sự nghiệp âm nhạc, ông đã tổng hợp những tác phẩm mà ông đã từng đi biểu diễn khắp nơi trên thế giới?
Nhạc sĩ Đặng Ngọc Long: Công việc của tôi thì rất phong phú và bận rộn. Tôi biểu diễn, tôi sáng tác, tôi giảng dạy, tôi thu âm, rồi viết sách... Nhưng tôi thích nhất vẫn là đi biểu diễn, mỗi lần lên sân khấu là tôi cảm giác như được thăng hoa, được mọi người hướng tới, ngợi khen và được nhận những bông hoa tươi thắm từ khán giả. Trải qua 50 năm, tôi đã để lại sau mình cả hàng trăm cuộc trình diễn trên thế giới… nên khi khán giả nhớ đến tôi là người ta nhớ nhiều nhất về các cuộc biểu diễn đầy ắp những kỷ niệm của tôi!
Album gồm 10 tác phẩm của 5 tác giả, trong đó có 2 tác phẩm trích đoạn của chính nhạc sĩ, là Tổ khúc Kiều và Faust-Sonata. |
BTV Bảo Trang: Lâu nay dường như nhạc sĩ Đặng Ngọc Long ít có dịp về quê nhà...
Nhạc sĩ Đặng Ngọc Long: Cũng là do những yếu tố khách quan mà thời gian qua tôi ít về Việt Nam. Dịch bệnh kéo dài, rồi còn những vấn đề khác nữa... Thế nhưng quê hương thì lúc nào cũng ở trong lòng. Vì thế mà vừa rồi tôi có một dự án là đưa cuộc thi guitar quốc tế ở Berlin về Việt Nam để cho các em ở Việt Nam có cơ hội được tham gia dự thi và các nghệ sĩ quốc tế tiếp cận trực tiếp với dân ca Việt Nam. Dự án đã được Bộ ngoại giao và Bộ văn hóa rất ủng hộ, những người bạn của tôi cũng rất cố gắng tạo điều kiện. Thế nhưng cuối cùng tôi cũng đã không thực hiện được dự án này, và cảm thấy rất buồn, nuối tiếc. Tuy nhiên cuộc thi vẫn tiếp tục được tổ chức như thường lệ tại Berlin vào năm sau. Các bài thi bắt buộc mang chất liệu dân ca Việt Nam vẫn lại được tỏa sáng trên sân khấu Berlin. Chính vì thế mà dù ở xa quê hương nhưng tôi vẫn luôn có quê hương bên mình, qua những làn điệu dân ca thân thuộc.
BTV Bảo Trang: Nhạc sĩ có thể cho biết những dự án âm nhạc đang và sẽ thực hiện trong thời gian sắp tới?
Nhạc sĩ Đặng Ngọc Long: Những dự định và dự án thì nhiều lắm, vì tôi luôn tư duy mình sẽ làm cái này, sẽ làm cái kia để ghi những dấu ấn trên con đường âm nhạc của mình. Hiện nay tôi đang viết bản Concerto Kiều cho guitar và dàn nhạc giao hưởng, sau đấy tôi sẽ ra 1 cuốn sách và album về âm nhạc hoà tấu và giao hưởng! Tôi mong muốn những sản phẩm sáng tạo của mình sẽ có ích cho những người yêu nhạc, những người muốn có thêm kiến thức về âm nhạc bác học. Và đó cũng là một cách để mọi người nói đến Việt Nam nhiều hơn.
BTV Bảo Trang: Vâng xin cảm ơn nhạc sĩ!
Nhạc sĩ Đặng Ngọc Long: Tôi cũng cảm ơn VOV5 đã cho tôi cơ hội để gần gũi hơn với khán thính giả yêu nhạc. Nhân đây, tôi xin gửi tặng quý vị một bản nhạc mà nhạc sĩ Frank Böhme đã viết tặng riêng cho tôi.
Năm 1990 tôi được nhận học bổng cao học của bộ văn hóa CHLB Đức. Nhạc sĩ Frank Böhme là bạn học cùng năm chuyên ngành sáng tác cùng nhạc viện Berlin với tôi. Cảm kích trước sự kiện này, anh ấy đã viết tác phẩm Konturen “Đuờng nét” tặng tôi. Năm đó tôi đã biểu diễn tác phẩm này rất thành công ở Viện nghiên cứu nghệ thuật của Đức (Akademie der Kunst) thế mà đã cách đây 34 năm rồi… !